Tin Thị trường: Giá dầu thế giới giảm trở lại
Ảnh:OP |
Giá dầu thế giới giảm trở lại
Tính đến đầu giờ chiều nay 25/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 70,7 USD/thùng - giảm 0,76%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 74,65 USD/thùng - giảm 0,69%.
Ngoài xung đột Nga - Ukraine, những diễn biến ở Trung Đông, dữ liệu về niềm tin của người tiêu dùng Mỹ, báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - một trong những thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hé lộ chu kỳ nới lỏng lãi suất của Fed, là những yếu tố tác động đến giá dầu trong tuần này.
Mới đây, Iran đã phản ứng với một nghị quyết do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua vào ngày 21/11, bằng cách ra lệnh thực hiện các biện pháp như kích hoạt nhiều máy ly tâm mới và tiên tiến được sử dụng để làm giàu uranium. Giới phân tích nhận định hành động này của Iran sẽ tăng khả năng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thực thi các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Nếu các lệnh trừng phạt được thực thi có thể khiến khoảng 1 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Iran, tương đương khoảng 1% nguồn cung dầu toàn cầu, bị loại khỏi thị trường.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng tập trung vào nhu cầu dầu thô tăng cao tại Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc phục hồi vào tháng 11 do giá thấp hơn đã thu hút nhu cầu tích trữ, trong khi các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã tăng sản lượng dầu thô thêm 3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5,04 triệu thùng/ngày vào tháng 10, nhờ vào xuất khẩu nhiên liệu.
Giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh
Theo ghi nhận vào đầu giờ chiều 25/11/2024 (giờ Việt Nam), giá khí đốt tự nhiên thế giới tăng mạnh tới 7,48% chạm mức 3,363 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí đốt tự nhiên giao tháng 12/2024.
Shell, công ty kinh doanh LNG hàng đầu thế giới, dự kiến nhu cầu LNG toàn cầu sẽ tăng 50% vào năm 2040, do nhu cầu cao hơn từ Châu Á, với việc chuyển đổi từ than sang khí đốt ở Trung Quốc và sự gia tăng tiêu thụ LNG để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Nam Á và Đông Nam Á.
Theo dữ liệu từ nhiều nguồn thống kê, tỷ lệ khí đốt tự nhiên trong nguồn cung cấp năng lượng chính của Ấn Độ hiện ở mức từ 6 - 8%. Nhu cầu năng lượng tăng trưởng của Ấn Độ không chỉ giới hạn ở dầu mỏ. Quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới này sẽ trở thành một thế lực lớn trên thị trường khí đốt tự nhiên, vì nhu cầu của nước này dự kiến sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới.
Trên thực tế, giá khí đốt tăng cao đang tạo ra gánh nặng lớn đối với nền kinh tế Châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro trong năm 2025 sẽ đạt 1,3%, cao hơn mức 0,8% của năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế này vẫn chịu nhiều áp lực từ lạm phát và chi phí năng lượng cao.
Theo EC, chi phí năng lượng tăng vọt sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng, đẩy chi phí sản xuất lên cao và ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc cân bằng giữa nhu cầu năng lượng ngắn hạn và các mục tiêu dài hạn như giảm phát thải khí nhà kính, đang trở thành bài toán nan giải cho lục địa này.
Tiến sĩ Mamdouh G. Salameh - chuyên gia kinh tế năng lượng quốc tế nhận định giá khí đốt tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Châu Âu trong năm 2025.
EU khó tránh sụp đổ nếu thiếu khí đốt Nga
Hãng Bloomberg mới đây đã đề cập cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra tại Liên minh Châu Âu (EU), cho rằng khối này đã bắt đầu gặp khó khăn trong việc cung cấp năng lượng.
Báo giới cho rằng nếu không có khí đốt của Nga, người Châu Âu không thể tránh khỏi sự sụp đổ trong lĩnh vực năng lượng.
Trong khi đó, nguồn cung nhiên liệu từ Gazprom đang giảm dần trên toàn Châu Âu, trong khi trữ lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ đang giảm nhanh trong bối cảnh thời tiết lạnh giá.
Các nước thành viên EU chỉ mới giải quyết được hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng vừa qua, nổ ra cách đây hai năm, và giờ đây họ đang đứng trước ngưỡng của cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Cuộc xung đột leo thang Nga - Ukraine đã khiến giá khí đốt ở Châu Âu tăng khoảng 45%, mặc dù chưa đạt tới mức kỷ lục vào năm 2022. Nhưng ngay cả giá khí đốt hiện nay cũng có thể có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Gazprom mới đây đã bất ngờ ngừng cung cấp khí đốt cho Áo, làm dấy lên lo ngại về những gián đoạn lớn hơn. Thỏa thuận trung chuyển khí đốt qua đường ống giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay, đe dọa một tuyến đường quan trọng cung cấp 5% nhu cầu khí đốt của Châu Âu.
Nếu không có thỏa thuận mới, các nước Đông và Trung Âu có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong mùa đông tới.
Mặc dù khí đốt qua đường ống của Nga hiện chỉ chiếm 14 tỷ m3 (Bcm) mỗi năm, một phần nhỏ trong tổng nhu cầu hàng năm 370 Bcm của Châu Âu, nhưng bất kỳ gián đoạn nào cũng có thể gây áp lực lớn lên các cơ sở hạ tầng của Châu Âu trong thời kỳ nhu cầu cao điểm.
Bình An