Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Sân chơi công bằng cho ngành điện

06:49 | 16/09/2015

Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực Việt Nam, thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) là cấp độ 1 của thị trường điện và đã được triển khai từ 1-7-2012. Theo đánh giá của giới chuyên gia, sau 3 năm đi vào hoạt động, VCGM đã trở thành động lực để các nhà máy điện nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong khâu phát điện… và đây là những điều kiện để thị trường điện chuyển sang cấp độ 2, thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM).  

VCGM gần cán đích

Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) tại Hội nghị tổng kết thị trường phát điện cạnh tranh giai đoạn từ 1-7-2014 đến 30-6-2015 và kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tính đến thời điểm này, VCGM đã có 59 nhà máy điện với tổng công suất 14.796MW trực tiếp tham gia thị trường, chiếm 41,63% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Bộ Công Thương cũng đã ban hành nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn quan trọng tạo nền tảng pháp lý cho các hoạt động giao dịch trên thị trường điện. Ví như Thông tư số 30/2014/TT-BCT quy định thị trường phát điện cạnh tranh đã giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong giao dịch của các đơn vị trên thị trường điện như công tác chào giá của các nhà máy thủy điện, công tác thanh toán, quy định về việc đăng ký và tham gia thị trường điện của các nhà máy điện mới…

san choi cong bang cho nganh dien
Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2

Các đơn vị tham gia VCGM đã có những đổi mới tích cực, phù hợp với môi trường kinh doanh trên thị trường điện và đã cơ bản tuân thủ các quy định về ký kết hợp đồng mua bán điện, thỏa thuận và ký kết sản lượng điện theo năm, xác nhận hồ sơ và thực hiện thanh toán tiền điện... Và đặc biệt, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) - đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện đã triển khai các công việc quan trọng như xác định giá trần thị trường, giá thanh toán thị trường theo từng chu kỳ giao dịch... đảm bảo tuân thủ đúng quy định thị trường điện và các văn bản có liên quan khác. Giá điện trên thị trường cơ bản phản ánh đúng quy luật cung cầu trên thị trường.

Tại hội nghị trên, đánh giá tổng kết về công tác vận hành thị trường điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Trong 3 năm qua, VCGM đã được triển khai thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. Thị trường đã tạo cơ hội để tăng minh bạch, công bằng trong việc huy động nguồn các nhà máy điện, đã rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị. Trình độ, kinh nghiệm của các thành viên tham gia thị trường điện, đặc biệt là các nhà máy điện tăng đáng kể. Kết quả vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong 3 năm qua đã khẳng định đúng đắn về triển khai thị trường điện ở nước ta. Qua đó, Bộ Công Thương và các thành viên tham gia thị trường điện đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm tốt cho triển khai thị trường bán buôn cạnh tranh trong tương lai.

Một điểm đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, với giá điện chào bán bình quân là 1.087,3 đồng/kWh, người tiêu dùng đang được hưởng lợi từ việc chào bán điện trên VCGM. Mức giá này thấp hơn giá điện của các nhà máy được triển khai xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và các nhà máy điện chạy dầu.

Với riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đơn vị được xác định giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, triển khai VCGM, Tập đoàn đã chủ động “đi trước một bước” trong xây dựng và vận hành kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, bảo đảm VCGM vận hành an toàn. Trong đó, các hệ thống quan trọng như hệ thống thu thập và xử lý số liệu đo đếm, hệ thống điều độ điện tử (DIM); hệ thống chào giá… được xây dựng đồng bộ và ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường điện cũng được EVN chủ động triển khai thông qua việc mở các lớp đào tạo, tập huấn nội dung thông tư, nghị định cho các đơn vị có nhu cầu, đảm bảo đủ năng lực tham gia công tác thị trường điện...

Sẽ có cạnh tranh về giá điện

Như đã đề cập ở trên, VCGM đã đạt được nhiều kết quả khả quan, những nhiệm vụ, mục tiêu lớn trong quá trình thiết kế, xây dựng thị trường điện như hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg. Những kết quả này cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai VCGM theo ông Tuấn sẽ là nền tảng, bài học lớn để triển khai VWEM. Tuy nhiên, khác với VCGM, các đơn vị phát điện cạnh tranh chỉ bán điện cho một người mua duy nhất là EVN, sau đó EVN bán lại cho 5 tổng công ty phân phối, bán lẻ thì khi sang VWEM, họ còn được bán điện cho các đơn vị mua buôn bán lẻ mới thành lập và cả các khách hàng lớn như các khu công nghiệp, nhà máy xi măng, thép… có đấu nối trực tiếp với lưới truyền tải.

Phạm vi cạnh tranh trong ngành điện cũng sẽ được mở rộng ở cả khâu phát điện và mua buôn điện. Và để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, Cục Điều tiết Điện lực sẽ nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Bộ Công Thương ban hành các quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện kinh tế - kỹ thuật - tài chính đối với khách hàng lớn tham gia thị trường điện theo từng giai đoạn phát triển của thị trường VWEM; ban hành quy trình và hướng dẫn thủ tục đăng ký tham gia thị trường; xây dựng dự thảo trình Bộ Công Thương ban hành các văn bản pháp lý cần thiết để khuyến khích khách hàng lớn tham gia thị trường điện theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử…

“Việc hình thành VWEM sẽ tạo động lực để các tổng công ty điện lực phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Khi đó, doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện với mức giá điện hợp lý, minh bạch. Đồng thời, VWEM vào vận hành sẽ bỏ vai trò độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện, tạo tiền đề quan trọng để phát triển tiếp lên cấp độ thị trường bán lẻ điện, đưa cơ chế cạnh tranh vào tất cả các khâu của ngành điện” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, Cục Điều tiết Điện lực đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền về việc sửa đổi Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó sẽ tập trung vào 4 nội dung chính là điều chỉnh cơ chế giá bán lẻ phù hợp với thiết kế của thị trường bán buôn điện; giá điện phản ánh được biến động của các thông số đầu vào trên thị trường như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu nguồn huy động; chi phí mua điện trên thị trường điện là một yếu tố đầu vào để xác định giá bán lẻ điện; hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được tiếp tục hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt. Việc điều chỉnh giá điện vì thế sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường, phản ánh đúng quy luật cung cầu của thị trường điện. Qua đó đảm bảo đồng thời các mục tiêu là điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từng bước mở rộng cạnh tranh đến các khâu trong dây chuyền sản xuất kinh doanh điện.

 

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới số 457