Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (21-26/11)
Ngày 26 tháng 11, Tập đoàn Eni của Ý đã công bố việc ký kết 4 thỏa thuận với chính quyền Rwandan như một phần của chính sách khử cacbon của nước này. Về cơ bản, thỏa thuận này liên quan đến việc khởi xướng các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế, bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương, đặc biệt là rừng và công nghệ để đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng mà Rwanda đã đặt ra. Các thỏa thuận cũng phù hợp với chiến lược năng lượng của Tập đoàn Eni. Nhất là khi tập đoàn này cho biết tham vọng của họ là dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu bằng cách đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Để làm được điều này, Eni phải đạt được mục tiêu thiết kế và cung cấp các giải pháp công nghệ mới.
Ông Luiz Inacio Lula da Silva – vị Tổng thống tương lai của Brazil cho biết, ông đang tìm kiếm những ứng cử viên phù hợp cho ban lãnh đạo của Công ty dầu mỏ đa quốc gia Petrobras của nhà nước Brazil. Nhiệm kỳ của ông sẽ bắt đầu vào tháng 1/2023. Theo Tổng thống đương nhiệm của Brazil là ông Jair Bolsonaro, ngài Luiz Inacio Lula da Silva đã bác bỏ ý định tư nhân hóa Petrobras, vốn sẽ diễn ra vào năm 2023. Tuy nhiên, ông Luiz Inacio Lula da Silva tuyên bố không hài lòng với tổ chức quản lý hiện tại. Vì vậy, ông có kế hoạch đổi mới các nhân sự cấp cao của Petrobras.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đang tìm những người mua tiềm năng cho các mỏ dầu ở Mỹ mà họ sở hữu. Như vậy, trong bối cảnh lo ngại bị trừng phạt và ý định tập trung đầu tư trong nước, Trung Quốc đang đẩy mạnh tiến trình rút lui khỏi thị trường của các quốc gia phương Tây.
Vào tháng 4/2022, Reuters đưa tin rằng CNOOC đang xem xét ý định rút hoạt động khỏi Vương quốc Anh, Canada và Mỹ. Thật vậy, Bắc Kinh lo ngại rằng những tài sản đó có thể rơi vào tầm ngắm của lệnh trừng phạt từ phương Tây, vì Trung Quốc từ chối lên án cuộc chiến Nga - Ukraine. Hiện nay, các nguồn tin nội bộ cho biết, CNOOC đã thuê dịch vụ tài chính JPMorgan (Mỹ) để tư vấn về khả năng bán lại các tài sản khí đá phiến của họ tại Mỹ. Khối tài sản này có thể đạt giá trị lên tới khoảng 2 tỷ USD. Tại Mỹ, CNOOC sở hữu cổ phần của các mỏ dầu và khí đá phiến tại lưu vực Eagle Ford (đồng sở hữu với công ty khai thác đá phiến Chesapeake Energy của Mỹ) và Rockies. Họ cũng sở hữu cổ phần của hai mỏ lớn ngoài khơi Vịnh Mexico: Appomattox và Stampede.
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, quyết định cắt giảm khí đốt từ Nga đã khiến gã khổng lồ khí đốt Uniper (Đức) bị ngạt thở. Vì thế, nhà nước Đức đã soạn thảo kế hoạch giải cứu từ tháng 9. Theo các điều khoản vừa được hoàn tất vào hôm 24/11, chính phủ Đức cần 25 tỷ euro để quốc hữu hóa Uniper.
Vào hôm 23/11, lần đầu tiên trong lịch sử, Nigeria bắt đầu khai thác mỏ Kolmani ở khu vực miền đông bắc của đất nước. Từ nhiều thập kỷ nay, Nigeria vẫn luôn khai thác hydrocarbon ở đồng bằng sông Niger. Tuy nhiên, sản lượng liên tục giảm. Mỏ Kolmani có triển vọng lên tới hơn một triệu thùng dầu, thu hút vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Hiện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nigeria (NNPC) đang sở hữu mỏ dầu này. Thông cáo báo chí từ Phủ Tổng thống cho biết thêm, bên cạnh hoạt động khai thác, Nigeria cũng sẽ xây dựng thêm một nhà máy lọc dầu, một cơ sở xử lý khí đốt, một nhà máy điện và một nhà máy phân bón. Tổng thống cũng kêu gọi NNPC và các đối tác dự án “rút kinh nghiệm từ nhiều năm hoạt động sản xuất dầu để giữ mối quan hệ hòa hỏa với cộng đồng địa phương”.
Vào hôm 22/11, tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom (Nga) đã cáo buộc Ukraine bòn rút khí đốt từ đường ống đi ngang qua lãnh thổ nước này để đến Moldova. Do đó, tập đoàn Nga đe dọa sẽ cắt giảm nguồn cung khí đốt đi đến Moldova. Theo Gazprom, tính đến tháng 11/2022, Ukraine đã lưu trữ trái phép 52,5 triệu m3 khí đốt bằng cách “chiếm đoạt” một phần lô hàng được giao đến Moldova. Gazprom cho rằng Ukraine sử dụng lượng khí đốt này cho mục đích riêng. Do đó, gã khổng lồ khí đốt Nga đã đe dọa sẽ “giảm nguồn cung khí đốt chuyển từ cửa khẩu Sudja từ 10 giờ 00 sáng ngày 28/11”, nếu Kyiv tiếp tục bòn rút khí đốt được giao sang các nước khác.
Vào hôm 22/11, gã khổng lồ năng lượng Equinor (Na Uy) cho biết, Công ty và các đối tác sẽ đầu tư 14,8 tỷ crown (1,4 tỷ euro) để phát triển một mỏ khí đốt mới ở Na Uy, giúp cung cấp năng lượng cho Vương quốc Anh và lục địa châu Âu. Mỏ khí Irpa (tên cũ là Asterix) nằm ở vùng nước có độ sâu 1350m ở Biển Na Uy. Equinor ước tính trữ lượng khí đốt có thể thu hồi từ mỏ này là khoảng 20 tỷ m3, tương đương với lượng tiêu thụ trong 7 năm của gần 2,4 triệu hộ gia đình ở Anh.
Ngày 21/11, Qatar cho biết đã ký kết Thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Trung Quốc trong 27 năm. Theo Qatar, đây là “thời hạn dài nhất” từng ký cho một hợp đồng trong ngành công nghiệp LNG. Ông Saad Sherida Al-Kaabi - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar nói rằng, thông qua dự án khí đốt khổng lò North Field East, công ty nhà nước Qatar Energy sẽ xuất khẩu 4 triệu tấn LNG/năm cho Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec).
Vào tháng 10/2020, UOKiK - Văn phòng chống độc quyền cạnh tranh Ba Lan từng cáo buộc Gazprom và 5 công ty phương Tây khác – những chủ thể có mặt trong dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, đã thành lập liên doanh mà không có sự đồng ý của họ. Vào hôm 21/11, tòa án Ba Lan đã hủy bỏ án phạt trị giá hơn 6,2 tỷ euro này. UOKiK đã nhận thấy rằng các công ty này không thực sự thành lập một liên doanh.
Nh.Thạch
AFP