Trẻ vị thành niên tự tử: Nguy cơ từ áp lực gia đình, xã hội
Nguy cơ từ áp lực gia đình, xã hội |
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân gốc của vấn đề tự tử của trẻ vị thành niên qua những vụ việc đau lòng vừa qua?
PGS.TS Trương Văn Vỹ: Phải khẳng định rằng, nguyên nhân mang tính chi phối đối với vấn đề tự tử của trẻ vị thành niên đều bắt nguồn từ những áp lực xã hội, áp lực từ thành tích học tập, áp lực phải giỏi giang, xuất sắc... Vấn đề này nghe đơn giản và có vẻ quá quen thuộc, nhưng thực tế vẫn đang là thứ đè nặng lên các em nhất và dễ để lại hậu quả nhất.
Ngoài những nguyên nhân xã hội còn có những nguyên nhân về tâm lý, do trẻ bị tự kỷ, stress, trầm cảm. Những bất ổn trong gia đình như cha mẹ ly hôn, hay thường xuyên cãi vã, gây gổ, đánh nhau, gia đình không hòa thuận... cũng là một trong các nguyên nhân có thể khiến những đứa trẻ nảy sinh ý định, hành vi tự tử.
Hoặc đôi khi gia đình có những biểu hiện không phù hợp vô tình làm gia tăng áp lực đối với các em nhỏ. Nhiều câu nói cứ tưởng là đùa nhưng có thể dẫn đến hậu quả là đứa trẻ dễ tìm đến cái chết. Chẳng hạn, chúng ta có thể nghe nói hoặc chứng kiến ở đâu đó trong cuộc sống, người lớn hay có những câu vừa đùa vừa thách thức như “mày có gan chết thì chết đi xem nào”... khi con trẻ bày tỏ muốn tìm đến cái chết. Điều đó càng làm các em suy sụp tinh thần và hậu quả đáng tiếc dễ xảy ra.
Hành động giúp người thân vượt qua ý định tự tử (ảnh minh họa: TTO) |
PV: Vấn đề tự tử của trẻ vị thành niên đã được nói đến từ lâu nhưng xã hội chưa có sự quan tâm đúng mực, vì sao vậy, thưa ông?
PGS.TS Trương Văn Vỹ: Lâu nay, chúng ta thiếu sự quan tâm đến vấn đề tự tử của trẻ vị thành niên. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, tự tử là vấn đề rất khó để tiếp cận, quân tâm vì động cơ tự tử là từ cá nhân, âm thầm, ít được chia sẻ, đôi khi xảy ra bất chợt. Người ta có thể thấy số vụ tự tử của trẻ vị thành niên đang tăng nhưng rất khó xác định rõ nguyên nhân. Hơn nữa, từ trước tới nay, xã hội cũng ít quan tâm đến vấn đề này vì quan niệm tự tử là chuyện cá nhân. Đó là quan niệm không đúng bởi mọi nguyên nhân tự tử đều chủ yếu xuất phát từ xã hội.
Theo tôi biết, hiện nay, chúng ta đang đi tìm cơ chế để ngăn chặn tự tử. Những cuộc khảo sát, những nghiên cứu, hội thảo về tự tử của trẻ vị thành niên đã bắt đầu được tổ chức nhiều hơn. Hy vọng trong thời gian ngắn tới, chúng ta sẽ có những giải pháp hữu hiệu để hạn chế chuyện tự tử của trẻ vị thành niên đến mức thấp nhất.
PGS.TS Trương Văn Vỹ: “Để nhận biết trẻ có ý định tự tử, không có cách nào khác ngoài việc cha mẹ luôn quan tâm, sâu sát con, cố gắng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của con, để có thể hiểu và chia sẻ kịp thời những bất ổn trong tâm lý, cuộc sống của con. Đặc biệt, cha mẹ phải tránh tạo áp lực cho con”. |
PV: Theo ông, chúng ta có thể phòng ngừa, can thiệp hành vi tự tử như thế nào hiệu quả nhất?
PGS.TS Trương Văn Vỹ: Theo tôi, vấn đề phòng ngừa, can thiệp hiệu quả nhất, mang tính cốt lõi là làm sao nhận ra sớm nhất, sau đó là tìm ra nguyên nhân và giải tỏa ý định tự tử.
Để nhận biết trẻ có ý định tự tử, không có cách nào khác ngoài việc cha mẹ luôn quan tâm, sâu sát con, cố gắng tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của con, để có thể hiểu và chia sẻ kịp thời những bất ổn trong tâm lý, cuộc sống của con. Đặc biệt, cha mẹ phải tránh tạo áp lực cho con.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu muốn tự tử, cha mẹ nên ở bên cạnh trẻ, tuyệt đối đừng để trẻ một mình, sau đó đưa trẻ đến bác sĩ tâm thần hoặc bệnh viện gần nhất. Người có hành vi, ý định tự sát phải được sơ cứu tâm lý và can thiệp khẩn cấp. Đặc biệt, những người có nguy cơ cao phải được nhập viện ngay để điều trị y tế, can thiệp dược lý, gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần...
Để hạn chế hành vi tự tử, việc xây dựng và phố biến các đường dây nóng tư vấn về vấn đề tự tử cũng có những hiệu quả nhất định. Công tác tuyên truyền về lý tưởng sống, xây dựng môi trường sống lành mạnh... cho thanh thiếu niên cũng không kém phần quan trọng.
Ở Hàn Quốc, chính quyền đã cho dựng hàng rào cao và treo nhiều khẩu hiệu trực quan trên cây cầu mà thanh niên hay đến đó tự tử. Kết quả rất tích cực, thậm chí có người đến đó để thực hiện hành vi tự tử nhưng đã “quay đầu”. Qua đó để thấy rằng, biện pháp đánh vào tâm lý để ngăn chặn hành vi tự tử cũng là một giải pháp xử lý tình huống hiệu quả.
Có thể khẳng định rằng, vai trò của người thân, gia đình là quan trọng nhất để ngăn chặn hành vi tự tử của thanh thiếu niên. Thêm nữa, muốn ngăn chặn hành vi tự tử hiệu quả nhất còn đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, từ giáo dục của nhà trường, y tế, đến truyền thông, văn hóa...
PV: Xin cảm ơn ông
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hằng năm, trên thế giới có trên 800.000 người tự tử, số người có ý định tự tử còn cao hơn. Các nước thu nhập thấp và trung bình chiếm 75% số vụ tự tử trên toàn cầu năm 2012, trong đó, các nước thu nhập thấp và trung bình ở khu vực Đông Nam Á chiếm gần 40% tổng số vụ tự tử (WHO, 2016). |
Lê Trúc (thực hiện)
-
Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN
-
Nhà đầu tư "loay hoay" huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo
-
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho các nghề nặng nhọc, nguy hiểm
-
Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"