Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: “Việt Nam không hề cô đơn!”

10:16 | 09/05/2014

3,153 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn đề Biển Đông đang nóng lên từng ngày khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ cùng nhiều tàu, thuyền vào neo đậu, hoạt động tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Nhã - tác giả của nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho biết sẽ có nhiều biện pháp để giải quyết căng thẳng hiện tại và ông nhấn mạnh “Việt Nam không hề cô đơn” trong cuộc đấu tranh giành lẽ phải này!

Ngoại giao là quan trọng nhất

PV: Vừa qua, Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với tuyên bố sẽ khoan thăm dò, TS đánh giá gì về hành động này của Trung Quốc?

TS Nguyễn Nhã: Việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD 981 và một lượng lớn tàu các loại, trong đó có cả tàu quân sự, vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Rõ ràng đó là việc làm không thể chấp nhận và tôi cũng như tất cả mọi người đều kiên quyết phản đối việc làm này. Chúng ta phải bằng mọi cách yêu cầu họ rút hết giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh.

Theo tôi, đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Nhưng dù gì chăng nữa, chúng ta cũng không sợ. Từ năm 2009, Trung Quốc tuyên bố đường lưỡi bò chiếm hơn 80% Biển Đông. Khi đó tôi đã dự nhiều hội nghị quốc tế, khi được hỏi về đường lưỡi bò này, các học giả Trung Quốc rất lúng túng. Có khi họ nói đó là kế thừa lịch sử. Khi được hỏi là lịch sử nào thì họ nói đó là lịch sử 1947. Khi tôi nói nếu có sự khác biệt về lịch sử thì nên có một hội thảo quốc tế lấp đầy sự khác biệt về lịch sử chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thì họ cũng đồng ý. Tôi đã có thư yêu cầu Ban Tổ Chức đề nghị tương lai tiến hành hội thảo quốc tế về lịch sử để xem sự thật lịch sử về chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa là như thế nào!

Việt Nam nên dựa vào luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 để giải quyết vấn đề hiện tại trên Biển Đông, cụ thể là việc Trung Quốc đưa giàn khoan, tàu bè vào khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Luật Biển 1982 có những quy định rất rõ ràng về điều này. Và hơn thế nữa, Việt Nam không hề cô đơn.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã

PV: Thưa tiến sĩ, chân lý “Việt Nam không hề cô đơn” là thế nào?

TS Nguyễn Nhã: Ước tính trên các đại dương cứ 4 tàu thì 1 tàu qua Biển Đông, vì thế các cường quốc trên thế giới đều có những quyền lợi trên Biển Đông, nhất là về tự do hàng hải. Một khi tự do hàng hải bị hạn chế vì bất kì lý do nào, do sự hung dữ của bất kỳ quốc gia nào thì đều ảnh hưởng tới cả thế giới.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2 thì hiện tại vẫn còn hàng ngàn quả bom nguyên tử ở nhiều nơi, lò hạt nhân cũng vô cùng nhiều, vũ khí hủy diệt thì hàng loạt, vũ khí hóa học, sinh học cũng có rất nhiều. Bất kì cường quốc hay siêu cường nào hung dữ, gây chiến tranh thì đều có thể gây hủy diệt nhân loại. Đó là mặt trái của khoa học kỹ thuật, khi khoa học kỹ thuật càng phát triển bao nhiêu thì tự nhiên và nhân loại sẽ bị ảnh hưởng và phải trả giá bấy nhiêu. Vì thế tôi nghĩ, bất kỳ cường quốc nào cũng phải quan tâm tới trật tự thế giới.

Việt Nam chúng ta không gây chiến tranh, nhưng có nhiệm vụ cũng phải góp phần bảo vệ trật tự thế giới. Khi Trung Quốc đem giàn khoan đến vùng biển thuộc khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Việt Nam phải bảo vệ. Và tất nhiên có nhiều cách để bảo vệ và chúng ta không hề cô đơn như ý tôi đã nói.

PV: Như vậy, đối sách cụ thể của Việt Nam đối với việc Trung Quốc kéo giàn khoan, tàu thuyền vào vùng biển thuộc đặc khu kinh tế của Việt Nam như hiện tại là thế nào, thưa tiến sĩ?

TS Nguyễn Nhã: Riêng cá nhân tôi, sự căng thẳng không mong muốn ngoài Biển Đông hiện tại còn là thời cơ để chứng minh Việt Nam thực sự có chủ quyền và không phải là “sân sau” của Trung Quốc như nhiều ý nghĩ. Vì thế chúng ta nên nhìn thẳng vào thực tế và tôi vẫn cho rằng vấn đề ngoại giao là quan trọng nhất nhất. Bên cạnh đó, tất cả mọi người dân mình phải ý thức vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng hành động. Nếu không thì thế hệ sau sẽ phê phán thế hệ cha ông như chúng ta bây giờ!

Hai bên cần đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông, cần giải quyết tranh chấp theo Luật Biển 1982. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại. Đồng thời chúng ta phải thẳng thắn với Trung Quốc về việc giữ vững chủ quyền, giữ vững độc lập dân tộc. Chúng ta rất sẽ tôn trọng Trung Quốc trên cơ sở nước bạn cũng phải coi trọng Việt Nam. Bên cạnh các biện pháp ngoại giao khéo léo thì Nhà nước phải xây dựng được lòng tin trong nhân dân, tác động vào việc xây dựng được nội lực.

Việt Nam phải vững mạnh

PV: Không ít lần tiến sĩ đã nói rằng, để xây dựng nội lực ấy thì chúng ta phải bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào? Và liệu có khả thi không hay chỉ có thể nói trên lý thuyết?

TS Nguyễn Nhã: Vai trò của thanh niên trong việc xây dựng nội lực đất nước vững mạnh là rất quan trọng. Theo tôi thế hệ thanh niên từ sau 1975 hiện tại có khoảng 70 triệu/90 triệu người. Đó là những người không biết đến chiến tranh, không biết hận thù dân tộc là gì. Các bạn thanh niên hiện nay sống trong thời bình, khi đất nước trên đà phát triển, hội nhập, các bạn có điều kiện học hành thì hãy đem tất cả những gì tinh hoa mà góp phần xây dựng đất nước, mỗi người hãy góp một kế hoạch nhỏ.

Bên cạnh đó, muốn đất nước có nội lực thì phải giáo dục cho thanh niên có kĩ năng sống yêu nước, để yêu nước không chỉ là thái độ mà còn là thực hành. Giống như thanh niên Nhật Bản, những gì hại cho đất nước dù có mang lại lợi ích cho cá nhân cũng tuyệt đối không dự vào, tất cả những gì nhằm mục tiêu phát triển đất nước thì họ làm. Chẳng hạn như nông dân mình, người ta bày nuôi cái này, trồng cái kia có lợi, nhưng mà hại nước thì chúng ta đừng làm, hàng gì độc thì ta không ăn, không xài. Ngoài ra, cũng cần phải thay đổi giáo dục sao cho thanh niên phải biết tư duy sáng tạo, để từ đó chất lượng của thế hệ thanh niên được nâng cao.

PV: Trở lại việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, theo tiến sĩ việc này có liên quan thế nào đến chuyện chủ quyền của Việt Nam đối Hoàng Sa?

TS Nguyễn Nhã: Tôi có đầy đủ tài liệu minh chứng chủ quyền không thể bàn cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Mọi người hãy chung tay cùng tôi để phủ sóng tập tài liệu 500 trang này bằng tiếng Anh đã tạm đưa lên trang www.hannguyennguyennha.com đến tất cả các trường đại học trên thế giới, đặc biệt là những trường có ngành Châu Á học. Đó cũng là cách tạo điều kiện để khắp thế giới biết về chủ quyền thực sự của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa là như thế nào. Hơn nữa, đó cũng là việc làm tạo nên sức mạnh cho Việt Nam trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nhưng hiện tại chúng ta phải sử dụng Luật Biển 1982 cho vấn đề Biển Đông. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở khu vực cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 17 hải lý và cách đảo Lý Sơn về phía đông khoảng 120 hải lý. Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì tại vùng biển mà giàn khoan Trung Quốc neo đậu không có phát hiện thương mại nào có khả năng khai thác dầu khí cả. Vì vậy động thái của Trung Quốc cũng khiến nhiều người hoài khi không phải là vì dầu khí?! Nhưng dù là vì bất cứ lý do nào thì đó cũng là hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Luật Biển 1982.

Trung Quốc kéo giàn khoan vào neo đậu trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế nước ta và còn có những hành động gây hấn với phía Cảnh sát biển của ta

PV: Trong lịch sử ngoại giao, Trung Quốc đã từng sợ dư luận quốc tế về vấn đề chủ quyền biển đảo liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa chưa, thưa tiến sĩ?

TS Nguyễn Nhã: Bây giờ Luật Biển có quy định rõ ràng về vùng đặc quyền kinh tế. Và trong khu đặc quyền kinh tế thì đã rõ rồi, mọi nước phải tôn trọng nước có chủ quyền đó, không thể vào khai thác bừa bãi được. Chúng ta cũng nên trao đổi với Trung Quốc về luật pháp, nếu không đạt được thỏa thuận thì có thể ra tòa vì với Luật Biển thì được quyền đơn phương đưa ra tòa để giải quyết mà không cần hai bên phải tham gia.

Theo tôi, cái cách bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế như hiện nay của Trung Quốc sẽ khiến họ phải lãnh đủ hậu quả. Ai sẽ “chơi” với họ? Bây giờ anh ra ngoài đường mà bất chấp luật, gây cản trở ảnh hưởng đến mọi người thì ai chấp nhận anh?! Cũng vậy, Biển Đông là đường giao thông hàng hải mà nhiều nước trên thế giới đi qua đó. Nếu hành động hung hăng, gây hấn của một nước làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tự do hàng hải chung của thế giới thì rõ ràng là ảnh hưởng đến đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa nước đó với thế giới.

Tuy nhiên, không phải chỉ trông chờ vào bên ngoài mà chính mình phải có nhiều biện pháp để xây dựng kinh tế biển vững mạnh, mỗi người một việc và nhất là giới trẻ. Giới trẻ tham gia tích cực vào việc xây dựng đất nước thì một thời gian ngắn thôi, chúng ta sẽ rất khác. Nhật cũng có chỉ cần mấy thập niên thôi nhưng đã vươn lên vượt bậc dù Nhật cũng là một nước nhỏ. Đồng thời tôi nghĩ đây cũng là thời cơ tốt để chúng ta vận động, giáo dục thanh niên lòng yêu nước bằng việc làm chứ không phải nói suông. Khi chúng ta có nội lực vững mạnh thì không lo sợ gì!

Tóm lại, dư luận quốc tế sẽ ủng hộ chúng ta khi chúng ta đúng theo luật pháp. Chúng ta nói chúng ta hoàn toàn có chủ quyền thì phải trưng bày đâu là sự thật cho họ biết. Chúng ta nói lên sự thật và có bằng chứng chứng minh điều đó thì mình có gì ngại. Nên tôi nghĩ đây là cơ hội để chúng ta mạnh dạn công bố chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa trên khắp thế giới.

PV: Nhân hành động ngang ngược của Trung Quốc hiện nay, có một vấn đề đặt ra là hoạt động của cảnh sát biển của chúng ta. Tiến sĩ nghĩ gì?

TS Nguyễn Nhã: Đúng là với tình hình Biển Đông như hiện tại thì lực lượng bảo vệ, cảnh sát biển làm nhiệm vụ ngoài khơi là đặc biệt quan trọng và cần phải bàn tới. Họ phải làm việc tốt và kịp thời. Ở trường hợp hiện tại, chúng ta không nên dùng vũ lực vì họ sẽ lấy cớ này kia. Đã là cảnh sát thì sẽ phải có nhiều cách xử lý tình huống gặp phải sao cho hợp tình và hợp lý nhất. Bất cứ ai muốn làm ăn cũng đều phải có môi trường yên ổn, chứ làm ăn mà không yên ổn thì không được. Nói chung chúng ta sẽ có nhiều cách để giải quyết vấn đề hiện tại mà không hề cần đến vũ lực.

Đừng để “đói” thông tin chủ quyền biển đảo!

PV: Thưa tiến sĩ, một khi giới trẻ ý thức được chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam thì khi đó họ mới có được tình yêu với biển đảo. Nhưng còn nhớ ông từng nói rằng, giới trẻ bây giờ đang rất “đói” thông tin về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Như vậy phải chăng ta đang gặp không ít khó khăn trên con đường xây dựng nội lực vững mạnh?

TS Nguyễn Nhã: Cuốn “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” của tôi biên soạn đã được xuất bản và tái bản vài lần, mỗi lần tái bản vài ngàn cuốn, nhưng tôi nghĩ số lượng đó không có ý nghĩa gì cả so với nhu cầu của hàng triệu người. Nhiều người đề xuất rằng nên đưa chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào sách giáo khoa, nhưng việc này không biết chờ đến bao giờ. Trong khi đó, tôi thấy có một việc làm trước mắt có thể làm ngay đó là đưa vào lịch sử địa phương của tất cả những tỉnh thành có biển về biển đảo, trong đó có chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Thêm vào đó là mở ra thật nhiều các chương trình ngoại khóa về biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa.

Tôi nhớ mãi trong lần tôi nói chuyện về biển đảo ở trường Đại học Phạm Văn Đồng thì có một em gốc Lý Sơn, nhưng không biết gì về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Rồi sau đó em đó có hứa với tôi là từ nay sẽ quan tâm hơn và tuyên truyền đến nhiều người khác về vấn đề chủ quyền biển đảo này.

PV: Đây cũng là một điều hết sức đáng bàn thưa tiến sĩ, bởi thực tế cho thấy rất nhiều người dân ta nhưng lại không biết sử ta. Ở trường học thì tình hình học Sử càng thê thảm hơn khi có hàng ngàn điểm 0 môn Sử sau kỳ thi tốt nghiệp, học sinh xé đề cương môn Sử khi biết không thi Sử… Nhân đây tiến sĩ muốn nói gì về việc dạy và học, cũng như tuyên truyền về nét đẹp lịch sử Việt Nam hiện nay?

TS Nguyễn Nhã: Ở thời điểm hiện tại, nếu có đưa lịch sử Việt Nam lên báo thì chưa chắc gì bạn đọc trẻ đã chấp nhận. Thật ra báo cũng có đăng đấy nhưng mấy ai quan tâm, giới trẻ thích đọc mục khác, liên quan đến lịch sử thì chúng lại chán, không đọc. Nội dung lịch sử trong sách giáo khoa hiện tại cũng bị rơi vào tình trạng tương tự như vậy.

Và vấn đề ở đây chính là do người ta đem quá nhiều yếu tố chính trị vào môn lịch sử. Bản chất lịch sử rất hấp dẫn, nhưng người ta gọt giũa quá nhiều thì làm sao mà còn hấp dẫn được. Đơn giản như khi chúng ta xem đá bóng, bên này gần như thua rồi nhưng cuối lại thắng thì mới kịch tính và hấp dẫn chứ. Nội dung môn lịch sử hiện tại thì tôi thấy lúc nào ta cũng thắng cả, cũng đúng cả. Sự thật lịch sử không phải như vậy, có lúc ta thất trận, có lúc ta cũng tính toán sai chứ, ta đâu phải thánh! Tôi cho rằng tài liệu lịch sử phải phản ánh đúng sự thật lịch sử thì mới hấp dẫn. Như tại các bảo tàng trưng bày chiến tích chiến tranh, họ trưng bày đủ tất cả các ảnh chân thật nhất về thực tế chiến tranh tại Việt Nam. Tôi thấy nó hấp dẫn giới trẻ quá đi chứ! Và bên cạnh đó chúng ta phải có cái gì đó là phát hiện mới thì mới hấp dẫn người dạy, người học được. Nhưng rõ ràng là mình không muốn có tài liệu mới vào sách giáo khoa.

Cuối cùng ngành giáo dục phải thay đổi định hướng, mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học lịch sử để hấp dẫn học sinh. Tôi có đem một cuốn sử nước ngoài về, cuốn sách khá dày, hơn 1.600 trang khổ lớn và rất hay ở chỗ nó hướng dẫn người ta đọc và tóm tắt ý chính, rồi tìm tòi, suy luận. Sách lịch sử ta chỉ là một quyển mỏng dính, có một chút thông tin đấy thì ông thầy nói vậy, học cũng chỉ có vậy thì đúng là chán thật!

PV: Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Nhã!

Lê Trúc (thực hiện)