Thị trường phát điện cạnh tranh vẫn còn khó khăn
Vẫn còn nhiều bất cập
Cơ chế vận hành của thị trường phát điện cạnh tranh được thực hiện như sau: Vào thời điểm nhất định, các nhà máy điện đủ điều kiện tham gia thị trường sẽ thực hiện chào giá. Trên cơ sở đó, Công ty Mua bán điện (EPTC) trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ quyết định mua điện của các nhà máy theo thứ tự ưu tiên từ giá thấp đến giá cao. Các nhà máy không được mua đồng nghĩa với không phát điện.
Sau một tháng thực hiện phát điện cạnh tranh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tổng chi phí mua điện của EVN giảm hơn so với việc thanh toán theo giá hợp đồng. Nhìn chung giá điện thị trường trong các ngày vừa qua phản ánh đúng, cân bằng cung cầu hệ thống trong từng giờ giao dịch và biến động, phù hợp với các thay đổi của biểu đồ phụ tải hệ thống. Một số nhà máy thủy điện có chiến lược chào giá hợp lý để được huy động cao khi nước về hồ chứa đủ lớn, vừa phù hợp với điều tiết hồ chứa của nhà máy, nâng cao doanh thu cũng như lợi nhuận, đồng thời góp phần giảm giá thị trường. Các nhà vận hành cũng nâng cao được khả năng sẵn sàng và giảm bớt thời gian sửa chữa của các nhà máy điện, góp phần nâng cao khả dụng và an ninh cho hệ thống.
Báo cáo của Bộ Công Thương và EVN đánh giá thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành đúng các quy định và kế hoạch đề ra. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện vận hành ổn định, đi vào nề nếp theo đúng thời gian biểu quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng phản ánh về một số vấn đề bất cập bộc lộ khi thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành, đó là vấn đề an ninh hệ thống, việc đảm bảo yêu cầu nước cho hạ lưu các nhà máy thủy điện, điều độ về sản lượng điện thuộc các loại nhà máy khác nhau…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét, đã gọi là thị trường cạnh tranh thì phải có người mua, người bán và họ phải độc lập, không phụ thuộc ai cả. Còn hiện nay, tổng công ty và công ty mua bán điện cả nước trực thuộc EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia trực thuộc EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia trực thuộc EVN, 5 tổng công ty điện lực miền trực thuộc EVN, 62 công ty điện lực các tỉnh, thành trực thuộc EVN, tất tần tật trực thuộc EVN. Như vậy thì khó có thị trường cạnh tranh?
Mặt khác, những nhà máy công suất từ 30MW trở lên chủ yếu do EVN làm chủ đầu tư. Trong khi đó, điều kiện để tham gia thị trường phát điện cạnh tranh là các nhà máy thủy điện phải có công suất từ 30MW trở lên! Như vậy, chỉ có các nhà máy của EVN mới đủ điều kiện tham gia thị trường. Hàng trăm nhà máy nhỏ phổ biến có công suất trên dưới 10MW vô hình trung bị ép ra khỏi thị trường, chỉ còn cách bán điện cho công ty điện lực địa phương. Trong trường hợp điện lực địa phương được điện lực quốc gia cấp đủ điện thì thủy điện nhỏ sẽ không biết bán điện cho ai. Ngay cả khi bán được thì cũng vẫn trong tình cảnh “chiếu dưới” vì Chính phủ chưa có hướng dẫn trong trường hợp này, giá bán điện là bán buôn hay bán lẻ. Dư địa để phát triển thủy điện nhỏ vẫn còn rất lớn và nó phụ thuộc rất nhiều vào việc tạo một thị trường mua bán điện cạnh tranh, minh bạch.
Các nhà máy thủy điện nhỏ “kêu” đã đành, nhưng các nhà máy điện có giá thành sản xuất cao cũng bắt đầu nhận thấy trong cuộc chơi này họ khó cạnh tranh vì có thời điểm, có nhà máy thủy điện chỉ chào giá bán là 0 đồng hoặc 1 đồng/kwh. Sở dĩ các nhà máy thủy điện này chào giá gần như bằng 0 vì khi đó, nước tại các hồ chứa của họ lên cao, đằng nào cũng phải xả nước đi.Việc thực hiện theo huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia khiến các nhà máy nhiệt điện khó khăn trong vận hành lò hơi. Họ phải gánh chi phí khoảng 2 tỉ đồng cho mỗi lò trong một lần khởi động lại.
Hướng tới một thị trường minh bạch
Đẩy nhanh tiến độ phát triển thị trường điện cạnh tranh là nội dung vừa được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đưa ra kiến nghị tới các cơ quan trung ương. Theo đó, một thị trường mua bán điện cạnh tranh và minh bạch cần sớm triển khai từ năm 2015 (thay vì 2020 như kế hoạch). Bên cạnh đó, để thực hiện tốt tổng sơ đồ điện VII và tháo gỡ phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư khai thác tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và các nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ Công Thương cần tăng giá mua điện cho các doanh nghiệp lên bằng 80% giá bán điện thương phẩm bình quân và được điều chỉnh hàng năm theo giá bán điện thương phẩm; cho các nhà máy thủy điện dưới 30MW tham gia thị trường phát điện.
Trước những ý kiến về việc EVN giữ thế độc quyền, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN chia sẻ, vấn đề thị trường hóa ngành điện, yêu cầu minh bạch của người dân là hoàn toàn chính đáng, nhưng dù muốn cũng không thể làm nhanh mà phải có lộ trình. EVN hiện đang “kẹt” trong thế vừa là doanh nghiệp Nhà nước, vừa được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cung cấp đầy đủ điện năng trong mọi trường hợp, ngược lại tình hình tài chính của tập đoàn lại đang rất khó khăn. Hiện nhiều dự án điện, vốn đối ứng của EVN hoàn toàn là con số 0, tỷ lệ nợ ngân hàng đã trên 3 lần...
Mới đây, tại cuộc họp với Bộ Công Thương về việc triển khai phát điện cạnh tranh, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực, những kết quả tích cực liên quan đến vận hành thị trường phát điện cạnh tranh của các cơ quan, đơn vị liên quan trong thời gian qua. Khẳng định ý nghĩa và mục tiêu của việc đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, bước khởi đầu quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam. Phó thủ tướng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập trung triển khai các kế hoạch, giải pháp vận hành ổn định và cải thiện kết quả hoạt động của thị trường điện ngày một tốt hơn.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp lý, hệ thống quy trình, quy chế liên quan, kịp thời khắc phục các vấn đề phát sinh, đầu tư hạ tầng cần thiết. Các đơn vị vận hành đặc biệt lưu ý đến vấn đề an ninh, an toàn hệ thống, tiếp tục hoàn thiện vấn đề đào tạo quản lý, kỹ thuật, kỷ luật lao động, diễn tập phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất các sự cố, trục trặc có thể xảy ra.
Từ 1/7/2012 thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức đi vào hoạt động. Cục Điều tiết Điện lực đã ban hành danh sách 29 nhà máy điện tham gia trực tiếp thị trường phát điện cạnh tranh, 26 nhà máy điện tham gia gián tiếp, 18 nhà máy tham gia tạm thời gián tiếp và 20 nhà máy điện dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Đến thời điểm này có tổng cộng 73 nhà máy điện đang vận hành thương mại trong hệ thống điện quốc gia với tổng công suất đặt là 23.493 MW. Số nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường phát điện là 29 nhà máy với tổng công suất đặt là 9.035 MW. |
Thái Bình
(Năng lượng Mới số 147, ra thứ Sáu ngày 14/8/2012)
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3