Thay đổi tư duy tiếp cận thuế
Nặng gánh thuế với doanh nghiệp
Thông tin tại VBF giữa kỳ 2018 cho thấy, tỷ lệ thuế trên lợi nhuận ở Việt Nam là 38% và khi bảo hiểm xã hội tăng, con số này cũng tăng theo, khiến các DN Việt Nam rơi vào thế bất lợi.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Nhóm Công tác thuế và hải quan, chi phí thuế thực tế còn cao hơn nhiều con số đó. Cơ quan thuế địa phương thường ấn định chỉ tiêu nộp ngân sách cho từng DN trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kể cả khi cán bộ thuế biết rõ chưa đến kỳ nộp thuế nhưng vẫn cố tình tìm kiếm dấu hiệu vi phạm, thực chất là “sách nhiễu” DN cho đến khi nộp đủ “chỉ tiêu”.
Doanh nghiệp vẫn mất nhiều thời gian làm thủ tục kê khai thuế |
“Vì thế, ngoài việc thuế chính thức trên lợi nhuận cao nhất châu Á, DN ở Việt Nam thường phải nộp thêm tiền thuế khi quyết toán thuế. Việc quyết toán thuế cũng làm hao tốn nhiều thời gian quý báu của DN và tạo kẽ hở để cán bộ thuế thao túng. Trong phần lớn trường hợp, tất cả những chi phí này sẽ dồn lên vai DN làm ăn đứng đắn, chấp hành luật pháp” - Nhóm Công tác thuế và hải quan nhận định.
Bình luận về vấn đề này, ông Mark Gillin cho rằng, việc Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thuế làm công cụ thu ngân sách là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự thiếu ổn định. Đây cũng là cách làm thiếu hiệu quả, là căn nguyên gây tham nhũng, mất tín nhiệm ngày càng tăng của cơ quan thuế.
Một vấn đề nữa, theo ông Mark Gillin, không nên sử dụng thanh tra, kiểm tra về thuế làm công cụ chính để bảo đảm nguồn thu. Bởi thanh tra, kiểm tra về thuế của Việt Nam không phải là kiểm tra mà thực chất là thẩm định lại. Thay vì tập trung vào kiểm tra, cán bộ thuế thường tập trung vào việc điều chỉnh căn cứ tính thuế của DN bằng cách loại bỏ khoản mục được khấu trừ, thay đổi mức giá dựa trên cách hiểu khác về quy định hay những lỗi không cố tình do chưa hiểu đúng hay thiếu hiểu biết về luật của DN. Đánh giá của cán bộ thuế thường rất chủ quan và nhiều khi sai rõ ràng, vì thế mà mức độ bất đồng, cả chính thức và không chính thức đều rất cao.
Ở Singapore, công tác thanh tra, kiểm tra thuế chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra khách quan các dữ kiện, chủ yếu bằng cách đối chiếu chứng từ gốc. Trang web của IRAS Singapore hướng dẫn chính xác cho người đóng thuế những nội dung sẽ được kiểm tra trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế, đầu mối liên hệ, số kiểm toán viên sẽ đến làm việc, thời gian làm việc. Thanh tra, kiểm tra thuế ở Singapore chỉ diễn ra trong vòng vài giờ hoặc một ngày. (Ông Mark Gillin - Trưởng nhóm Công tác Thuế và hải quan) |
“Công tác thu ngân sách cần thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống kê khai thuế trực tuyến, bảo đảm thu thập được mọi thông tin cần thiết để thẩm định thuế, đồng thời cung cấp các hướng dẫn trực tuyến như bảng điểm trong đó có tính kỷ luật kế toán hiện hành và luật mới. Mục đích của việc thanh tra, kiểm tra chủ yếu là kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của những thông tin nhập trực tuyến vào hệ thống. Nếu làm theo cách này thì sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả của Tổng cục Thuế trong công tác thu thuế, đồng thời cũng giảm được kẽ hở gây thất thoát nguồn thu trong quá trình quyết toán thuế” - ông Mark Gillin nhận định.
Chuyển giá nội bộ cũng là vấn đề đáng quan tâm. Việt Nam đã áp dụng một số nguyên tắc của các nước OECD liên quan đến chuyển giá, nhưng lại áp dụng không đầy đủ, thiếu thành phần cơ bản là quy tắc xác nhận trước của hải quan để bảo đảm minh bạch, khách quan, khả đoán trong thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế. Cơ quan thuế luôn buộc DN phải áp các mức giá riêng trong quá trình quyết toán, sử dụng công thức “bí mật” riêng của mình.
“Cần cần đặt câu hỏi là nếu cơ quan thuế có thể đưa ra cách hiểu riêng về chuyển giá mà họ luôn muốn áp dụng một cách chắc chắn trong quá trình quyết toán thuế thì tại sao họ lại không thể dành ra dù chỉ ít nguồn lực hơn để kiểm tra trước cách tính giá của DN thông qua quy trình xác nhận của hải quan?” - ông Mark Gillin đặt vấn đề.
Đổi mới cách tiếp cận thuế
Với những nhận định như trên, Nhóm Công tác thuế và hải quan VBF 2018 cho rằng, để từng bước xóa bỏ rào cản về cơ chế, chính sách thuế đối với sự phát triển của DN, không chỉ DN trong nước mà cả DN FDI, cách tiếp cận về thuế của Việt Nam cần một cuộc “cách mạng”, đổi mới toàn diện.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Mark Gillin nhấn mạnh: Thực tế cho thấy, bảo đảm chất lượng cao trong quản lý thuế như giảm gánh nặng thủ tục cho DN, nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch từ phía cơ quan thuế mới thực sự là yếu tố giúp tăng nguồn thu.
Dẫn chứng về nhận định này, Trưởng nhóm Công tác thuế và hải quan cho hay: Một nghiên cứu thực hiện năm 2014 tại 118 nền kinh tế trong thời gian 6 năm cho thấy, nếu giảm được 10% gánh nặng thủ tục thuế thì tăng được 3% tỷ lệ DN mới tham gia vào thị trường.
Chất lượng quản lý thuế càng đặc biệt quan trọng đối với DN nhỏ và vừa. Một nghiên cứu năm 2017 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, ở những nước có chỉ số chất lượng quản lý thuế (TAQI) thấp, DN nhỏ và vừa có năng suất thấp hơn 45% so với DN lớn, nhưng có những nước có TAQI cao thì mức chênh lệch về năng suất chỉ là 6%. Ở Việt Nam, tỷ lệ DN nhỏ và vừa trên tổng số DN trong nước cao, nâng cao chất lượng quản lý thuế là một yêu cầu đặc biệt quan trọng.
Ngoài ra, để cuộc cách mạng, đổi mới cách tiếp cận về thuế ở Việt Nam thực sự hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, Nhóm Công tác thuế và hải quan đề xuất: Cần tiếp tục triển khai hiệu quả công tác hướng dẫn về thuế điện tử, hải quan điện tử, hướng dẫn trực tuyến; thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế không phải là cách bảo đảm nguồn thu; cần chấm dứt chế độ định mức hay chỉ tiêu thu thuế của cơ quan thuế trong hậu kiểm, quyết toán; phát hiện sớm, thông báo, thanh tra, kiểm tra những DN “có rủi ro”…
Theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, thời gian cần để thực hiện các quy định về kê khai nộp thuế ở Việt Nam là 498 giờ, cao gần gấp 3 lần Campuchia, gấp 2,5 lần mức bình quân của châu Á và những nước như Trung Quốc, Malaysia, gấp 7,75 lần Singapore, 6,8 lần Hongkong. |
Hà Lê