Thế giới trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Các nhà hoạt động vì hòa bình đeo mặt nạ của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tạo dáng với tên lửa hạt nhân giả tại Berlin. |
Hiện tại, sự việc này có khả năng không thể cứu vãn được nữa. Đồng thời, có thể làm tăng nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới - song song với chiến sự tại Ukraine. Trong cuộc chiến này, không bên nào có thể trông chờ vào một tình thế ổn định và được báo trước như các thỏa thuận hạt nhân đã đem lại liên tục trong hơn 50 năm.
Các nhà phân tích an ninh cho rằng, đây sẽ là một bài toán khó, là tiền đề cho sự răn đe lẫn nhau giữa hai nước. Đồng thời, thúc đẩy các cường quốc khác như: Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, củng cố kho vũ khí hạt nhân của họ.
Trong bài phát biểu sau gần một năm cuộc chiến Ukraine, ông Putin tuyên bố rằng, Nga sẽ không từ bỏ hiệp ước New START - thỏa thuận được ký kết vào năm 2010 - về việc hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Nga và Mỹ triển khai.
Tuy nhiên, các chuyên gia hạt nhân cho biết, trong hiệp ước không có bất kỳ điều khoản nào cho phép một trong hai bên "tạm dừng" tham gia, như hành động mà Nga đang làm, họ chỉ có quyền lựa chọn rút lui hoặc không.
Ông Putin đưa ra điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán nếu vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh cũng được xem xét. Các nhà phân tích cho rằng, điều kiện này sẽ bị Mỹ phản đối và yêu cầu viết lại hoàn toàn hiệp ước.
Theo ông William Alberque, Giám đốc chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Nga quả quyết họ có thể tồn tại mà không cần New START và giờ đây họ tìm cách đổ lỗi cho Mỹ.
“Họ đã dự tính trước rằng hiệp ước sẽ “chết” và muốn đẩy những tổn thất sang phía Mỹ”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Ông Alberque cho biết thêm, hiệp ước nhằm giới hạn số lượng đầu đạn trên mỗi tên lửa mà mỗi bên có thể triển khai. Vì vậy, việc chấm dứt hiệp ước cũng đồng nghĩa với việc số lượng đầu đạn sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.
Nga có khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân |
Theo Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, Nga có khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ là 5.428.
"Cả hai bên có thể tăng từ 1.550 lên 4.000 đầu đạn chiến lược triển khai chỉ trong một đêm", Alberque nói.
Theo ông, điều này có thể tạo sự bất ổn. Vì nó đưa hai phía đến tình thế tiến thoái lưỡng nan - "dùng hoặc mất". Khi đó, mật độ dày đặc các đầu đạn từ phía đối phương sẽ là những mục tiêu hấp dẫn hơn.
Giải thích cho động thái của mình, tổng thống Nga cho biết, thật "vô lý" khi Mỹ yêu cầu quyền kiểm tra các cơ sở hạt nhân tại Nga, trong khi NATO lại đang giúp Ukraine tấn công chúng.
Rõ ràng, Tổng thống Nga đang đề cập đến các cuộc tấn công vào tháng 12/2022, mà ông cho là phía Ukraine thực hiện. Mục tiêu nhằm vào sân bay Engels gần Saratov, cách Moscow 730 km về phía đông nam, nơi các máy bay ném bom chiến lược của Nga đặt căn cứ. Ngoài ra, ông còn nói thêm rằng, NATO đã "trang bị và hiện đại hóa" máy bay không người lái để thực hiện các cuộc tấn công này, tuy nhiên ông không đưa ra bất kì dẫn chứng xác thực nào.
Ukraine đang theo đuổi chính sách không công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công trên đất Nga.
James Cameron, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Dự án Hạt nhân Oslo chia sẻ, nếu New START bị hủy bỏ, nó sẽ đánh dấu sự trở lại của những kiểu phỏng đoán thời kì Chiến tranh Lạnh - về tiềm lực và ý đồ của đối phương.
"Bạn sẽ có sự bất ổn lớn trong mối quan hệ mà cả hai bên đang hành động theo một kịch bản tồi tệ nhất, góp phần “châm thêm dầu” vào các hệ thống và kế hoạch vốn đã rất phức tạp. Cuối cùng, dẫn hai phía đến một tình thế bất ổn và làm tăng nguy cơ về một số hình thức sử dụng hạt nhân", ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Cả hai nhà phân tích đều bày tỏ quan ngại về việc ông Putin nêu khả năng Nga nối lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Mặc dù ông đã tuyên bố rằng Nga sẽ không làm vậy, trừ khi Mỹ thực hiện trước.
Họ cho rằng việc này có thể mở đường cho Nga trong việc cáo buộc Mỹ đang thực hiện hoặc đang âm thầm chuẩn bị một vụ thử hạt nhân, nhằm biện hộ cho chính mình.
Nếu Nga làm vậy, đây sẽ là lần đầu tiên Moscow thử hạt nhân kể từ năm 1990, một năm trước khi Liên Xô tan rã. Ông Alberque nhấn mạnh rằng, Mỹ và Liên Xô đã từng thực hiện các vụ thử hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh "để cảnh báo lẫn nhau khi họ tức giận".
Ông Cameron cho biết bất kỳ cuộc thử nghiệm nào của Nga cũng sẽ khiến căng thẳng leo thang tại Ukraine. Đây cũng là "một nỗ lực nhằm báo hiệu trạng thái sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân" trong bối cảnh chiến tranh. Trong 12 tháng từ khi cuộc chiến diễn ra, ông Putin đã nhiều lần nhắc nhở phương Tây rằng Nga có vũ khí hủy diệt hàng loạt và đã mở rộng chiếc ô hạt nhân của mình tới các khu vực của Ukraine mà Nga đang chiếm giữ và hiện tuyên bố đó là lãnh thổ của mình.
Nếu New START bị huỷ bỏ hoặc không được gia hạn trước khi hết hạn vào tháng 2/2026. Nó sẽ đánh dấu sự kết thúc hơn nửa thế kỷ của các hiệp ước kiểm soát vũ khí giữa hai bên, đồng thời gửi tín hiệu đến các cường quốc có tiềm năng về vũ khí hạt nhân.
"Ấn Độ và Pakistan sẽ nói gì, Trung Quốc sẽ làm gì? Nó có thể nguy hiểm hơn rất nhiều so với Chiến tranh Lạnh. Vì sẽ có rất nhiều bên đổ xô đến tham dự và đây sẽ là thảm hoạ đối với an ninh toàn cầu", ông Alberque nói.
Đức và NATO chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân |
Trung Quốc tiết lộ các phương án chống vũ khí hạt nhân của Mỹ |
Cảnh báo "chiến tranh hạt nhân" của ông Putin... |
H.Phan
AFP
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới