THẾ GIỚI 24H: Tham nhũng gây ra thảm họa tại Thiên Tân?
Một người sống sót nói chuyện qua điện thoại di động tại nơi xảy ra những vụ nổ ở thành phố Thiên Tân. |
Hai vụ nổ lớn chỉ cách nhau có 30 giây, một vụ có sức nổ tương đương với 3 tấn TNT và vụ khác 21 tấn TNT đã làm rung chuyển thành phố Thiên Tân, đông bắc Trung Quốc. Một quả cầu lửa bốc lên cao hàng chục mét. Vụ nổ có thể thấy được từ các vệ tinh trên không gian. Theo thống kê sơ bộ, có ít nhất 70 người chết và 700 người bị thương, trong đó có 71 người trong tình trạng nguy kịch. Hàng nghìn binh sĩ đã được triển khai để dập lửa và họ đã trả giá đắt: 12 lính cứu hỏa đã tử nạn, 18 người khác vẫn bị mất tích, và 66 người bị thương.
Hầu hết các báo Pháp đều cho đây là một “thảm họa công nghiệp”.
Tuy cho đến giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ nổ, nhưng các báo đều đồng tình một điểm: chính tham nhũng đang cắt xén dần các chuẩn về an toàn công nghiệp. Tờ La Croix trong bài viết đề tựa “Phải chăng an toàn công nghiệp tại Trung Quốc không đầy đủ?” có những giải thích khá rõ.
Theo nhật báo, nguyên nhân đầu tiên là do tham nhũng. Trung Quốc có rất nhiều quy định về an toàn nhưng chưa bao giờ được tuân thủ. Nghĩ rằng xa “Mặt trời”, nên đôi khi chính quyền địa phương muốn làm gì thì làm. Tham nhũng đã cản trở mọi việc thực thi các điều luật. Chính vì thế mà chính phủ Bắc Kinh hiện nay đang vật vã đấu tranh chống lại tệ nạn này.
Về phần doanh nghiệp, việc không tuân theo các qui định có thể giúp cho họ giảm được chi phí sản xuất càng thấp càng tốt để giành thế cạnh tranh. Nhất là đối với những doanh nghiệp nào dựa vào mô hình sản xuất giá thành thấp, đầu tư có tuân thủ các quy định trên thực tế có thể bị đội giá cao.
Trên bình diện đô thị hóa, mở rộng kích cỡ đô thị đã đẩy các khu dân cư ngày càng xích lại gần các khu công nghiệp nguy hiểm, mà Thiên Tân là ví dụ điển hình. Trong đó, những người nghèo nhất và dân nhập cư đến từ nông thôn, sinh sống trong những khu nhà tạm bợ là những người bị ảnh hưởng nặng nhất.
Ngoài vấn đề tham nhũng, quy hoạch đô thị không phù hợp, chính thái độ mập mờ, che giấu của chính quyền Bắc Kinh cũng góp phần làm hạn chế công tác kiểm soát các quy định an toàn.
Theo bài viết “Các vụ nổ Thiên Tân gây sốc Trung Quốc” của Le Figaro, chính quyền Trung Quốc thường hay xử lý các cuộc điều tra tìm kiếm thủ phạm của các thảm họa một cách mập mờ. Điều này đã làm nảy sinh mối nghi kỵ trong người dân như là vụ động đất dữ dội tại Tứ Xuyên làm hàng ngàn người thiệt mạng.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều nghi vấn đã được đặt ra về việc xây dựng kho chứa hóa chất nguy hiểm quá gần với khu dân cư. Theo nhật báo Caixin, nhân viên của doanh nghiệp này cũng không được đào tạo đặc biệt về vấn đề bảo đảm an toàn.
Điều khôi hài được báo L’Humanité tường thuật lại là hồi tuần trước chính quyền thành phố Thiên Tân mới tổ chức một buổi họp về chủ đề dự phòng các rủi ro với các doanh nghiệp đóng trong khu vực. Có lẽ vì vậy mà “bà Hỏa” đã thử thách trình độ của các học viên này.
Đằng sau những vụ nổ liên hoàn ở Trung Quốc |
Ngôi nhà gốm sứ triệu đô ở Thiên Tân, Trung Quốc |
Thủ tướng Nhật Bản: Đừng bắt thế hệ sau phải xin lỗi nữa!
Hôm qua, nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có một bài diễn văn rất được chú ý. Người đứng đầu chính phủ Nhật khẳng định ông “vô cùng đau xót” trước những đau khổ do đế quốc Nhật gây ra. Tuy nhiên, ông Abe cũng kêu gọi không nên buộc các thế hệ ra đời sau chiến tranh phải xin lỗi cho những hành động không phải của mình.
Trong bài diễn văn, Thủ tướng Abe nói rằng Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ hối hận và chân thành xin lỗi vì những hành động đã làm trong thời chiến tranh, những nhắc nhở thế giới đừng quên từ khi cuộc chiến kết thúc đến giờ, Nhật đã bỏ hết công sức cho hòa bình và thịnh vượng của toàn khu vực, nói thêm điều này sẽ được Nhật thực hiện trong tương lai. Và mặt khác, theo ông Abe hơn 80% dân cư Nhật Bản hiện nay sinh ra sau chiến tranh, không thể để cho các thế hệ tương lai “không liên quan gì đến chiến tranh” buộc phải “xin lỗi như một điều tiền định”.
Theo các nhà quan sát, nội dung phát biểu của Thủ tướng Nhật chắc chắn sẽ được xem xét kỹ lưỡng bởi các nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc. Các quốc gia đã từng chịu đứng rất nhiều đau khổ trong thời gian bị Nhật Bản đô hộ hay gây chiến, trong và trước Thế chiến thứ hai. Giai đoạn bành trướng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, kể từ 1910 cho đến Thế chiến thứ hai, không ngừng gây căng thẳng cho quan hệ giữa Tokyo với các láng giềng Đông Bắc Á, đặc biệt liên quan đến ngôi đền Yasukuni có thờ linh vị các tội phạm chiến tranh, hay vấn đề “phụ nữ giải sầu”, một uyển ngữ để chỉ hàng trăm ngàn phụ nữ bị buộc phải làm việc trong nhà thổ của quân đội Nhật.
Bắc Kinh và Seoul muốn Thủ tướng Nhật xin lỗi như các tiền nhiệm. Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản chưa hành động đủ để làm nguôi đi nỗi đau của các nạn nhân, cho dù đã có những lời xin lỗi.
Philippines hoài nghi kế hoạch của TQ ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Philippines nêu nghi vấn về ý định Trung Quốc muốn xây các cơ sở tìm kiếm cứu hộ trên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh dựng lên ở Biển Đông.
Truyền thông Philippines ngày 14/8 dẫn lời phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng, ông Peter Paul Galvez, bày tỏ hoài nghi “Các cơ sở tìm kiếm cứu hộ này cho ai, chẳng lẽ cho tàu bè của chúng ta vốn đang bị họ đe dọa phá hủy hay sao?”.
Trước đó, đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa tuyên bố các cơ sở Bắc Kinh định xây trên các đảo nhân tạo nhằm ủng hộ quyền tự do hàng hải và các nỗ lực tìm kiếm cứu hộ trong trường hợp xảy ra tai nạn và các cuộc nghiên cứu khoa học.
Phát ngôn viên Galvez tố cáo rằng bất chấp các lời lẽ hứa hẹn thiện chí, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động lấn lướt chủ quyền bất hợp pháp vì đây vốn dĩ chỉ là các yếu tố quân sự hóa các đảo nhân tạo của Bắc Kinh.
Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo và bước tiến hiện nay của Bắc Kinh là bước quân sự hóa, cần phải ngăn chặn nếu không sẽ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng sâu hơn khó lường.
Nga đòi Mỹ tôn trọng lời hứa
Reuters ngày 14/8 đưa tin, Nga lên tiếng hối thúc Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu bởi Iran hiện đã đạt được thỏa thuận với các cường quốc nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Phát biểu với các phóng viên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ: "Chúng tôi thấy chẳng còn lý do gì để tiếp tục kế hoạch này".
Moskva từ lâu đã phản đối kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ, coi đó là sự đe dọa đối với sự răn đe hạt nhân của Nga, và tuyên bố sẽ đáp trả nếu Washington triển khai hệ thống nói trên.
Đáp lại, Mỹ quả quyết với Nga rằng hệ thống đó không nhằm vào Moskva mà chỉ nhằm bảo vệ Washington trước những nước cứng đầu như Iran.
Kể từ sau tháng 7 vừa qua khi Iran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lại việc giảm nhẹ trừng phạt của LHQ và Mỹ cùng Liên minh châu Âu, Moskva đã tăng cường "khẩu chiến" về hệ thống lá chắn tên lửa nói trên.
Hình ảnh ấn tượng
Toàn bộ bãi đậu xe gần khu công nghiệp Thiên Tân đều bị thiêu rụi |
G.K
Năng lượng Mới
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam