Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp
PVcomBank là ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng cho vay ưu đãi với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 17/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh, chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đặc biệt quan tâm đến lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 18,25%. Năm 2017, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, đến cuối tháng 4/2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây, trong đó tín dụng VNĐ tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, các doanh nghiệp, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức cấp tín dụng theo hướng có sự chọn lọc ưu tiên phân loại doanh nghiệp, góp phần vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất.
Về điều hành lãi suất và mong muốn đề nghị hạ lãi suất tín dụng của doanh nghiệp, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3- 0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5- 1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
“Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh, chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011, phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, TCTD và khách hàng vay” - Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tạo điều kiện về vốn cho các DNNVV phát triển, việc tăng cường vốn cho các đối tượng này có đi ngược với những mục tiêu đặt ra là làm thế nào hạn chế tối đa việc giảm tỉ lệ nợ xấu và giảm rủi ro cho các ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng: Không có gì là ngược, đây là việc hết sức đồng thuận. Giảm chi phí có nhiều hình thức, nhưng có một việc thiết yếu là làm thế nào giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DNNVV.
Lý giải thêm về câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, dường như có cảm giác rằng mở rộng cho vay đối với DNNVV là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, cần phải làm rõ vấn đề này. Thống kê trong thời gian qua cho thấy, nợ xấu ở khu vực DNNVV rất thấp. Ở Agribank, tỉ lệ nợ xấu cho vay đúng đối tượng DNNVV và những đối tượng nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì nợ xấu lúc cao nhất là dưới 2% và sau đó xuống dưới 1,5%. Còn theo số liệu mới nhất, Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) là nơi cho người nghèo vay vốn, đây là các đối tượng khó khăn trong xã hội, nhưng tỉ lệ nợ xấu dưới 1,5%, đây là tỉ lệ nợ xấu rất thấp. "Nói vậy để chúng ta đừng hiểu lầm cho DNNVV vay nhiều thì dẫn đến nợ xấu", ông Đông nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng để phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, có một vấn đề là chúng ta vừa phải tiến hành giải cứu lợn, trước đó thì giải cứu dưa hấu, vải... Một nền nông nghiệp còn khá manh mún, nhỏ lẻ nhưng hình như có dấu hiệu sản xuất thừa. Khi chúng ta tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thì bài toán thừa sẽ được giải quyết như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, về việc giải cứu lợn, dưa hấu, chúng ta đã có quá nhiều thông tin. Vấn đề này cũng được làm rất rõ rồi. Chính phủ cũng như các bộ, ngành rất quyết liệt xử lý, đã có hiệu quả trong thời gian gần đây rồi.
Phó Thống đốc cho rằng, về phía ngân hàng, theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì ngành ngân hàng chủ động dành ra 100.000 tỷ đồng, nhưng không phải cứ để riêng 100.000 tỷ đồng để chờ cho vay, khi nào dự án cũng như các DN có nhu cầu và thấy có hiệu quả có thể giải ngân thì mới thực hiện giải ngân.
“Việc sử dụng 100.000 tỷ đồng chương trình tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là một định hướng chủ đạo, xu hướng hết sức cần thiết trong lúc này bởi có thực hiện được mục tiêu, yêu cầu này thì sản phẩm trong nông nghiệp mới có thể cạnh tranh được không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới” - Phó Thống đốc nói.
Lý giải thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: Lợn, dưa hấu, vải không phải là sản xuất nhỏ mà là sản xuất lớn theo quy mô của tổng sản phẩm, nhưng nhỏ theo khía cạnh là các hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Thứ nhất, cần phát triển theo tư duy cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, tất cả những người giỏi nhất, DN tốt nhất, công nghệ tốt nhất trong chuỗi giá trị được tham gia để nâng cao tính cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả. Thứ hai là phải vào tổ chức, đặc biệt là các DN nhỏ, các hộ kinh doanh thì phải vào tổ chức, có thể là hiệp hội, có thể là hợp tác xã (HTX), Liên hiệp HTX để có những tổ chức pháp nhân chính thức giúp bước ra thị trường một cách chững chạc, ngang ngửa về sức mạnh so với các DN trên thương trường trong nước cũng như quốc tế.
N.Q
-
Thống đốc NHNN nêu giải pháp để hoạt động tín dụng gắn với phát triển kinh tế xanh
-
Tin tức kinh tế ngày 30/10: Phấn đấu CPI năm 2024 không vượt quá 4%
-
Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
-
Hướng dòng vốn vào các động lực tăng trưởng kinh tế
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên