Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-8/10)
Tại Hội nghị công nghiệp Diễn đàn Năng lượng Thông minh (Energy Intelligence Forum) tổ chức tại London, ông Ben van Beurden – CEO của ông lớn dầu khí Shell (Anh) nhận định rằng các chính phủ phải đánh thuế các công ty năng lượng nhiều hơn để bảo vệ những người tiêu thụ dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng năng lượng. Trước tập thể khán giả bao gồm các giám đốc điều hành và lãnh đạo của các công ty năng lượng, ông Ben van Beurden phát biểu: “Chúng ta không thể để thị trường năng lượng gây ra thiệt hại cho một bộ phận đáng kể của xã hội. Bằng mọi giá, ta cần phải có sự can thiệp của chính phủ để bảo vệ cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Điều này đồng nghĩa với việc, chính phủ phải đánh thuế mọi cá thể đang ngồi trong căn phòng này. Tôi tin rằng chúng ta phải chấp nhận thực tế xã hội này. Mọi thứ phải được thực hiện theo một cách thông minh”. Ông Ben van Beurden không trình bày cách thích hợp để đánh thuế các công ty trong lĩnh vực này. Được biết, dòng thuế này sẽ có ảnh hưởng bất lợi lên “thuế đặc biệt” áp dụng tại nước Anh.
Ngày 7/10, các nhà chức trách Romania thông báo đã khám xét văn phòng Công ty NIS Petrol do Công ty con của Tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom là Gazprom Neft kiểm soát. Theo các công tố viên, NIS Petrol bị điều tra về việc tiết lộ thông tin bí mật. Vụ việc diễn ra ở thủ đô Bucharest và thành phố Timisoara. Theo đó, nhân viên NIS Petrol bị nghi ngờ đã chuyển giao trái phép dữ liệu máy tính và gửi các báo cáo bí mật về mỏ dầu của Romania - một trong những nước khai thác dầu khí lớn nhất EU - cho Serbia. Từ nhiều năm nay, NIS Petrol đã hoạt động ở Romania và quản lý 6 mỏ dầu và khí đốt được nhượng quyền ở các vùng Bihor và Timisoara, gần biên giới Serbia. Công ty cũng quản lý 19 trạm xăng dầu của Gazprom Neft trên lãnh thổ Romania. Là công ty nhà nước, vào năm 2008, công ty của Romania đã chuyển đa số cổ phần cho Gazprom Neft. Tuy vậy, nhà nước Serbia vẫn sở hữu gần 30% cổ phần của công ty. Trong bối cảnh căng thẳng năng lượng mạnh mẽ ở châu Âu, ông Aleksandar Vucic, Tổng thống Serbia, tuyên bố không có công dân Serbia dính líu tới vụ này. Ông cho biết sự cố này không liên quan gì đến Serbia.
Giới hạn giá dầu của Nga là một cơ chế mà các nước G7 muốn áp dụng để hạn chế thu nhập của Moscow. Tuy nhiên, tại hội nghị Diễn đàn Năng lượng Energy Intelligence Forum, vị CEO của TotalEnergies phát biểu: “Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tồi vì đó là một cách để trả lại lợi thế cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin có thể nói ‘Nga sẽ không bán dầu’. Và khi đó, giá dầu sẽ không còn là 95 USD/thùng, mà sẽ là 150 USD. Đây không phải là lợi thế mà tôi muốn trao lại cho Tổng thống Vladimir Putin”. Vào tháng 9, các nước G7 đã quyết định giới hạn giá dầu của Nga “càng sớm càng tốt”. Theo đó, một cơ chế phức tạp đang được lên kế hoạch, thông qua việc mời một “liên minh rộng rãi” các nước cùng thực hiện. Mục tiêu của G7: Hạn chế doanh thu của Nga từ hoạt động xuất khẩu hydrocarbon – nguồn tài trợ chính cho cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.
Tương tự, ông Ben van Beurden - CEO của Shell (Anh) cũng tỏ thái độ nghi ngờ về đề xuất này. Vào hôm 4/10, Ben van Beurden nói rằng ông đang “cố gắng nhìn” ra tính hiệu quả của chính sách. Theo ông, việc can thiệp vào các thị trường năng lượng phức tạp sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn. Các chính phủ cần phải tham khảo ý kiến từ các chuyên gia trước khi hành động.
Eni sẽ trả 20 triệu euro để Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho Ý. Vào hôm 1/10, Gazprom đã đình chỉ hoạt động giao khí đốt đến Ý với lý do “dòng chảy bị chặn ở Áo”. 2 ngày sau, tập đoàn khí đốt khổng lồ Eni cho biết họ sẵn sàng trả khoản bảo lãnh trị giá 20 triệu euro để Nga đưa dòng chảy khí đốt đến được Ý. Ông Claudio Descalzi - Giám đốc điều hành của Eni cho biết: “Gazprom đã không trả tiền vận chuyển khí đốt từ Áo đến Ý, dẫn đến việc dòng khí đốt bị cắt. Hiện nay, chúng tôi đang xem xét về việc thay mặt Gazprom để thanh toán 20 triệu euro cho Áo. Chúng tôi cũng hi vọng vấn đề sẽ được giải quyết trong tuần này”.
Ngoài ra, Giám đốc điều hành của Eni đảm bảo: “Việc bị cắt khí đốt lần này hoàn toàn không phải do nguyên nhân địa chính trị. Gazprom là một công ty chuyên thanh toán bằng đồng rúp, vì vậy không phải lúc nào họ cũng thanh toán được bằng đồng euro”. Hiện nay, Ý nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống dẫn khí TAG bắt ngang qua Ukraine, Áo và dừng chân tại làng Tarvisio ở phía bắc Ý. Trước khi xảy ra sự cố, Ý nhận được khoảng 20 triệu m3 khí đốt/ngày, tức 9-10% sản lượng nhập khẩu toàn nước Ý. Trước khi nổ ra chiến tranh Nga - Ukraine, con số này là 40%.
Ngày 7/10, Equinor thông báo đầu tư vào dự án lưu trữ pin Blandford Road ở phía nam Vương quốc Anh. Đây sẽ là tài sản lưu trữ pin thương mại đầu tiên của Equinor, cũng như dự án đầu tiên được thực hiện trong khuôn khổ quan hệ đối tác với công ty điện Noriker Power. Hơn nữa, vào tháng 12/2021, Equinor đã mua lại 45% cổ phần của Noriker Power. Dự án Blandford Road sẽ xây dựng hệ thống lưu trữ pin 25 MW/50 MWh ở hạt Dorset giáp biển. Dự án sẽ khởi động xây dựng vào tháng 1/2023, đi vào hoạt động từ quý 3 cùng năm.
Hãng RT ngày 3/10 dẫn nguồn tin từ Gazprom cho biết, tập đoàn này sẵn sàng vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua hệ thống đường ống Nord Stream-2. Hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu có thể được xúc tiến thông qua đường ống B của hệ thống Nord Stream-2, do nhánh này không chịu bất cứ tác động nào từ vụ rò rỉ đường ống Nord Stream-1, Nord Stream-2 trong những ngày qua, Gazprom cho hay. Ông lớn dầu khí nước Nga mới đây thông báo rằng áp suất tại các đường ống kể trên đã trở lại ổn định. Ngoài ra, Gazprom cũng tuyên bố đang nỗ lực giảm thiểu những nguy cơ đe doạ đến môi trường từ sự cố đường ống kể trên. Về phần mình, các nước châu Âu nhập khẩu khí đốt Nga qua hệ thống đường ống Nord Stream chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này. Trước đó, hôm 26/9, Thuỵ Điển phát hiện 4 lỗ thủng tại các tuyến đường ống Nord Stream 1 và 2.
Tuần qua, Nhật Bản đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Petronas để mua LNG. Ngoài ra, thỏa thuận hợp tác này còn tập trung vào những mảng sau: Đầu tư chung, hợp tác kỹ thuật để giảm phát thải khí mê-tan, hỗ trợ quá trình vận chuyển LNG; xây dựng và sử dụng kho trữ LNG chiến lược trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn. Trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng, Nhật Bản và Petronas sẽ cùng tìm giải pháp cung nhiên liệu đến cho người tiêu dùng. Trên thực tế, nhu cầu biến động theo từng giai đoạn thời gian: Nhu cầu của người Nhật cao hơn vào mùa đông, còn nhu cầu ở Malaysia thì tăng cao vào mùa hè. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tìm kiếm các đối tác khác. Hiện xứ sở phù tang đang nhìn về Singapore. Chưa kể, Nhật Bản có ý định hồi sinh hệ thống nhà máy hạt nhân toàn quốc.
Ngày 7/10, BP có kế hoạch tăng gấp ba lực lượng lao động trong lĩnh vực kinh doanh điện gió ngoài khơi như một phần trong nỗ lực tăng cường sản xuất điện gió, một phần quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng của họ, Bloomberg News đưa tin hôm thứ Sáu dẫn lời Phó Chủ tịch phụ trách điện gió ngoài khơi Vương quốc Anh, Richard Sandford. Công ty có kế hoạch tuyển thêm 800 nhân viên tập trung vào năng lượng gió vào năm 2023, tăng so với con số 220 hiện tại.
BP cũng đang nhắm đến Biển Bắc và lưu vực đá phiến của Mỹ để thúc đẩy nguồn cung cấp dầu và khí đốt trong ngắn hạn, theo tuyên bố của người đứng đầu các hoạt động dầu khí của BP, Gordon Birrell với Reuters ngày 7/10. Ông Birrell lưu ý rằng công ty đã đầu tư đáng kể để giảm lượng khí thải carbon từ các hoạt động sản xuất đá phiến của mình.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/9-1/10) |
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (12-18/9) |
Nh.Thạch
AFP