Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (7-11/8/2023)
Tuần qua, Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia của Moldova có kế hoạch xử phạt doanh nghiệp Moldovatransgaz, cáo buộc doanh nghiệp này vi phạm cam kết tách khỏi công ty mẹ Moldovagaz, dịch vụ báo chí của cơ quan quản lý đưa tin. Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga hiện nắm cổ phần kiểm soát tại Moldovagaz. "Cơ quan này sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt với số tiền ít nhất là 10% doanh thu hằng năm đối với việc Moldovatransgaz không thực hiện các nghĩa vụ khi tách khỏi Moldovagaz", báo cáo cho biết.
Cũng trong tuần qua, RusKhimAlyans, thuộc sở hữu 50% của gã khổng lồ khí đốt Nga Gazprom, đã đệ đơn kiện để đòi 45,7 tỷ rúp (472 triệu USD) từ UniCredit (Ý), đơn vị bảo lãnh cho một dự án bị trì hoãn bởi lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Những tài liệu trên đã được đệ trình lên Tòa trọng tài St. Petersburg và vùng Leningrad. Không có thêm thông tin chi tiết nào về vụ kiện và UniCredit cũng không trả lời bình luận. Vào tháng trước, RusKhimAlyans, đơn vị đang xây dựng một tổ hợp khí đốt ở cảng Ust-Luga thuộc Biển Baltic, cũng đã đệ đơn kiện tương tự Deutsche Bank và Commerzbank. Các phiên điều trần tiếp theo sẽ diễn ra lần lượt vào tháng 9 và tháng 10 sắp tới.
Gã khổng lồ hydrocarbon của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ADNOC, hôm thứ Tư (ngày 9/8) đã công bố một hợp đồng trị giá 3,6 tỷ USD nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng xử lý khí đốt. Hợp đồng này được trao cho một liên doanh giữa một công ty địa phương và một tập đoàn Tây Ban Nha.
Nhà điều hành Harbour Energy của Vương quốc Anh đã quyết định rời khỏi Việt Nam sau khi đồng ý bán cổ phần của mình tại các mỏ Chim Sáo và Dừa ngoài khơi cho một công ty trong nước, Upstream Online đưa tin. Harbour cho biết họ bán cổ phần cho Công ty Cổ phần Big Energy với giá 84 triệu USD. Thỏa thuận này bao gồm 53,125% tỷ lệ tham gia mỏ Chim Sáo và Dừa ngoài khơi Việt Nam. Điều đó có nghĩa là Harbour của Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Việt Nam. Giao dịch này vẫn cần phê duyệt từ Chính phủ Việt Nam, hy vọng vào cuối năm 2023.
Shell đang xem xét đến một loạt các mục tiêu thăm dò tiềm năng mới ngoài khơi Malaysia, nơi các nhà khai thác đang tiếp tục tìm kiếm thêm trữ lượng dầu khí và phát hiện nhiều giếng mới. Vào tuần tới, Shell dự kiến sẽ bắt đầu khảo sát địa vật lý tại các địa điểm, trong đó có các hợp đồng chia sẻ khai thác MLNG, SK 439 và SK 440 ngoài khơi Sarawak, nơi Shell đã xác định các giếng chưa khai thác và các khu vực khai thác tiềm năng - Berembun, Pechu, Teja, Pepulut, Habanero, Mengkedu, Nonsoom, Misai Kuching và Roselle. Công việc khảo sát địa điểm dự kiến kéo dài đến cuối tháng 9, sẽ do tàu Cassandra VI mang cờ Malaysia thực hiện.
Giám đốc điều hành Markus Rauramo nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn, công ty năng lượng của Phần Lan Fortum vẫn có ý định bán tài sản của mình ở Nga sau khi được chuyển giao cho Cơ quan quản lý tài sản nhà nước Nga để quản lý tạm thời. Theo ông Rauramo, trước khi chuyển cổ phần sang quản lý tạm thời, công ty đã đàm phán với một người mua tiềm năng về tài sản ở Nga, được mô tả là "được đầu tư tốt, có lãi, hiệu quả và tốt nhất hiện có ở Nga", Reuters tiết lộ. Giám đốc điều hành Fortum cho biết công ty và người mua tiềm năng đã trình bày kế hoạch của họ với Ủy ban Kiểm soát đầu tư nước ngoài của Chính phủ Nga.
Ngành công nghiệp dầu mỏ, trong đó có các công ty BP, Shell và TotalEnergies, là ngành chịu tổn thất tài chính lớn nhất khi rời khỏi Nga, một phân tích của Financial Times đã tiết lộ. Năm ngoái, BP đã ghi nhận khoản tổn thất trị giá 24 tỷ USD đối với hoạt động kinh doanh tại Nga sau khi rời khỏi đất nước này. Gã khổng lồ này có 19,75% cổ phần trong Rosneft, chiếm khoảng 50% tổng trữ lượng dầu khí và 1/3 sản lượng dầu khí của BP. Shell đã báo cáo khoản lỗ 5 tỷ USD khi rời khỏi Nga vào năm ngoái nhưng công ty cho biết điều đó sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận dầu khí của họ. Đây là một trong những công ty đầu tiên tuyên bố sẽ rời khỏi Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine. Ngược lại, TotalEnergies rút khỏi Nga khá chậm. Ông lớn dầu khí Pháp có cổ phần trong một dự án LNG do Novatek dẫn đầu. Vào cuối năm 2022, Total cho biết họ sẽ từ bỏ dự án và rời đi, gây thiệt hại 3,7 tỷ USD do không thể bán lại cho Novatek vì lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Nhà cung cấp dịch vụ của Ý Saipem đã được trao một hợp đồng trị giá khoảng 1 tỷ USD để khai thác mỏ khí đốt tự nhiên Bouri nước nông ngoài khơi Libya. Mellitah Oil & Gas, nhà điều hành Dự án sử dụng khí đốt Bouri của Libya (BGUP) do Eni đứng đầu, đã chọn Saipem để tiến hành cải tạo các giàn khoan và cơ sở vật chất tại mỏ này. Phạm vi công việc của hợp đồng giữa hai công ty bao gồm kỹ thuật, mua sắm, xây dựng, lắp đặt và vận hành mô-đun khí đốt 5.000 tấn tại giàn khoan ngoài khơi DP4 hiện có. Hợp đồng cũng bao gồm việc lắp đặt 28 km đường ống nối các cơ sở DP3, DP4 và Sabratha tại Bouri. Các hoạt động nâng hạ chính sẽ do tàu cẩu bán chìm Saipem 7.000 thực hiện.
Ngày 10/8, Baoshan Iron & Steel Co - nhà sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc, cho biết đã ký một thỏa thuận nghiên cứu chung về công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) với Công ty dầu khí Trung Quốc Sinopec, gã khổng lồ năng lượng toàn cầu Shell (Anh - Hà Lan) và Công ty hóa chất BASF (Đức).
Tuần qua, PetroChina, đã khai thác được thứ mà họ ca ngợi là thùng dầu thô "xanh" đầu tiên từ mỏ dầu Cát Lâm - mỏ dầu họ sở hữu và vận hành ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Công ty cho biết, tại Lô 3 của mỏ dầu Cát Lâm, họ đã chuyển sang sử dụng điện xanh tạo ra từ gió thay vì nhiệt điện. Sự thay đổi này đã giúp tiết kiệm 0,6 triệu m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm, PetroChina cho biết.
PT Pertamina của Indonesia hôm thứ Ba (8/8) cho biết họ sẽ xây dựng một cơ sở lưu trữ nhiên liệu ở Bắc Jakarta, sau vụ hỏa hoạn chết người tại một kho chứa nhiên liệu vào đầu năm nay, lan sang một khu dân cư đông đúc. Pertamina buộc phải nâng cấp và di dời trạm nhiên liệu của mình khỏi Plumpang, một trong những cơ sở lưu trữ nhiên liệu lâu đời nhất ở Indonesia, sau vụ hỏa hoạn hồi tháng 3 làm ít nhất 33 người thiệt mạng, theo truyền thông địa phương. Người phát ngôn Aryomekka Firdaus cho biết địa điểm mới sẽ được quản lý bởi Pertamina International Shipping, đơn vị hậu cần hàng hải của tập đoàn, với khoản đầu tư dự kiến khoảng 559 triệu USD trong giai đoạn đầu.
Giám đốc điều hành của Saudi Aramco, Amin Nasser, cho biết hôm thứ Hai (7/8) rằng nguồn cung cho khách hàng của công ty vẫn đầy đủ bất chấp việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện gần đây của vương quốc. Tuần trước, Ả Rập Xê-út đã quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 9, đồng thời cho biết thêm rằng có thể gia hạn lâu hơn, thậm chí giảm mạnh hơn.
Petrobras dự định tiếp tục nâng công suất bình quân của các nhà máy lọc dầu trong quý III. Trước đó, họ đã nâng công suất một lần lên 93% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Đây là mức nâng cao nhất tính từ quý III/2015.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (24-28/7/2023) |
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (31/7-4/8/2023) |
AFP