Tin tức kinh tế ngày 22/07: Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn báo lỗ quý đầu tiên kể từ năm 2016
Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất trong bối cảnh Covid
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, song cũng có những doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh ổn định có doanh thu cao, lợi nhuận lớn.
Nửa đầu năm 2021, dưới tác động của đại dịch Covid-19, bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì vẫn có doanh nghiệp giữ vững phong độ, thậm chí bứt phá vươn lên về doanh thu, lợi nhuận, tạo điểm sáng giữa đại dịch. Một trong số đó là Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (Nhiệt điện Quảng Ninh, mã QTP).
Nhiệt điện Quảng Ninh có lợi nhuận cao do thực hiện tốt công tác quản trị chi phí, giảm khấu hao nhiệt so với cùng kỳ |
Theo báo cáo tài chính, đến hết tháng 6, QTP báo doanh thu hơn 4.264 tỷ đồng, lãi ròng trên 310 tỷ đồng, gấp 15,5 lần cùng kỳ 2019. Riêng ba tháng 4, 5 và 6, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 2.472 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ nhưng lãi gộp đạt đến 258 tỷ đồng, tăng 334%. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 193,1 tỷ đồng, tăng 166,5 tỷ đồng so với cùng kỳ 2020.
Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh là do công ty đã thực hiện tốt công tác quản trị chi phí, giảm đáng kể suất hao nhiệt so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra chi phí khấu hao cũng giảm đáng kể, trong khi doanh thu hoạt động tài chính, và các lợi nhuận khác cũng tăng so với cùng kỳ 2020.
Một doanh nghiệp nữa là Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng (Gang thép Cao Bằng, mã CBI). Báo cáo tài chính quý II cho thấy CBI đạt doanh thu thuần 991 tỷ đồng, gấp 2,5 lần, lợi nhuận gộp gấp 4,9 lên 168 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 153 tỷ đồng, gấp 18,5 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận CBI đạt 216 tỷ đồng, gấp 14,8 lần và vượt 80% kế hoạch năm.
Doanh nghiệp giảm nợ vay ngắn từ hơn 406,6 tỷ đồng xuống gần 380 tỷ đồng và giảm nợ vay dài hạn từ 686,4 tỷ đồng xuống gần 594 tỷ đồng. Tổng nợ vay đã giảm trong nửa đầu năm là gần 130 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Gang thép Cao Bằng thời điểm cuối kỳ ghi nhận 250 tỷ đồng, giảm 36,5% so với đầu năm, chủ yếu giảm thành phẩm và chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.Tổng tài sản giảm nhẹ so hồi đầu năm, ghi nhận mức hơn 1.678 tỷ đồng. Chốt phiên hôm nay, cổ phiếu CBI tăng khá mạnh 3,45% lên 24.000 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm, mã này tăng 160,8% tương đương mỗi cổ phiếu thêm 14.800 đồng.
Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn báo lỗ sau nhiều năm
Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) mới được công bố, doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt gần 94 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế, phòng chờ sân bay của Sasco đều tăng so với cùng kỳ. Hiệu quả kinh doanh của Sasco cũng cải thiện rõ rệt khi biên lợi nhuận gộp tăng từ 38% lên 51%, giúp doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn báo lãi gộp 48 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn thu từ hoạt động tài chính của Sasco sụt giảm nghiêm trọng trong quý 2, từ 122 tỷ đồng xuống còn 23 tỷ đồng tương đương giảm 99 tỷ đồng (81%). Sụt giảm này đến từ các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên quan giảm mạnh.
Sụt giảm mạnh các nguồn thu hoạt động tài chính trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến từ hơn 19 tỷ đồng quý 2/2020 lên hơn 42 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng tăng 14% trong quý 2/2021 khiến Sasco lỗ sau thuế 14 tỷ đồng dù các khoản chi cho hoạt động vận hành đã được tiết giảm, tương đương lợi nhuận sau thuế quý 2 của doanh nghiệp giảm tới 140% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là quý đầu tiên Sasco báo lỗ từ năm 2016. Trước đó, trong năm 2020, công ty dịch vụ sân bay của ông Hạnh Nguyễn có lãi cả 4 quý nhờ doanh thu hoạt động tài chính trong khi phần lớn các doanh nghiệp liên quan đến ngành hàng không đều thua lỗ nghiêm trọng.
Lũy kế 6 tháng đầu 2021, Sasco đạt doanh thu thuần 202 tỷ đồng, thấp hơn 65% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lỗ ròng gần 2 tỷ đồng trong khi có lãi hơn 52 tỷ đồng trong nửa đầu 2020.
Bất chấp việc Sasco lần đầu tiên báo lỗ từ năm 2016 bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đang tham vọng lập hãng bay vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo. Vị doanh nhân này vừa có văn bản xin Thủ tướng hỗ trợ lập hãng bay chuyên chở hàng hóa sau khi bị Bộ Giao thông Vận tải từ chối.
Công khai, minh bạch thông tin qua đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến
Để tránh tình trạng một tài sản được đem thế chấp vay vốn nhiều nơi, Bộ Tư pháp đã cho phép đăng ký giao dịch bảo đảm qua hình thức trực tuyến.
Hình thức này giúp công khai, minh bạch tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hình thức này đã giúp tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời, tránh tiếp xúc trực tiếp.
Các tài sản là động sản như: ô tô, xe máy, dây chuyền, hàng hóa... đều có thể tra cứu thông tin trên hệ thống của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
Malaysia áp thuế chống bán phá giá thép cuộn Việt Nam
Trong tuyên bố đưa ra ngày 21/7, Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi hoàn tất quá trình điều tra và rà soát đối với thép cuộn mạ màu nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc được tiến hành từ ngày 22/1/2021 dựa trên đơn kiện của Tập đoàn sơn CSC, đại diện cho ngành công nghiệp nội địa.
Tuyên bố nêu rõ tất cả các sản phẩm thuộc chủng loại này do Trung Quốc sản xuất sẽ được áp thuế 52,1%, trong khi sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam đến từ các công ty như Công ty Maruichi Sun Steel Joint Stock, NS Bluescope Vietnam Limited, Nam Kim Steel Joint Stock và các công ty khác lần lượt sẽ được áp đạt mức thuế là 12,06%, 34,85%, 0,06% và 34,85%.
Tuyên bố khẳng định cuộc điều tra được tiến hành dựa trên điều 28 khoản 8 của Đạo luật thuế chống bán phá giá năm 1993 và Quy định về thuế chống bán phá giá và chống bán phá giá năm 1994.
Bitcoin áp sát mốc 32.000 USD
Hiện giá Bitcoin đã lên trở lại sát ngưỡng 32.000 USD, khi ông Musk đề cập khả năng Tesla có thể chấp nhận thanh toán Bitcoin trở lại.
Trước đó, Bitcoin có thời điểm mất mốc 30.000 USD/đồng, rơi xuống mức 29.500 USD/đồng hôm 20/7. Đây là lần đầu tiên giá đồng tiền này rơi xuống dưới ngưỡng 30.000 USD/đồng sau gần 1 tháng.
Vị tỷ phú này cũng tiết lộ cá nhân ông sở hữu cả tiền số Ethereum. Tiết lộ của Musk cũng giúp đồng tiền số này tăng mạnh tới gần 10%, theo số liệu từ CoinMarketCap.
Từ khi lập kỷ lục mọi thời đại gần 65.000 USD vào giữa tháng 4, đến nay Bitcoin đã "bốc hơi" khoảng 50% giá trị.
Bitcoin và các loại tiền điện tử khác đã gặp biến động trong những tuần gần đây bởi một loạt những động thái cứng rắn của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Giới chức các nước này đã áp đặt những lệnh hạn chế mới với hoạt động khai thác và giao dịch tiền số.
M.C
-
Kiểm soát rủi ro và những lưu ý đối với doanh nghiệp
-
Tại sao nhiều bộ ngành đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?
-
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ
-
TKV hướng tới chế biến sâu phôi thép
-
Chính thức đề xuất Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?