Tìm “lối đi” cho lao động thất nghiệp
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, hiện nay, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 5.400 lao động đăng ký thất nghiệp, và có 4.600 người được nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó số đề nghị chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp về các tỉnh là 1.900 người.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) cho biết: Thời gian qua tình trạng thất nghiệp có xu hướng tăng giảm không ổn định. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, tinh gọn nhân sự nên lao động thất nghiệp sẽ ngày càng gia tăng.
Bên cạnh việc doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải cắt giảm nhân sự khiến nhiều lao động mất việc, thì nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng còn do thị trường lao động vẫn tồn tại tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, trình độ chuyên môn của người lao động. Nghịch lý nơi thiếu, nơi thừa lao động cũng làm nên những bất ổn trên thị trường này.
Người lao động đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM
Nhiều người học ra trường vẫn chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp và việc làm. Một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Đặc biệt, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm là những yêu cầu rất thiết thực từ phía nhà tuyển dụng nhưng rất đông sinh viên chưa đáp ứng được…
Cuộc khảo sát gần đây của Falmi cho thấy, có khoảng 80% sinh viên, học viên ra trường tìm được việc làm, 20% còn lại tìm việc rất khó khăn. Việc sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc hoặc tìm việc không đúng với ngành học vẫn còn rất phổ biến.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp có điều kiện học nghề, tìm việc làm mới, TP HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động thất nghiệp. Cụ thể, vừa qua thành phố cũng đã cấp hơn 88 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị tại các trường nghề để nâng cao khả năng đào tạo của các trường nghề cả về chất là về lượng; đầu tư phát triển các nguồn quỹ tín dụng việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề… giúp người lao động mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn có khả năng tự tạo việc làm mới.
Theo ông Trần Anh Tuấn, để giảm tình trạng lao động thất nghiệp cần những biện pháp căn cơ và bền vững. Trong đó, quan trọng nhất là giải pháp kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa doanh nghiệp và nhà trường.
Ngành giáo dục cần sắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo cho rõ ràng để tránh tình trạng ngành thị trường lao động đang thừa thì đổ xô, chen nhau vào học; ngành đang cần lại thiếu người học.
Đối với doanh nghiệp cần tạo điều kiện để sinh viên đến thực tập, thực hành nghề. Đồng thời, nên báo với cơ quan nguồn nhân lực nhu cầu lao động cần, từ đó các cơ quan chức năng thông báo cho các trường đào tạo để họ cân đối chỉ tiêu đào tạo nhằm hạn chế đào tạo tự phát, giảm mất cân đối cung, cầu.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, để không phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, người lao động nên chọn giải pháp chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, học vấn để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mai Phương
-
Hơn 41 nghìn cơ hội việc làm cho người lao động tại 6 tỉnh, thành phố
-
Đề nghị Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7
-
Gần 10.000 người tham gia Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô năm 2024
-
Người lao động mong công việc, thu nhập ổn định
-
Hơn 1.100 cơ hội việc làm cho lao động là người khuyết tật