Tin tức kinh tế ngày 17/8: Người Việt ưu tiên bất động sản, vàng mới đến chứng khoán
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31/7/2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%). |
Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt với quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31/7/2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).
Thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022
Tại chương trình phiên họp thứ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 diễn ra sáng nay (17/8), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương đã được khẳng định là từ thời điểm 1/7/2022, trong đó có hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm và cơ cấu tiền lương mới. Vì vậy, Chính phủ cần giải trình rõ hơn về vấn đề này để bảo đảm tính khả thi và phù hợp giữa mục tiêu thực hiện cải cách tiền lương và các nội dung dự thảo về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu rà soát lại các nội dung thể hiện trọng Nghị quyết về việc đảm bảo nguồn lực thực hiện các tiêu chí định mức và thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Lượng ô tô tiêu thụ trong tháng 7 giảm 32% so với tháng 6
Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tháng 7, lượng xe tiêu thụ cả nước chỉ được 16.000 chiếc, giảm 32% so với tháng 6. Trong đó, xe con chỉ đạt mức tiêu thụ 10.400 chiếc, giảm 34%.
Tiêu thụ xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 9.000 chiếc, giảm 32%, còn xe nhập là 7.000 chiếc, giảm 31%. Nhìn về doanh số các mẫu xe lắp ráp trong nước 7 tháng qua có thể thấy xu hướng chung là suy giảm lượng bán ra rất mạnh mẽ. Trong các tháng 3, 4, 5, doanh số bán xe lắp ráp trong nước đều đạt trên 13.000 đến 17.000 chiếc thì đến tháng 7 tụt giảm xuống 9.000 chiếc. Hệ quả là hàng loạt doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước chịu giảm doanh số mạnh. Chẳng hạn, Mitsubishi chỉ đạt 1.000 chiếc xe xuất xưởng, giảm 800 chiếc so với tháng trước; Toyota chỉ bán được hơn 3.600 chiếc, giảm 1.500 chiếc; Thaco Kia bán được 2.300 chiếc, giảm hơn 1.000 chiếc; Mazda bán được 1.200 chiếc, giảm hơn 600 chiếc; Hyundai Thành Công bán được hơn 4.000 chiếc, giảm hơn 1.500 chiếc...
98% doanh nghiệp ở Cần Thơ ngưng hoạt động do ảnh hưởng Covid-19
Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, trong tổng số gần 10.000 doanh nghiệp tại Cần Thơ với khoảng 150.000 lao động, đến nay có 9.800 đơn vị ngưng hoạt động, do ảnh hưởng Covid-19.
Trong đó, TP Cần Thơ có 1.090 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thì 1.018 đơn vị tạm đóng cửa, chiếm 93,39%; gần 70.000 lao động phải tạm nghỉ. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Cần Thơ hiện còn 20/170 doanh nghiệp hoạt động sản xuất. Hơn 38.000 lao động tạm nghỉ việc.
Người Việt ưu tiên bất động sản, vàng mới đến chứng khoán
Trong báo cáo mới công bố, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của quỹ đầu tư VinaCapital nhận định sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Điều này thể hiện qua giá trị vốn hóa thị trường tăng từ 30% lên 90% GDP, số lượng công ty có vốn hóa tỷ USD tăng từ 10 vào năm 2015 lên 50 như hiện tại.
Theo chuyên gia này, nhà đầu tư Việt Nam vốn ưu tiên đầu tư vào bất động sản, vàng rồi mới đến chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường bất động sản gần đây giảm dần vì một số lý do, bao gồm chậm tiến độ xây dựng do dịch bệnh trong khi vàng cũng mất dần sức hút khi chênh lệch mua bán đã thu hẹp từ năm ngoái và giá trong nước cũng cao hơn thế giới 17%.
M.C
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/10: Giá dầu sáng nay tăng nhẹ
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng