Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: Ngành ngân hàng sẽ cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế
Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, toàn ngành đã nắm bắt và chủ động triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Trong đó, Thông tư liên quan đến tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng như cơ cấu lại nợ với thời hạn thích hợp hơn, không bị tính lãi vay, vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng giảm lãi và phí… đã được ban hành sớm bên cạnh thực hiện cơ chế mạnh. Khách hàng được hỗ trợ là những doanh nghiệp bị giảm doanh thu, không phân biệt ngành nghề, quy mô…
Để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, NHNN đã chủ động đề xuất cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%. NHNN cũng trình Chính phủ thí điểm mobile money, dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: Ngành ngân hàng sẽ cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng |
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, toàn hệ thống đã cơ cấu lại cho 215.000 khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ, miễn giảm và hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng dư nợ trên 1 triệu tỷ. Các khoản vay mới lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho 182.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn 0,5-2,5% so với trước dịch, miễn giảm phí thanh toán 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, NHNN điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản toàn nền kinh tế, giữ tỷ giá ổn định, không xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô.
Với cơ sở nền tảng là sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt và ổn định tỷ giá, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: “Ngành ngân hàng cũng như NHNN hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ, giữ ổn định được tỷ giá để đảm bảo củng cố được niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. Chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết liên quan đến các diễn biến bất lợi. Từ đầu năm đến nay, chúng ta chưa phải can thiệp ngoại tệ vào thị trường. Với nguồn lực dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là trên 84 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô”.
Về cung ứng nguốn vốn, Thống đốc cũng khẳng định: “Thời gian tới đây, NHNN với sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đảm bảo cung ứng và chúng tôi cũng cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn vốn cho nền kinh tế với lãi suất thấp hơn và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để có các điều chỉnh về chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa nếu cần thiết và chúng tôi cũng sẽ khẩn trương xem xét chỉnh sửa các quy định của pháp luật nếu cần để đáp ứng nhanh các yêu cầu phòng chống dịch bệnh trong hệ thống ngân hàng. Chỉ đạo toàn bộ hệ thống ngân hàng triển khai mạnh mẽ các biện pháp về lãi suất và cơ cấu lại nợ, cho vay mới trên phạm vi toàn quốc”.
Ngành ngân hàng sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế |
Căn cứ vào một số đề xuất của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, và tình hình thực tiễn, Thống đốc cho hay, sẽ điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cao hơn so với kế hoạch đầu năm, xem xét chủ trương kéo dài thời gian giãn nợ trong thời gian tới cho doanh nghiệp.
Về việc áp dụng Thông tư liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, NHNN sẽ lập đoàn công tác đến các địa phương để nắm tình hình và xử lý phát sinh. Thực hiện trên phương châm bằng chính nguồn lực của ngân hàng từ tiền gửi tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp nên yêu cầu đặt ra theo Thống đốc là phải đảm bảo an toàn vốn vay.
NHNN cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thường xuyên có đánh giá tác động của dịch bệnh lên tổng thể nền kinh tế và kiến nghị các giải pháp, kể cả các giải pháp về công cụ chính sách tiền tệ để có thể kịp thời có các giải pháp hỗ trợ để giữ ổn định, giúp cho năng lực hồi phục cho nền kinh tế.
“Toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để đồng hành, hỗ trợ cùng nền kinh tế như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc nhấn mạnh.
Tú Anh