Tiềm năng phát triển của Việt Nam là vô hạn
Không lấy tăng trưởng là mục tiêu ưu tiên
Tại Hội nghị, đại diện Chính phủ và các Bộ, chuyên gia và doanh nghiệp đã trao đổi rất sôi nổi, thẳng thắn về những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới như vai trò, vị thế Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và thế giới, định hướng phát triển kinh tế – xã hội, và các đột phá chính sách trong các lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng cho phát triển như ổn định tài chính, phát triển công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, đối phó với thách thức của môi trường.
Các đại biểu chia sẻ nhận định chung là Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trong thời gian tới, nếu biết phát huy tốt, Việt Nam sẽ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7-8%/năm, trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Ông Stuart Dean – Tổng giám đốc General Electric (GE) tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhận định “Tiềm năng phát triển của Việt Nam là vô hạn”.
Các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, chính sách của Chính phủ trong việc đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế và đều nhận định rằng các kế hoạch của Chính phủ đưa ra là rất đúng hướng, kịp thời và đúng thời điểm. Vấn đề các đại biểu quan tâm hiện nay là khả năng thực thi các chính sách này. Việt Nam đang ở vào thời điểm mang tính bước ngoặt trong việc xác định vị trí và và vai trò ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam cần tận dụng tốt hơn vị trí địa chiến lược trong khu vực để tạo cân bằng trong quan hệ với các đối tác. Các ý kiến cũng cho rằng, khả năng xử lý các vấn đề kinh tế xã hội trong nước cũng là nhân tố ảnh hưởng đến vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam cần tăng tốc nhanh hơn nữa tiến trình cải cách.
Nhận định về các thách thức trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng bên cạnh các thách thức trong ngắn hạn như lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam đứng trước đòi hỏi dài hạn phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên cho phát triển đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới. Việt Nam cần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến phát triển bền vững.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc kiên trì thực hiện các chính sách cải cách, đổi mới kinh tế với những điểm nhấn cơ bản sau: Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế với ba khâu đột phá quan trọng: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu tài chính, ngân hàng, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp với trọng tâm là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Thứ hai, tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Thứ ba, tập trung nguồn lực nhằm tạo bước chuyển mang tính đột phá trên ba trọng tâm gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng hơn cho phát triển kinh tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến và có điều chỉnh chính sách phù hợp với lợi ích phát triển của đất nước và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường Việt Nam đều được coi là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam. Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020, Chính phủ Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao và cơ sở hạ tầng mang tính đột phá với nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng khẳng định sẽ thực hiện các chính sách và xây dựng khung luật pháp nhằm bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, cùng chia sẻ rủi ro và tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm ăn lâu dài và thành công ở Việt Nam.
Phân nhóm DNNN để tái cơ cấu
Trong phiên họp về viễn cảnh kinh tế tài chính và phát triển công nghiệp tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sắp tới Việt Nam sẽ giảm đầu tư công khuyến khích đầu tư ở khối tư nhân. Nhiều đại biểu cho rằng khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI vẫn cảm thấy rất khó khăn so với các DNNN. Bà Đặng Thị Hoàng Yến – Tổng giám độc Tập đoàn Tân Tạo đề nghị Chính phủ cần tạo ra cơ chế, chính sách để đối xử với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn FDI như con đẻ, không phải như con nuôi.
Bà Yến đề nghị phải hạn chế đặc quyền đặc của DNNN để tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn FDI. Ở một lập luận khác, ông Cao Viết Sinh – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay Việt Nam có hơn 1000 DNNN nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm ăn thua lỗ. Thứ trưởng nêu giải pháp là cần phân loại DNNN ra làm nhiều nhóm khác nhau để có những biện pháp tái cơ cấu. Trong nhiều năm tới, Chính phủ sẽ chủ động giảm số doanh nghiệp nhà nước xuống còn khoảng 650 doanh nghiệp. Ông Stuart Deam – Tổng giám đốc Tập đoàn GE cho biết nhiều doanh nghiệp nhà nước yếu kém là do năng lực của người lãnh đạo và ông đưa ra một giải pháp căn cơ là nhiều quốc gia đã thuê CEO nước ngoài để điều hành doanh nghiệp Nhà nước.
Ông Đỗ Văn Hậu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cảm ơn những ý kiến đóng góp của các học giả về việc tái cơ cấu DNNN. Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cho biết Petrovietnam là một DNNN lớn nhất Việt Nam nhưng đang chuyển mình mạnh mẽ để tái cơ cấu, thực hiện đúng lộ trình của Chính phủ đề ra. Không những thế, Petrovietnam còn là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại diễn đàn này Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu thông báo năm 2011, Petrovietnam có doanh thu hơn 670 nghìn tỉ đồng, chiếm ½ khối tập đoàn Nhà nước. Trong năm 2012, Petrovietnam sẽ sản xuất ra khoảng 80% lượng phân bón cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Petrovietnam cũng cung cấp 1/2 lượng khí cho các nhà máy nhiệt điện. Petrovietnam là một doanh nghiệp Nhà nước làm ăn hiệu quả nhất trong những năm vừa qua, điều đó thể hiện tầm quan trọng của DNNN trong việc thực hiện quyết tâm của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô.
{lang: 'vi'}Đức Chính
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
BP bán cổ phần trong hoạt động kinh doanh gió ngoài khơi