Tháo gỡ cơ chế, xử lý nợ xấu
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Viện Chiến lược Ngân hàng
Theo các chuyên gia, hiện đang thiếu quy định và cơ chế tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ. Theo Điều 7 Luật Đầu tư (số 67/2014/QH13) thì kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa quy định cụ thể về vấn đề này nên các doanh nghiệp không thể tham gia thị trường mua bán nợ xấu. TS Trần Du Lịch khi đề cập đến vấn đề này từng nhấn mạnh, “gỡ khó trong khâu phát mại tài sản đảm bảo và xây dựng thị trường mua bán nợ là 2 giải pháp quan trọng nhất giúp xử lý triệt để được nợ xấu”.
Hiện số doanh nghiệp được mua bán nợ xấu ở Việt Nam rất ít, gồm VAMC, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và gần 20 công ty quản lý tài sản (AMC) của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, hầu hết các AMC của tổ chức tín dụng chỉ xử lý nợ xấu nội bộ cho chính các ngân hàng mẹ, không tham gia thị trường mua bán nợ. Hơn nữa VAMC là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nên hoạt động chịu sự điều tiết của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Mà theo Điều 26 của luật này thì “Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán trực tiếp cho đối tượng nợ”. Như vậy, VAMC không thể bán cho bên thứ 3 nếu họ không có chức năng mua bán nợ.
Nhiều ngân hàng “đuối sức” vì xử lý nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng |
Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu quy định làm căn cứ cho việc định giá khoản nợ, tài sản đảm bảo và tổ chức bán đấu giá tài sản. Theo Thông tư 08/2016/TT-NHNN thì “VAMC tự thực hiện hoặc thuê tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định giá…”. Tuy nhiên, VAMC hoặc tổ chức định giá độc lập dựa vào tiêu chí, căn cứ nào để bảo đảm giá được đưa ra là khách quan, minh bạch thì còn thiếu. Cần lưu ý rằng, việc định giá nợ xấu là rất khó. Nó phải dựa trên nhiều căn cứ như kết quả định giá tài sản bảo đảm, đánh giá khả năng phát mại tài sản đảm bảo, triển vọng phục hồi khả năng trả nợ của khách hàng… Nhưng dù có muốn hay không thì việc sớm đưa ra quy định các tiêu chí định giá các khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo là hết sức cần thiết cho việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Cũng bởi độ khó của định giá nợ xấu nên việc chọn lựa tổ chức định giá độc lập đủ năng lực, uy tín cần phải cân nhắc thấu đáo và phải được chỉ định cụ thể. VAMC tự định giá có sự tham gia của các chuyên gia độc lập từ bên ngoài để bảo đảm tính khách quan là lựa chọn hợp lý, giúp vừa đẩy nhanh xử lý nợ xấu, vừa tận dụng được đội ngũ chuyên gia của Công ty này.
Hiện nay, tài sản bảo đảm tiền vay cho nợ xấu VAMC mua về chủ yếu là bất động sản. Một bất động sản phải mất 2-4 năm mới có thể bán trong trường hợp phải khởi kiện, mà phần lớn là phải khởi kiện vì bên có tài sản bảo đảm không hợp tác. Vấn đề gốc rễ cần giải quyết ở đây là pháp luật phải bảo vệ quyền chủ nợ. Từ thực tế này, khó có thể khuyến khích thị trường mua bán nợ xấu phát triển.
Về cơ chế xử lý lãi, lỗ khi bán nợ xấu, tài sản bảo đảm, các khoản mua nợ theo thị trường thì sẽ có lãi, lỗ khi bán. Vì vậy cần phải giải quyết 2 vấn đề: Một là cơ chế phân bổ hài hòa các khoản lãi, lỗ giữa tổ chức tín dụng bán nợ, VAMC và ngân sách Nhà nước. Hai là không truy cứu trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến mua, bán khoản nợ xấu bị lỗ nếu họ chấp hành đúng các quy định về mua và bán các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm. Hiện có một số quy định gây tranh cãi như Điều 12 Nghị định 53/2013/NĐ-CP “VAMC có nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn được Nhà nước giao”; Quyết định số 618/QĐ-NHNN quy định “… VAMC chịu trách nhiệm về các quyết định mua bán nợ, dảm bảo việc sử dụng vốn an toàn, hiệu quả và lợi ích của Nhà nước”. Đây là những quy định làm “chùn tay” cán bộ của VAMC cũng như cán bộ của các bên có liên quan trong việc ra các quyết định xử lý nợ xấu. Nó cũng không phù hợp với sứ mệnh xử lý nợ xấu và như mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận của VAMC.
Cuối cùng là vốn thực cho xử lý nợ xấu, có bột mới gột nên hồ, có tiền mới xử lý được nợ xấu. TS Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, TS Trần Du Lịch và nhiều chuyên gia kinh tế khác đã chỉ ra nhiều nguồn lực, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của ngân sách tham gia xử lý nợ xấu. Đây là hướng tiếp cận đúng. Từ năm 2012 đến 2015, ngành ngân hàng đã xử lý nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng tương đương với 31% vốn điều lệ bình quân cùng giai đoạn của toàn ngành. Có thể nói, các ngân hàng đã sức cùng, lực kiệt (ROE toàn ngành giảm từ 12% trước năm 2010 xuống dưới 5% hiện nay). Nếu cứ tiếp tục yêu cầu trích dự phòng để xử lý nợ xấu với mức lớn như những năm qua thì rủi ro lớn hơn là đổ bể hệ thống có thể xảy ra. Đã đến lúc ngân sách và các nguồn lực từ bên ngoài cần vào cuộc để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, với những quy định của pháp luật hiện hành và thực trạng thị trường mua bán nợ xấu chưa phát triển như đã đề cập thì khó có thể huy động vốn từ các tổ chức tài chính để xử lý nợ xấu. Không có tiền thật thì VAMC cũng không thể thực hiện được các nhiệm vụ, giải pháp khác về xử lý nợ xấu như đầu tư làm tăng giá trị tài sản để bán thu hồi nợ, tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp…
Tóm lại, nếu không sớm tháo gỡ các nút thắt về cơ chế thì đòi hỏi xử lý nhanh và thực chất nợ xấu ở nước ta chỉ là lý thuyết!
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?