Cần đưa công nghiệp hỗ trợ thành ưu tiên hàng đầu
Phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng thu hút FDI, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ.
Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam bị đánh giá là "giậm chân tại chỗ" trong 10 năm qua. |
Nhận thức được vai trò quan trọng của CNHT đối với phát triển công nghiệp và thu hút dòng vốn FDI, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thuận lợi thúc đẩy ngành CNHT phát triển. Điển hình là Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT; Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT và gần đây nhất vào tháng 6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2021/NĐ-CP giúp tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp CNHT. Nghị định được xem là bước sửa đổi chính sách quan trọng, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vấn đề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển từ năm 2015.
Tuy vậy, để các chính sách này phát huy hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan thì bản thân doanh nghiệp CNHT cũng cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các chuỗi cung ứng nước ngoài.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận về lợi thế, sức hấp dẫn trong thu hút FDI. Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho rằng: Nhân tố lao động giá rẻ ngày nay không còn nhiều sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Thay vào đó, các công ty đa quốc gia sẽ chú trọng đầu tư sản xuất vào những khu vực mà tại đó họ có thể tận dụng được một ngành CNHT tốt, đáp ứng nhu cầu cung ứng linh kiện, chi tiết sản phẩm phục vụ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm, bởi tỷ lệ của chi phí về CNHT cao hơn nhiều so với chi phí lao động.
Đặc biệt, khi GDP bình quân đầu người tăng lên, Việt Nam dần bước vào giai đoạn già hóa dân số, lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ không còn, doanh nghiệp FDI sẽ dịch chuyển sang các quốc gia có nhân công cạnh tranh hơn, hoặc có hệ thống cung ứng tốt hơn.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh: “Nếu chỉ phát triển các ngành công nghiệp lắp ráp trong bối cảnh chi phí nhân công đang tăng dần với tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động, các tập đoàn đa quốc gia sẽ sớm rời bỏ Việt Nam” .
Thời gian qua, đã và đang có nhiều nhà đầu tư trong các ngành sản xuất đã lựa chọn Thái Lan hoặc Indonesia để đầu tư vì hệ thống cung ứng nội địa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các quốc gia này. Thực tế, việc tập trung phát triển CNHT để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI là bài học kinh nghiệm thành công điển hình của các quốc gia trong khu vực, mà tiêu biểu là Thái Lan đã thành công trong nhiều năm qua.
Do vậy, nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT, Việt Nam sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư trong xu hướng dịch chuyển của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.
Có thể thấy rằng, việc tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) không chỉ giúp cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế mà còn là giải pháp để phát triển công nghiệp Việt Nam nhanh, bền vững và hiệu quả cao nhất. Ngay lúc này cần phải có chương trình hành động quốc gia đưa công nghiệp hỗ trợ thành ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế, điều này phù hợp với tinh thần của Nghị định 84 của Chính phủ trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tùng Dương
-
SEMICON VIETNAM 2024: Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam và quốc tế
-
Cơ hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024
-
Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, tích cực
-
Hơn 20 gian hàng giới thiệu sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
-
Chiến lược mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam