Tìm nét hoài cổ trên phố trung thu
Đồ chơi truyền thống hồi sinh
Tết trung thu hay tết trông trăng là một trong những ngày tết lớn và ý nghĩa của người dân Việt Nam. Đây là ngày tết mang đậm lễ thức nông nghiệp. Về bản chất, nó thể hiện sự quan tâm của người dân đối với mùa vụ, là dịp để người lớn ngắm trăng, tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Đồng thời là dịp để cha mẹ thể hiện sự quan tâm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần đối với trẻ em. Điều đó không chỉ thể hiện ở mâm cỗ trung thu với na, hồng, bưởi… mà còn ở những thứ đồ chơi giản dị nhưng giàu ý nghĩa giáo dục như: Đèn ông sao, tiến sĩ giấy, ông đánh gậy…
Đồ chơi Trung Quốc tràn ngập phố Hàng Mã.
Từ lâu, phố Hàng Mã dường như đã trở thành con phố của những ngày Rằm tháng Tám. Người dân không chỉ đến đây để vui chơi mà còn để thỏa sức mua sắm đồ chơi cho mình. Nhiều năm nay, những sản phẩm đồ chơi mang tính “thời đại” như: đèn lồng, trống giàn, mắt kính, búa đinh, mũ phù thủy, đồ hóa trang… đã “bủa vây” và ngự trị trên con phố này. Chính vì thế, nó cũng trở thành niềm yêu thích của không ít bạn trẻ.
Tuy một số đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, đèn cù, mặt nạ làm bằng giấy bồi, đầu Lân – Rồng có vẻ “lép vế”, nhưng sự xuất hiện của chúng đã ít nhiều góp phần “tái tạo” không gian, hồi ức trung thu xưa trong lòng không ít người, đặc biệt là với những con người hoài cổ.
Đèn ông sao – thứ đồ chơi gắn với trung thu xưa
Trống cơm, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao… được bày bán ở một gian hàng trên phố Hàng Mã
Cụ già ngồi bán trống.
Tái hiện trung thu xưa trong những ngôi đình cổ
Cuộc sống hối hả khiến con người sống gấp gáp hơn, dần quên đi những nét đẹp văn hóa truyền thống của những ngày lễ tết. Bởi vậy, trong kí ức của những đứa trẻ thời hiện đại, tết trung thu gắn liền với những chiếc đèn lồng bằng nhựa, chiếc ôtô hay con rô bốt chạy bằng pin… chứ không phải là hình ảnh của chiếc đèn ông sao, cá chép rồng rắn nhau bên mâm cỗ trung thu đầy hoa quả, bánh kẹo hay những tiếng cười giòn tan cùng bạn bè.
Không gian trung thu ở đình Kim Ngân
Nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của tết trung thu. Năm nay, lễ hội trung thu phố cổ với chủ đề “Tết trung thu truyền thống năm 2013” dành cho các em thiếu nhi sẽ diễn ra tại khu vực phố cổ với ba địa điểm chính là đình Kim Ngân (Hàng Bạc), Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) và Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây).
Những con quay tiện bằng gỗ.
Tàu thủy sắt chạy bằng hơi nước được trưng bày trong Đình Đồng Lạc
Nhân vật Mimion thời hiện đại xuất hiện trong những cây tò he
Tranh Đông Hồ trong Ngôi nhà di sản
Nằm gọn giữa phố cổ ồn ào, Đình Kim Ngân trở nên dung dị với hình ảnh của những chiếc đèn ông sao, đèn con tôm, mặt nạ giấy bồi… Trong khi đó, Đình Đồng Lạc lại hướng người xem đến với những trò chơi gắn chặt với tuổi thơ như con quay, tò he. Đặc biệt, sự xuất hiện của chiếc tàu thủy sắt chạy bằng hơi nước gợi nhớ về món quà trung thu của cha mẹ dành cho con cái vào những năm đầu thập niên 90.
Cũng vậy, Ngôi nhà di sản lại tái hiện một không gian ấm cúng đón tết trung thu của người Hà Nội xưa, đặc trưng là những bức tranh dân gian Đông Hồ và trò chơi ghép hình Trí Uẩn.
Lan Anh
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)