Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Mấu chốt là cải cách thể chế
Tại chuyên san “Chuyển đổi số: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 và phát triển” vừa được nhóm biên soạn Viện Phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho biết, “ngấm đòn” từ khủng hoảng kinh tế gây ra bởi dịch COVID-19, thời điểm này là dịp để doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình, thay đổi thích ứng.
Rào cản của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số. |
Nhiều "rào cản" với doanh nghiệp
Theo đó, các doanh nghiệp tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn, giảm giá thành sản phẩm/dịch vụ. Đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới, thay đổi quy trình kinh doanh tận dụng nền tảng số, dữ liệu kinh doanh một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, có đến 55,6% doanh nghiệp cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là bởi chi phí cao trong ứng dụng công nghệ số. Thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số cũng vì thế trở thành rào cản lớn tiếp theo khiến doanh nghiệp khó khăn, chiếm tỷ lệ 38,9% số doanh nghiệp lựa chọn.
Rào cản lớn thứ ba đối với doanh nghiệp chính là rủi ro rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 33,9% doanh nghiệp lựa chọn. Theo đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin tạo ra động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng làm nảy sinh những nguy cơ về lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm mạng lợi dụng tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật.
Thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số và thiếu thông tin về công nghệ số là hai rào cản lớn tiếp theo, chiếm tỷ lệ lần lượt là 32,3% và 30,4%.
Mấu chốt là cải cách thể chế
Từ những khó khăn này, nhóm biên soạn đề xuất một số giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.
Trước hết, mong đợi lớn nhất của doanh nghiệp đối với Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho sử dụng công nghệ số nằm ở lĩnh vực cải cách thể chế. Cụ thể, có hơn 80% doanh nghiệp kỳ vọng sự vào cuộc nhiều hơn của các cấp chính quyền để xây dựng nên các quy tắc, quy định thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ, gần 70% số doanh nghiệp đề nghị minh bạch hóa các quy tắc và quy định về quản lý dữ liệu cá nhân/ doanh nghiệp.
Gần 70% số doanh nghiệp đề nghị minh bạch hóa các quy tắc và quy định về quản lý dữ liệu cá nhân/ doanh nghiệp. |
Thực tế cho thấy, dù đã tích cực triển khai xây dựng chính phủ điện tử, xong việc quản lý hồ sơ, văn bản trên môi trường mạng còn nhiều tồn tại, hạn chế và chưa phổ biến rộng rãi trên phạm vi quốc gia. Một số doanh nghiệp phản ánh rằng họ vẫn phải đồng thời lưu trữ cả hai loại văn bản, văn bản gốc bằng giấy và dữ liệu điện tử dẫn đến nhiều khó khăn trong lưu trữ và xử lý, đề nghị chính phủ tiến tới loại bỏ hoàn toàn văn bản giấy ra khỏi quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có thêm các buổi tọa đàm về sử dụng công nghệ số để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo một cách bài bản và quy mô. Bên cạnh đó, đề xuất phát triển hài hòa hệ thống các quy tắc, quy định về công nghệ số giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng được nhiều doanh nghiệp đưa ra.
“Hiện tại, hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển nền kinh tế số còn yếu. Đặc biệt, chúng ta còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng chính phủ điện tử như quy định về quản lý và kết nối cơ sở dữ liệu; bảo mật thông tin cá nhân; xác thực và định danh điện tử; lưu trữ điện tử,... Chính phủ Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tham gia xây dựng khung pháp lý cho phù hợp với khu vực và toàn cầu về công nghệ số”, nhóm biên soạn đề xuất.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc
-
Giá dầu hôm nay (22/10): Dầu thô giảm trong phiên
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công