Tin tức kinh tế ngày 1/8: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý rào cản trong đầu tư công
Thủ tướng: Quyết liệt xử lý những rào cản trong giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thào gỡ các rào cản pháp lý, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. |
Chiều 1/8, kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đầu tư công tăng chậm đang làm mất đi một động lực cho tăng trưởng ngắn hạn. Thủ tướng yêu cầu cần chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các rào cản trong giải ngân vốn đầu tư công.
Đề cập đến những thách thức, tồn tại cần khắc phục trong thời gian qua của kinh tế xã hội, Thủ tướng chỉ rõ, sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các nước lớn tác động mạnh đến Việt Nam. Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu trong năm 2019 nên không thể chủ quan, nhất là trong bối cảnh căng thẳng chính trị thế giới, giá dầu thế giới diễn biến khó lường, tác động của việc tăng giá điện, tăng lương cơ bản (từ ngày 1/7) có thể sẽ còn tạo áp lực lên lạm phát. Thời tiết nắng nóng, hạn hán lan rộng, dịch bệnh chưa được kiểm soát. Nếu không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách và truyền thông giải tỏa tâm lý lạm phát; khả năng CPI bình quân tăng đến 4% trong năm 2019 hoàn toàn có thể xảy ra.
Thủ tướng nhận xét, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng song không tích cực như cùng kỳ năm 2018. Nông nghiệp rất khó khăn, 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ tăng 2,39%. Dịch tả lợn châu Phi chưa được ngăn chặn triệt để. Lĩnh vực du lịch diễn biến kém tích cực hơn với lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm tăng 7,9%, thấp hơn mức tăng trên 20% cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng nhắc lại tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công như một “điểm yếu hiện nay”, 7 tháng mới đạt khoảng 35% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt khoảng 14%. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó là những thách thức từ thiên tai. Công tác phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng cần được triển khai tích cực hơn…
Vì sao xác minh sai phạm của Asanzo chậm hơn yêu cầu của Thủ tướng?
Chưa có kết luận vụ Asanzo khiến doanh nghiệp điêu đứng. |
Liên quan đến vụ việc Công ty Asanzo gian lận về xuất xứ hàng hóa, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã cho biết lý do chậm kết quả xác minh 1 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 hôm nay (1/8).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan báo cáo kết quả ngày 30/7/2019, tuy nhiên trong cuộc họp sơ kết 6 tháng của BCĐ 389, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng BCĐ cho biết đến 30/8 mới có kết quả xác minh.
Theo bà Mai, Thủ tướng có chỉ đạo liên quan đến các Bộ, liên quan đến Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, cũng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Qua quá trình xác minh ban đầu sự việc liên quan đến nhiều doanh nghiệp, cụ thể hiện nay phải kiểm tra, xác minh 28 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu liên quan đến Tập đoàn Asanzo; cũng như xác minh liên quan đến Tập đoàn Asanzo, các siêu thị và các nhà bán lẻ, các sản phẩm của Asanzo; kiểm tra thông tin với cơ quan thuế về các giao dịch; xác minh thông tin với Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao về thông tin nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bộ Công Thương đưa tiêu chí hàng hoá không phải Made in Việt Nam
Tiêu chí hàng Việt Nam sẽ được làm rõ. |
Theo dự thảo Nghị định về xuất xứ hàng hoá do Bộ Công Thương công bố ngày 1/8, hàng hóa cũng bị coi không phải hàng của Việt Nam khi chỉ dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự hay lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.
Ngày 1/8, Bộ Công Thương công bố dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để lấy ý kiến người dân, các hiệp hội, tổ chức và các cơ quan ban ngành trước khi trình Chính phủ thông qua.
Theo quy định hiện nay, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều phải ghi nhãn cho hàng hóa. Theo quy định mới của dự thảo, hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.
Các trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam sẽ được áp dụng khi hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam sẽ được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu đáp ứng tiêu chí tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa” và tiêu chí “Hàm lượng giá trị gia tăng” đối với nguyên liệu sản xuất đầu vào có xuất xứ Việt Nam.
Nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng 365% trong 7 tháng đầu năm
Ô tô nhập khẩu tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. |
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 7 tháng đầu năm ước tính đạt 288,47 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, Tổng cục Hải quan thông tin báo chí về tình hình công tác của Tổng cục trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2019. Theo đó, xuất khẩu tính đến hết tháng 7 ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% và nhập khẩu tăng 8,3%, ước tính đạt 143,34 tỷ USD.
Tính riêng trong tháng 7, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 45 tỷ USD, tăng 10% so với tháng trước, trong đó trị giá xuất khẩu ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,5% và trị giá nhập khẩu ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 14,9%.
Đặc biệt, ước tính đến hết tháng 7, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc các loại đã đạt 88.000 chiếc, trị giá đạt 1,94 tỷ USD, tăng 365,6% về lượng và tăng 319,4% về trị giá so với cùng kỳ 2018. Riêng trong tháng 7, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 13.000 chiếc, trị giá đạt 258 triệu USD.
Nguy cơ thiếu thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới?
Dịch tả lợn châu Phi khiến nguy cơ thiếu thịt lợn trầm trọng vào cuối năm. |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, với tình hình dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều khả năng sẽ thiếu thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán 2020.
Chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra chiều tối nay (1/8), ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước; bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Ông Mai Tiến Dũng lưu ý: Trước thực tế dịch tả lợn châu Phi lan rộng, Thủ tướng yêu cầu các ngành có đối sách kiểm soát dịch.
"Với tình hình này, nhiều khả năng sẽ thiếu thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán 2020", ông Dũng nhận định.
Tùng Dương (TH)
-
Chỉ có 01 loại thuế suất thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế là không công bằng đối với các doanh nghiệp
-
Nhà đầu tư tích trữ vàng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý
-
Tin tức kinh tế ngày 25/10: Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%
-
[Infographic] Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm