Tin tức kinh tế ngày 26/8: Grab dự định đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam
Grab dự định "bơm tiền" cả trăm triệu USD đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam
Công ty cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến Grab, có trụ sở tại Singapore, dự định đầu tư "vài trăm triệu USD" vào Việt Nam, nơi mà doanh nghiệp này coi là thị trường tăng trưởng chủ chốt tiếp theo của họ, chỉ vài tuần sau khi Grab công bố kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào Indonesia.
Grab dự định đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam |
Kế hoạch đầu tư nói trên của Grab là minh chứng mới nhất về cam kết tăng cường mở rộng hoạt động đầu tư của một thương hiệu hàng đầu khu vực vào Việt Nam - một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Ngoài ra, điều này cũng cho thấy “sự nóng lòng” sử dụng nguồn vốn để phát triển hoạt động kinh doanh của Grab, vốn đã huy động hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư.
Chủ tịch Grab Ming Maa cho hay, doanh nghiệp này rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Theo ông Ming Maa, cũng như Indonesia, nhiều người tiêu dùng thuộc giới trẻ và tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động và các trang web để tiếp cận và sử dụng nhiều loại hình dịch vụ khác nhau.
Ông Ming Maa cho hay Grab dự định đầu tư vài trăm triệu USD về phát triển hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, song không cung cấp chi tiết về kế hoạch đầu tư này.
Cũng theo ông Ming Maa, Việt Nam hiện đứng thứ ba hoặc thứ tư trong số các thị trường hàng đầu của Grab. Năm 2018, Grab đã hợp tác với công ty tài chính công nghệ Moca (Việt Nam) để cung cấp dịch vụ ví điện tử.
Vốn đầu tư từ FDI ngày càng “teo tóp”
Cục Đầu tư nước ngoài vừa công khai số liệu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8 tháng năm 2019, theo đó lượng vốn đăng ký mới vào Việt Nam đạt 22,6 tỷ USD giảm hơn 1,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đáng lo quy mô vốn/dự án ngày càng nhỏ đi, khiến chúng ta ít cơ cơ hội có những dự án có số vốn lớn hàng trăm triệu USD đến hàng tỷ USD.
Cụ thể, trong hơn 22,6 tỷ USD vốn đăng ký, vốn cấp mới đạt hơn 9,1 tỷ USD, vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 3,9 tỷ USD, đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ riêng vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt tăng lên 9,5 tỷ USD.
Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới 8 tháng qua đạt 9,1 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so vốn cấp mới với cùng kỳ năm 2018. Bình quân vốn trên dự án cấp mới là 3,7 triệu USD, thấp hơn nhiều so với bình quân vốn cấp mới/dự án trong 8 tháng của năm 2018 là 7 triệu USD/dự án.
Vốn đầu tư từ FDI ngày càng "teo tóp" |
Quy mô vốn cấp mới bình quân giảm, trái ngược với định hướng thu hút chủ yếu các dự án lớn, có công nghệ cao của Việt Nam, điều này cũng khiến Việt Nam kém thu hút, cạnh tranh về môi trường đầu tư.
Về vốn tăng thêm, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính hết 8 tháng qua, lượng vốn tăng thêm trung bình 4,3 triệu USD/dự án, giảm mạnh so với bình quân cùng kỳ năm trước là 7,5 triệu USD/dự án.
Hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ được hưởng thuế 0%
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 (POR13) cho giai đoạn rà soát từ 1/2/2017 đến 31/1/2018 đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, mức thuế cuối cùng dành cho 2 bị đơn bắt buộc (Công ty CP thực phẩm Sao Ta và Công ty CP Nha Trang Seafoods) trong đợt rà soát này đều ở mức 0%.
Ngoài ra, 29 doanh nghiệp khác trong ngành tôm của Việt Nam là bị đơn tự nguyện cũng có mức thuế 0%.
Mức thuế cuối cùng nêu trên được đánh giá là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt khi tất cả các doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ cũng nhận được mức thuế suất 0%.
Trong 13 đợt rà soát tôm từ trước đến nay, đây là lần thứ hai (sau POR7), DOC xác định các doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ không bán phá giá. Mức thuế 0% đối với tôm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang có diễn biến phức tạp.
Vì sao nông sản Việt Nam bị thương nhân Trung Quốc ép giá?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc 7 tháng đạt 4,74 tỷ USD, giảm 8,9% so với 7 tháng năm 2018, nhưng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh và đạt 4,78 tỷ USD, tăng 12,6%.
Do đó, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn Trung Quốc 0,1 điểm phần trăm. Tiếp đến là thị trường EU chiếm 12,0%; ASEAN chiếm 9,5%; Nhật Bản chiếm 8,4%.
Nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc |
Trên thực tế, Trung Quốc nhiều năm liền là thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam lớn nhất tính cả đường xuất khẩu chính ngạch và hoạt động biên mậu. Đặc biệt, với nông sản, Việt Nam xuất khẩu có thể khẳng định Trung Quốc là thị trường trọng yếu. Song, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường 1,4 tỷ dân năm nay có chiều hướng giảm mạnh.
Nguyên nhân do thị trường Trung Quốc đang tăng cường siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, thời gian gần đây, Trung Quốc còn phá giá đồng nhân dân tệ.
Nhãn tươi Việt Nam chính thức bước chân vào thị trường Australia
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNN) cho biết, sau một thời gian dài đàm phán và hoàn thiện các thủ tục, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã cho phép quả nhãn tươi Việt Nam được xuất khẩu vào Australia.
Lễ công bố chính thức và trao chứng nhận xuất khẩu nhãn sẽ do Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia công bố chính thức tại Hà Nội trong ngày 29/8 tới, khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia có chuyến công tác tại Việt Nam.
Như vậy, nhãn là loại trái cây tươi thứ tư được xuất khẩu vào Australia, sau quả vải, xoài và thanh long.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, phía Australia yêu cầu quả nhãn xuất khẩu vào thị trường này phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình vận hành đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi vào Australia.
Bên cạnh đó, quả nhãn trước khi xuất khẩu phải được xử lý chiếu xạ. Các lô hàng xuất khẩu phải được kiểm tra bởi các đơn vị kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật phía Việt Nam trước khi xuất khẩu, đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi trong các lô hàng phải phủ kín không để côn trùng xâm nhập.
Đối với vận chuyển bằng đường biển, số container và số niêm phong phải được xác nhận và ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc trên chứng từ thương mại. Nếu được xác nhận trên vận đơn thì số chứng nhận kiểm dịch thực vật cũng phải được ghi rõ.
Nguyễn Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 14/10: Giá cà phê xuống mức thấp nhất 5 tuần
-
9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đứng đầu trong nhóm thủy sản
-
Tin tức kinh tế ngày 30/9: Giá xuất khẩu hồ tiêu đạt mức kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 21/9: Xuất khẩu tôm Việt Nam bứt phá mạnh mẽ
-
Tin tức kinh tế ngày 20/8: Dự báo giá vàng tiếp tục tăng cao trong năm 2025
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần