Chính sách thuế, hải quan: Còn nhiều bất cập
DN khó nắm bắt chính sách mới
Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc Chi nhánh VCCI TP HCM, thông tin: Qua khảo sát của VCCI với hơn 22.000 DN trên cả nước, có nhiều DN bày tỏ lo ngại với việc các văn bản pháp luật về thuế, hải quan nói riêng, liên quan đến sản xuất kinh doanh của DN nói chung thời gian qua thay đổi quá nhiều khiến cho DN nắm bắt không kịp.
Bên cạnh đó, các DN cũng phản ánh, những thông tư hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính thường được ban hành chậm hơn so với thời hạn hiệu lực thi hành của luật, nghị định làm cho các DN phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ tài chính như hóa đơn, chứng từ…, mất thời gian và khó thực hiện. Ở lĩnh vực hải quan, nhiều DN bị chậm tiến độ ra tờ khai do chưa cập nhật kịp sự thay đổi về thủ tục, chính sách mới.
DN nêu vướng mắc về chính sách thuế, hải quan với Bộ Tài chính |
Không riêng DN, một số công chức thuế, hải quan cũng chưa nắm bắt kịp thời các thông tư, quy định mới nên khâu giải quyết các thủ tục còn chậm trễ, tăng chi phí phát sinh. Trong khi đó, khi DN có vướng mắc gửi đến cơ quan thuế, hải quan, thường chỉ nhận được các câu trả lời chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và hướng dẫn cụ thể, không hỗ trợ được cho DN.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đổi mới tạo thuận lợi hơn cho DN là tốt nhưng cần phải hệ thống lại tất cả những thay đổi để DN dễ hiểu, dễ thực hiện. Đơn cử, hiện nay Luật Thuế giá trị gia tăng có Luật số 13/2008/QH12, Luật số 31/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 và còn rất nhiều thông tư hướng dẫn, thông tư này sửa một số điều của thông tư khác… khiến DN rất khó thực hiện đúng.
Các DN kiến nghị cơ quan thuế, hải quan trong quá trình soạn thảo, sửa đổi các văn bản pháp quy cần thông báo rộng rãi kế hoạch sửa đổi, nội dung sửa đổi để các đối tượng chịu sự điều chỉnh biết, chuẩn bị và có những ý kiến đóng góp cụ thể, tránh trường hợp khi các đối tượng chịu sự điều chỉnh chưa nắm được các thay đổi thì văn bản đã có hiệu lực.
Vẫn còn không ít giấy phép con
Tại buổi đối thoại giữa Bộ Tài chính với DN về chính sách thuế, hải quan ngày 29-11 ở TP HCM, các DN cho biết, giấy phép con của các bộ, ngành quá nhiều đã gây khó khăn và mất nhiều thời gian, chi phí cho việc thông quan hàng hóa. Cụ thể, DN muốn nhập khẩu một lô hàng thép phải mất 24 giờ mới xin được công văn đến của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, sau đó, DN nộp cho đơn vị phân tích hợp chuẩn, rồi mới nộp cho hải quan mở tờ khai. Sau khi lấy hàng về phải chờ kết quả giám định khoảng 10 ngày, tiếp đó cầm kết quả nộp cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, chờ đợi 3 ngày làm việc mới lấy được thông báo đạt tiêu chuẩn nhập khẩu để thông quan hàng hóa. Quy trình đó rất nhiêu khê, mất nhiều thời gian.
Theo các DN, các văn bản pháp quy cần thống nhất, cụ thể, rõ ràng, thiết thực, dễ hiểu, giúp DN áp dụng ổn định và không tạo ra lỗ hổng gây ra sự tùy tiện trong việc áp dụng của công chức thuế, hải quan |
Vấn đề chi phí không chính thức cũng được DN đề cập. Theo các DN, vẫn còn một số trường hợp cán bộ hải quan yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định hoặc viện lý do quá tải để làm chậm hồ sơ của DN hay bắt các lỗi nhỏ nhặt của DN để làm khó… Vì thế, DN vẫn phải “bồi dưỡng” cho cán bộ hải quan để “được việc”.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, những phản hồi của DN đã phản ánh đúng một số bất cập trong việc thực thi chính sách thuế, hải quan hiện nay. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu và có giải pháp cụ thể để khắc phục những bất cập đó.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức; đơn giản hóa thủ tục tạo thuận lợi cho DN; thường xuyên luân phiên, luân chuyển cán bộ; tích cực thực hiện công tác hiện đại hóa, tự động hóa, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức thuế, hải quan với DN để hạn chế việc nhũng nhiễu DN; xây dựng hệ thống kiểm tra giám sát nội bộ, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm…
Mai Phương
-
Bài 5: Cần xây dựng tổng thể “chính sách thuế xanh” để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh
-
Chính sách thuế với đồ uống có cồn: Cần đảm bảo lợi ích và thực tế
-
Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý I-2024
-
Giảm 2% thuế VAT: Không để doanh nghiệp lúng túng
-
Bộ Tài chính tổ chức hội thảo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh
-
Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon