“Cú đấm” vào ngành công nghiệp ôtô
Năng lượng Mới số 424
Một lý do quan trọng được Bộ Tài chính đưa ra đó là nhằm cân bằng lợi ích của các doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước với các nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc, với tương lai thuế nhập khẩu xe CBU từ các nước ASEAN sẽ bằng 0%.
Nhiều năm trước, những chiếc xe máy “Tàu” tràn vào thị trường đã tạo nên một làn sóng giảm giá, thay đổi sản xuất của các nhà sản xuất trong nước. Hãy khoan bàn về chất lượng của những chiếc xe nhập khẩu này, tuy nhiên chúng đã tạo nên sức ép khủng khiếp đối với hàng nội địa, khiến các nhà sản xuất buộc phải đầu tư lắp ráp, sản xuất, tăng nội địa hóa và cắt bớt cả phần lợi nhuận khổng lồ trong suốt nhiều năm. Từ đó mà ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy phát triển nhảy vọt, không những đưa xe máy trở thành món hàng phục vụ mọi tầng lớp xã hội mà còn tiến đến xuất khẩu sang nhiều thị trường trên khắp thế giới.
Hình ảnh tại triển lãm ôtô Việt Nam năm 2014
Nói vậy để thấy, không có sức ép cạnh tranh từ bên ngoài, chúng ta còn lâu mới thoát được tình cảnh phải mua phương tiện với giá trên trời.
Tuy nhiên, với đề xuất của Bộ Tài chính như thế này, những nhà lắp ráp đang “than trời” vì thuế… thấp quá sẽ tiếp tục ăn ngon ngủ yên và… than tiếp vì không vướng bận chuyện cạnh tranh. Còn chuyện nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ thì họ đã gác qua một bên từ lâu rồi. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự việc Toyota đòi thêm ưu đãi chỉ là một bước đi theo đúng chiến lược của riêng liên doanh này và đúng “mong ước” của các nhà lắp ráp khác. Họ không có lý do gì để giảm giá, hay tìm các biện pháp để giảm giá xe, xa hơn là xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ. Từ đó mong muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô đã tan thành mây khói.
Mâu thuẫn chính sách
Thời gian trôi qua, kinh tế phát triển, hệ thống giao thông được nâng cấp, thu nhập ngày một cao là yếu tố giúp người dân tự tin “sắm” ôtô thay cho chiếc xe máy. Ấy vậy mà chiếc ôtô vẫn bị coi là một hàng hóa “đặc biệt”, phải hạn chế tiêu dùng - một tư duy phải liệt vào hạng “cực đoan” từ thời bao cấp, mà vẫn được áp dụng một cách triệt để tới ngày hôm nay.
Một mặt hạn chế sử dụng, mặt khác thì áp dụng vô vàn ưu đãi thuế cho mấy nhà lắp ráp để hy vọng ngày nào đó chúng ta sẽ có thương hiệu ôtô “made in Vietnam”, đây có thể coi là sự mâu thuẫn khó hiểu nhất trong chính sách của Nhà nước tới thời điểm này.
Ngành công nghiệp ôtô đơn giản không chỉ là sản xuất phương tiện giao thông. Nó sẽ kéo theo rất nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại: Đó là ngành cơ khí chế tạo, đó là xã hội hóa giao thông vận tải; đó là dịch vụ du lịch, xa hơn là xuất khẩu linh, phụ kiện thậm chí là ôtô nguyên chiếc… Đây chắc chắn là nguồn thu khổng lồ cho ngân sách nhà nước, nhưng chúng ta sẽ phải chờ đợi vài năm, thậm chí cả thập niên.
Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ chấp nhận thay đổi tư duy, thay vì bám vào nguồn thu trực tiếp vào mấy chiếc xe nhập khẩu, để chờ đợi nguồn thu gián tiếp rất lớn sẽ có ở tương lai? Tại sao chúng ta kêu gọi phát triển bền vững, mà cứ bám riết lấy một lợi ích ngắn hạn, nhỏ lẻ để từ bỏ cả một sự phát triển đột phá sau vài năm nữa? Tại sao Bộ Tài chính lại đưa ra đề xuất ở thời điểm này, khi mà Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt là nhân dân đang mong chờ từng ngày cho sự phát triển của công nghiêp ôtô?
Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới của Bộ Tài chính dựa trên giá bán xe của đại lý trong khi cách tính thuế cũ dựa trên giá tại cửa nhập và thuế nhập khẩu như trước kia. Dự kiến giá xe chắc chắn sẽ tăng khoảng 10-12%. Theo cách tính cũ, một chiếc xe có giá 30.000USD ở nước ngoài sẽ có giá khoảng 120.000USD ở Việt Nam, bao gồm tất cả các loại chi phí vận chuyển, kho bãi, các loại thuế phải nộp, lợi nhuận của nhà nhập khẩu. Con số này là trên 130.000USD nếu tính theo cách mới. |
Bảo Sơn
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá vàng hôm nay (24/10): Thị trường thế giới giảm trước áp lực chốt lời
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng