Thông tin "xấu độc" từ nguồn trong nước vẫn trong tầm quản lý
Trong phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi: Thời gian gần đây, nhất là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành, có dấu hiệu tin nhắn rác xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin bài phản cảm, nội dung đồi trụy thiếu văn hoá. Nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, các thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại có nguy cơ bị kẻ xấu tấn công và không thể dự đoán trước. Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt chịu thiệt hại vật chất, tinh thần lẫn tin nhắn rác lừa đảo, đe dọa, khủng bố. Trước tình hình trên, Bộ trưởng cho biết giải pháp sắp tới sẽ xử lý như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, việc giải quyết vấn nạn trên được làm mạnh mẽ hơn mặc dù hiện nay vẫn còn thiếu khoảng 6 điều khoản trên Luật An ninh mạng chưa được chi tiết hóa thông qua Nghị định.
Dẫn kết quả làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây với Facebook, nếu chúng ta yêu cầu 100% thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google trước kia chấp hành khoảng 40-50% yêu cầu nhưng hiện nay đã lên mức 85% và thậm chí có một số nội dung hơn 90%.
“Ví dụ như gỡ game xấu độc, đánh bạc, tỷ lệ ngăn chặn của Google gần đây lên đến 92%. Cách đây 2 ngày, chính thức Facebook đã tuyên bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố” - Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết.
Tiếp tục chất vấn về nội dung liên quan đến an ninh mạng, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nêu về hiện tượng những trang mạng được gọi là "báo chí nhân dân", dù nội dung "xấu, độc" nhưng có lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu tới đời sống xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu và thế giới cũng đang phải đối diện. Do đó, để ngăn chặn được thì yếu tố đầu tiên phải là hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, an toàn mạng, nhưng các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả. Như Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù đến 10 năm. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng bị xử lý mạnh tay như vậy.
Tại Việt Nam, theo Bộ trưởng, để quản lý tốt cũng sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả.
Bộ trưởng cho biết, thông tin xấu độc chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, còn nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được. Bộ đã làm việc với Tổng cục Thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để tìm cách xác định danh tính các tài khoản trên mạng xã hội. Nhiều người nghĩ trên mạng xã hội thì không xác định được danh tính nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin. Vì thế cần phải nâng cao đạo đức, giáo dục trên không gian mạng.
Đức Minh
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Diễn tập thực chiến an ninh mạng 2024
-
Ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam
-
Giải pháp tối ưu hóa hệ thống lưu trữ và bảo mật cho tổ chức và doanh nghiệp
-
Nên hay không trả tiền chuộc trong các cuộc tấn công mạng?
-
Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng