Thương mại điện tử là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam
Trong 10 năm qua, Chương trình được tổ chức với sứ mệnh đồng hành cùng thị trường thương mại điện tử Việt Nam nhằm giải quyết các khó khăn, thách thức về nhận thức, niềm tin của toàn dân về mua sắm trực tuyến; khó khăn về hạ tầng công nghệ hỗ trợ... qua đó góp phần thúc đẩy thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ.
Bên cạnh những hoạt động khuyến mại, giảm giá của các doanh nghiệp, hội nghị là hoạt động có ý nghĩa tạo môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp trình diễn những công nghệ mới nhất và các mô hình thương mại điện tử tiên tiến, các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử để người tiêu dùng trải nghiệm, xây dựng thói quen, kỹ năng thương mại điện tử mới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển. Trước đây, khái niệm "thương mại điện tử" còn khá xa lạ với người tiêu dùng; giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; số lượng nhà bán hàng ứng dụng thương mại điện tử chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên.
Sau 10 năm, thương mại điện tử Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023. Điều này chứng tỏ rằng thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Thương mại điện tử Việt Nam không chỉ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ mà còn phát triển bền vững. Cùng với đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát...
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh những kết quả đạt được thì thương mại điện tử hiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...
Tại hội nghị, các diễn giả chia sẻ nhiều góc nhìn, thực trạng, xu hướng phát triển thương điện tử. |
Tại hội nghị các đại biểu cũng đã lắng nghe các diễn giả là các chuyên gia đến từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp đầu ngành về thương mại điện tử, tài chính, thanh toán điện tử, phân phối và logistic sẽ có những bài chia sẻ về những chiến lược quan trọng cho định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững trong giai đoạn 2023 - 2025; Thực trạng phát triển thương mại điện tử tại địa phương; Thực trạng ngành ngân hàng với phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam; Định hướng chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến tại Việt Nam.
Cùng với đó, các diễn giả cũng làm rõ các vấn đề về vai trò của chuyển phát trong thương mại điện tử để xây dựng niềm tin của khách hàng và cho hình ảnh của thị trường thương mại điện tử bền vững; Hướng đến 1 triệu doanh nghiệp SMEs, Việt Nam cần gì?; Giải pháp tổng thể phát triển hệ sinh thái số bảo vệ quyền lợi các bên trong giao dịch trực tuyến; Trải nghiệm mô hình thanh toán đảm bảo - Escrow trong thương mại điện tử…
Trong khuôn khổ chương trình, cơ quan quản lý và các sàn TMĐT, trung gian thanh toán, ngân hàng sẽ cùng chung tay ký kết hợp tác, tham gia Hệ sinh thái số, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa trong việc hỗ trợ xây dựng một hệ sinh thái toàn diện để phát triển thị trường thương mại điện tử bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Ngoài ra, chương trình còn diễn ra phiên tọa đàm với chủ đề: “Phát triển thương mại điện tử bền vững - Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các bên trong giao dịch trực tuyến” cũng hứa hẹn sẽ thu hút nhiều sự quan tâm, trao đổi của của đông đảo người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông.
Quang Phú
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?