Thương vụ trên 7.300 tỷ đồng hoàn tất, Vinaconex về tay “đại gia ngầm”?
Sau phiên bùng nổ ngày hôm qua, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn trong phiên giao dịch sáng nay (4/12) khiến đà tăng chỉ số chính VN-Index bị co hẹp lại đáng kể, thậm chí độ rộng thị trường đang nghiêng về bên giảm giá.
Cụ thể, với 112 mã tăng so với 151 mã giảm, VN-Index kết thúc sáng 4/12 với mức tăng khiêm tốn 1,05 điểm tương ứng 0,11% lên 952,64 điểm. HNX-Index mất 0,5 điểm tương ứng 0,47% còn 107,14 điểm do có 63 mã giảm so với 60 mã tăng.
VHM đang là mã có tác động tích cực nhất đối với VN-Index trong sáng nay. Mã này tăng 1.400 đồng đã đóng góp 1,46 điểm cho chỉ số. Ngoài ra, VNM, TCB, VRE, MSN, BHN tăng giá cũng đã góp phần giúp chỉ số sàn HSX tăng điểm bất chấp số mã giảm lấn át số mã tăng. Ngược lại, GAS, VCB, CTG, HPG, BID, HDB… lại quay đầu sụt giảm.
Còn trên HNX, việc ACB giảm giá đã có tác động tiêu cực đến diễn biến chỉ số. Trong khi đó, VGC và VCG lại có tác dụng kìm hãm mức giảm của HNX-Index.
Với việc hoàn tất việc chuyển tiền cho SCIC, công ty của ông Nguyễn Xuân Đông sẽ kiểm soát Vinaconex |
VCG sáng nay tăng tới 1.300 đồng tương ứng 6,8% lên 20.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch tại VCG khá cao, đạt 3,1 triệu đơn vị.
Hôm nay là hạn chót để Công ty TNHH An Quý Hưng thanh toán nốt số tiền còn thiếu cho SCIC sau khi thắng đấu giá 254,9 triệu cổ phiếu VCG do SCIC rao bán.
Cụ thể, nhà đầu tư này đã bỏ giá 28.900 đồng/cổ phần, tương đương chấp nhận chuyển tổng cộng hơn 7.366 tỷ đồng cho SCIC, cao hơn 35,6% giá khởi điểm và cao hơn đáng kể thị giá VCG đang giao dịch trên thị trường.
Khi tham gia đấu giá, các nhà đầu tư phải đặt cọc trước 542 tỷ đồng. Hiện SCIC đã hoàn trả số tiền đặt cọc nói trên cho hai nhà đầu tư còn lại tham gia đấu giá là ông Nguyễn Văn Đông và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest.
Như vậy, để trở thành cổ đông chi phối 57,71% vốn điều lệ Vinaconex, số tiền mà An Quý Hưng còn phải nộp vào tài khoản của SCIC là 6.823 tỷ đồng. Tờ Đầu tư chứng khoán dẫn nguồn tin từ SCIC cho biết, trong sáng nay, tổng công ty này đã nhận được số tiền trên từ An Quý Hưng.
Được biết, để thu xếp đủ số tiền nói trên, An Quý Hưng đã phải thế chấp ngân hàng một loạt tài sản trong bối cảnh tổng tài sản của doanh nghiệp này đến 31/12/2017 chưa tới 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 456 tỷ đồng.
Với vốn điều lệ 360 tỷ đồng, An Quý Hưng do hai cá nhân góp vốn là ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc công ty nắm 70% vốn và vợ ông là bà Đỗ Thị Thanh năm 30% vốn (thời điểm tháng 4/2017).
Trước đó, An Quý Hưng từng có thời gian sở hữu tới gần 31% cổ phần tại Công ty CP Vimeco (VMC) – đơn vị thành viên của Vinaconex. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, do có bất đồng xảy ra nên An Quý Hưng đã toàn bộ cổ phần tại Vimeco và thu hồi lại vốn.
Ngoài việc là ông chủ của An Quý Hưng, ông Nguyễn Xuân Đông cũng được bầu tham gia HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã HPX) và là một trong 2 Thành viên độc lập của công ty này từ tháng 4/2018.
Theo Dân trí
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?