Thủy sản vượt khó nhờ FTA thế hệ mới
Các FTA thế hệ mới và Việt Nam mới ký kết đều đang có tác động tích cực đối với sản xuất, xuất khẩu nói chung và thủy sản của Việt Nam nói riêng, góp phần đáng kể giúp kinh tế Việt Nam khắc phục tác động tiêu cực cuộc khủng hoảng Covid-19.
Doanh nghiệp thuỷ sản nỗ lực thực hiện "3 tại chỗ" để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. (Ảnh: Vietnamnet) |
Cơ hội của thuỷ sản
Trước tình hình dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến ở nhiều nước xuất khẩu thuỷ sản lớn như Ấn Độ, Ecuador, Thái lan... sẽ là cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam ở khía cạnh thị trường khi sản phẩm thủy sản được xuất khẩu sang khoảng 160 nước và vùng lãnh thổ; trong đó, có những thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Nga...
Dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên các thị trường, nhưng các nước nhập khẩu chính thủy sản Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản giảm nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam (giảm 3-6%), trong khi thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vẫn tăng đáng kế (+10%) nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy nhu cầu nhập khẩu của các thị trường vẫn tốt nhưng thương mại thủy sản lại bế tắc vì thiếu container rỗng để xếp hàng xuất đi các nước và cước phí vận tải lại đội lên nhiều lần khiến hoạt động xuất khẩu nhất là xuất khẩu thủy sản đòi hỏi thời gian vận chuyển nhanh lại bị đình trệ và sụt giảm.
Trong thời gian tới, mặc dù hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng, thương mại thủy sản sẽ vẫn bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19, thậm chí đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, thì ngành thủy sản vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác.
Bên cạnh đó, những cơ hội từ các FTA thế hệ mới, các FTA này đều đang có tác động tích cực đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đây là những nhân tố góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.
Thay đổi cơ cấu sản phẩm
Vậy trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 còn căng thẳng kéo dài thì giải pháp nào đối với ngành thủy sản Việt Nam để chúng ta có thể tận dụng các cơ hội mang lại từ các FTA nhằm nâng cao năng lực khai thác, nuôi trồng thủy sản và thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này ổn định, hiệu quả, bền vững? Chúng tôi cho rằng có 4 giải pháp cho vấn đề này.
Thứ nhất, cần tổ chức hiệu quả ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản theo quy mô lớn, tập trung, tận dụng công nghệ cao, gắn sản xuất thủy sản với với tín hiệu của thị trường trong nước và quốc tế.
Cơ cấu sản phẩm của kinh tế thuỷ sản cần được thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu.
Trước hết, tập trung vào tái cấu trúc ngành thủy sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. Phải gắn tái cấu trúc ngành thủy sản với điều kiện phát triển từng vùng, địa phương và để thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn tái cấu trúc ngành thủy sản với quy hoạch lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng và hiệu quả cạnh tranh.
Chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa ngành thủy sản; tổ chức lại hoạt động khai thác, đẩy mạnh nuôi trồng, tận dụng công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 để tái cấu trúc ngành thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường…nâng tầm trong chuỗi cung ứng, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt.
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, trên cơ sở khai thác cơ hội từ các FTA chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu .
Thứ ba, tổ chức các hệ thống phân phối , thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại, liên kết nông dân, ngư dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới đảm bảo liên kết chặt chẽ các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp được coi là yếu tố hạt nhân, then chốt thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, ngư dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời cũng như chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm thủy sản thường đòi hỏi điều kiện bảo quản rất khắt khe.
Thứ tư, bên cạnh nỗ lực từ phía các doanh nghiệp nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, những sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như cộng đồng quốc tế là rất quan trọng và cần thiết trong việc cùng chung tay góp sức huy động nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung trong có thủy sản .
Các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ tích cức từ phía Chính phủ thông qua các đại diện của các Tham tán thương mại tại các nước để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu thủy sản vì hiện Việt Nam đang có giao thương với 200 quốc gia trên thế giới, nhưng hàng hóa Việt chỉ mới xuất khẩu hơn 50 nước nên vai trò của các Tham tán thương mại rất quan trọng trong thời gian tới trong cung cấp thông tin thị trường về vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, cũng như kết nối cung cầu hàng hóa thủy sản của Việt Nam vào thị trường quốc tế.
Phối hợp với cơ quan liên quan của nước nhập khẩu (EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ca-na-đa...) thường xuyên trao đổi thông tin nhu cầu thị trường, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và các thông tin liên quan đến yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đánh bắt hải sản....
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên