Thận trọng với tăng trưởng tín dụng!
PV: Ông nhận xét như thế nào về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa vốn lãi suất hợp lý vào nền kinh tế trong thời gian qua?
TS Nguyễn Trí Hiếu |
TS Nguyễn Trí Hiếu: NHNN rất nỗ lực khuyến khích các ngân hàng thương mại (NHTM) cung cấp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa qua việc hạ lãi suất. Trong tháng 7 vừa qua, NHNN đã hạ 0,25%/năm lãi suất điều hành, trong đó có lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất thanh toán bù trừ trong hệ thống ngân hàng (NH) cho các NH với mong muốn các NH hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp. Điều này thật sự có, nhưng nó chỉ xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành. Việc NHNN hạ lãi suất điều hành là một động thái tích cực.
PV: Tình hình lãi suất hiện nay như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất huy động trong lúc này ổn định, nhưng trong mấy ngày vừa qua có một số NHTM hạng trung và nhỏ lại tiếp tục tăng lãi suất.
Hiện nay, lãi suất cho vay trong những lĩnh vực ưu đãi của Chính phủ gồm: nông nghiệp - nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 6-7%; lãi suất cho các doanh nghiệp khác khoảng 7-9% đối với cho vay ngắn hạn, các doanh nghiệp bất động sản có thể chịu lãi suất cao hơn.
PV: Ông dự báo như thế nào về tình hình lãi suất từ nay đến cuối năm?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Như chúng ta đã biết, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 11%, trong khi đó tăng trưởng huy động vốn chỉ hơn 10%, tức tăng trưởng cho vay nhiều hơn huy động. Từ nay đến cuối năm, để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, các NHTM phải đẩy ra một lượng tín dụng nhiều hơn nữa vào nền kinh tế. Để có vốn cho vay, các NHTM có thể sẽ nâng lãi suất huy động lên một chút nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn huy động. Nếu NHTM nâng lãi suất huy động lên, khó mà lãi suất cho vay thấp được. Tôi nghĩ từ nay đến cuối năm, Chính phủ và NHNN sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đẩy tín dụng cho các doanh nghiệp với lãi suất duy trì ở mức hiện tại và tỷ giá ổn định.
Chúng ta đang có khoảng 600.000 tỉ đồng nợ xấu. Đẩy mạnh tín dụng cho nền kinh tế chưa hẳn đã là giải pháp hay. |
Chính phủ vì muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7% năm 2017, nên mới đây đã thông qua NHNN muốn các NHTM đẩy tăng trưởng tín dụng lên 21-22%. 9 tháng năm 2017, các NHTM tăng trưởng tín dụng 11%. Từ nay đến cuối năm, các NHTM có thể đẩy ra thêm ít nhất 10% nữa. Tổng dư nợ trong nền kinh tế hiện tại là 6 triệu tỉ đồng, 10% của 6 triệu tỉ đồng là 600.000 tỉ đồng. Như vậy trong 3 tháng cuối năm, mỗi tháng trung bình hệ thống NH phải đẩy ra cho nền kinh tế một lượng tín dụng khoảng 200.000 tỉ đồng. Đây là một lượng tín dụng rất lớn, bằng tổng dư nợ của một NHTM hạng trung ở Việt Nam. Đẩy một lượng tín dụng lớn ra cho nền kinh tế như thế có thể sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm thường tăng cao |
PV: Rủi ro mà ông muốn nói đến cụ thể là gì?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Rủi ro thứ nhất là tăng lạm phát. Thứ hai, các NHTM khi muốn tăng trưởng tín dụng, có thể nhắm vào bất động sản, vì đây là lĩnh vực hấp thụ vốn rất lớn và rất nhanh. Một dự án bất động sản có thể hút vốn hàng trăm tỉ đồng, giải ngân trong vòng vài tháng. Bên cạnh đó là chứng khoán. Chứng khoán trong năm nay tăng trưởng rất mạnh, đang là nơi hút vốn của NHTM.
Theo TS Bùi Quang Tín, Giám đốc Trường Doanh nhân Bizlight, thông thường trong 3 tháng cuối năm, hệ thống NH có thể tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 6%. Như vậy, toàn hệ thống có thể chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng 17-18% vào cuối năm. |
Để đẩy nhanh vốn cho vay, các NHTM có thể sẽ đẩy tín dụng vào chứng khoán và bất động sản, hai lĩnh vực đang rất nóng hiện nay. Đây cũng là rủi ro cho nền kinh tế vì bất động sản và chứng khoán có thể hình thành bong bóng trong tương lai nếu đẩy quá nhiều tín dụng vào, tác động đẩy giá lên, đến một lúc nào đó sẽ hình thành bong bóng, hình thành nợ xấu cho nền kinh tế. Chúng ta đang có khoảng 600.000 tỉ đồng nợ xấu. Đẩy mạnh tín dụng cho nền kinh tế chưa hẳn đã là giải pháp hay.
PV: Vậy ông có khuyến nghị nào cho các ngân hàng?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Với tăng trưởng kinh tế 6,41% trong 9 tháng đầu năm và chúng ta không còn cách xa lắm mục tiêu 6,7% của năm 2017, tôi nghĩ rằng, các NHTM nên cẩn trọng trong việc đẩy tín dụng quá lớn vào nền kinh tế. Đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22% theo tôi là không cần thiết. Đẩy tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần thiết hơn là vào bất động sản và chứng khoán. Tăng trưởng tín dụng là tốt nhưng nó phải đi kèm với một hoạt động tín dụng lành mạnh. Tức là những người vay vốn ngân hàng phải có khả năng trả nợ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đã khuyến cáo, Việt Nam nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng thay vì số lượng. Tăng trưởng tín dụng và GDP phải đi kèm với việc cải thiện môi trường kinh doanh một cách bền vững thì mới có giá trị lâu dài. |
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
-
Tin tức kinh tế ngày 17/10: Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón trong 9 tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 15/10: Trái phiếu doanh nghiệp “ấm dần”
-
TP HCM: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4