Thặng dư thương mại đạt 1,8 tỷ USD
Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam ước đạt 288,47 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đã dần được cải thiện.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có nhiều tín hiệu đáng mừng |
Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5,6%) và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29%).
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 143,34 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 60,83 tỷ USD, tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,51 tỷ USD, tăng 5,3%.
Với kết quả này, cán cân thương mại của cả nước đang thặng dư 1,8 tỷ USD. Như vậy là sau mấy tháng nhập siêu thì cán cân thương mại của Việt Nam đã đổi chiều.
Tháng 6/2019, cả nước xuất siêu tới 1,9 tỷ USD, góp phần khiến cán cân thương mại đảo chiều ngoạn mục, từ nhập siêu trở thành xuất siêu 1,6 tỷ USD. Sang tháng 7, ước tính, nền kinh tế tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD, đưa cán cân thương mại trong 7 tháng lên 1,8 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng có 24 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 51,6%).
Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 27,3 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,9%; hàng dệt may đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 13,8%...
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản 7 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, rau quả đạt 2,3 tỷ USD, giảm 0,3%; cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 18,7% (lượng giảm 7,6%); hạt điều đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 11% (lượng tăng 13,8%); gạo đạt 1,7 tỷ USD, giảm 14% (lượng tăng 0,8%)…
Trong khi đó, về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 42 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 26,6 tỷ USD, giảm 0,8%... Như vậy là sau 7 tháng, Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc 22 tỷ USD, tăng 38,2%.
Tùng Dương
-
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 23,28 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 13/11: Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới
-
Kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm công nghệ số Hà Nội 2024
-
[Infographic] Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 4/11: Doanh nghiệp cảng biển lãi lớn trong quý III
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên