"Tay không" nắm mạng di động
Trước khi trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Coca - Cola từng lập nhiều nhà máy liên doanh với đối tác Việt Nam. Nhưng rồi phía đối tác trong nước cũng phải bán lại phần vốn cho Coca - Cola để ông lớn này trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Trường hợp nêu trên là một điển hình của việc hợp tác bất thành, gây thiệt hại cho đối tác trong nước. Cách thức của nhiều doanh nghiệp ngoại là liên doanh với doanh nghiệp trong nước để thâm nhập thị trường Việt Nam, sau đó điều hành doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, khiến đối tác trong nước phải bán phần vốn góp cho đối tác ngoại để đưa liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Nhưng, ngược lại, có trường hợp sau khi đối tác ngoại rút lui, đối tác trong nước lại có được hàng ngàn tỷ đồng, dù trước đó không phải bỏ một đồng vốn nào. Đó là trường hợp của liên doanh mạng di động Beeline (nay chuyển thành Gmobile) giữa Công ty cổ phần Viễn thông Di động Toàn Cầu (GTel Mobile) và Tập đoàn VimpelCom.
Phía Việt Nam đã bảo toàn vốn nhà nước sau khi đối tác nước ngoài rút khỏi Beeline
Phía sau sự ra đi của VimpelCom
Năm 2008, với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an thành lập liên doanh công ty cổ phần, có vốn đầu tư nước ngoài từ Tập đoàn VimpelCom (Nga). Theo thỏa thuận ban đầu, phía đối tác Việt Nam góp vốn vào liên doanh bằng giá trị thương quyền sử dụng giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động, trị giá 400 triệu USD, chiếm 60% cổ phần. Trong khi đó, phía nước ngoài góp bằng tiền mặt (chiếm 40% cổ phần, tương đương 267 triệu USD).
Sau giai đoạn I, Liên doanh tiếp tục có nhu cầu huy động vốn và các cổ đông đã tiến hành tìm nguồn vốn bổ sung cho doanh nghiệp. Qua thời gian đàm phán, phía nước ngoài tăng thêm 9% cổ phần, tương đương 196 triệu USD. Tổng vốn phía nước ngoài đầu tư vào liên doanh đến tháng 4/2011 là 463 triệu USD. Nếu kể cả các chi phí thuê tư vấn và chi phí trực tiếp cho đội ngũ chuyên gia của VimpelCom làm việc bên cạnh liên doanh, thì tổng đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Về nguyên nhân khiến VimpelCom rút khỏi Liên doanh Beeline, lãnh đạo GTel Mobile cho rằng, do nhiều yếu tố tác động, trong đó 4 vấn đề chính:
Một là, chính sách của Việt Nam không cho phép phía nước ngoài sở hữu cổ phần đa số trong liên doanh. Trong khi phía đối tác nhận thấy họ đã đổ vào khoảng nửa tỷ USD, nhưng lại không được chủ động như ý muốn.
Hai là, năm 2011, khủng hoảng tài chính lan rộng khắp châu Âu. Giá cổ phiếu công ty mẹ VimpelCom đi xuống, nên phía nước ngoài cũng khó khăn trong huy động vốn.
Ba là, do việc tái cơ cấu chiến lược hoạt động kinh doanh của công ty mẹ theo hướng tập trung vào thị trường có khả năng doanh thu và mang lại lợi nhuận cao, trong khi thị trường viễn thông Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt.
Cuối cùng là tần số GTel Mobile được cấp không đủ cạnh tranh với các nhà mạng khác. Gmobile chỉ có băng tần 1800MHz, trong khi các nhà mạng khác có đủ băng tần 900MHz, 1800MHz và băng tần 3G.
Mặc dù VimpelCom ra đi chỉ mang theo lượng tiền chưa bằng 1/10 tổng vốn đầu tư, nhưng đã không xảy ra các rủi ro pháp lý, không làm ảnh hưởng môi trường đầu tư nước ngoài. Đó là thành công lớn, không phải doanh nghiệp FDI nào cũng làm được, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông.
Tay không nắm mạng di động
Ông Nguyễn Văn Dư, Tổng giám đốc GTel Mobile
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dư, Tổng giám đốc GTel Mobile cho biết, sau quá trình đàm phán, đối tác Vimpelcom quyết định rút lui khỏi thị trường Việt Nam với 45 triệu USD mang theo. “Đó là số tiền còn lại trong khoản 196 triệu USD của lần tăng vốn đợt 2, khi phía đối tác Vimpelcom mua thêm 9% cổ phần của liên doanh. Phần còn lại được sử dụng để trả các khoản nợ khi còn liên doanh và tối ưu để tiếp tục đầu tư phát triển mạng, ra mắt thương hiệu mới… cùng các hoạt động khác trong suốt hơn nửa năm vừa qua”, ông Dư nói.
Theo ông Dư, thực tế, sau khi phía đối tác rút khỏi liên doanh, về mặt dòng tiền, Công ty thâm hụt khoảng 8 tỷ đồng. Ban lãnh đạo mới đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ, giảm nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực tế chỉ sau 2 tháng tái cơ cấu, phần chi phí cố định đã giảm đi phân nửa, trong khi hiệu quả làm việc được duy trì. Hiện nay, GTel Mobile có tổng tài sản cố định là 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là thiết bị mạng lưới. Doanh thu năm 2012 gấp hơn hai lần năm 2011, hiệu quả kinh doanh khá tốt.
“Đây là một trong các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài mà phía Việt Nam đã bảo toàn không mất vốn nhà nước và tiếp nhận, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài”, Tổng giám đốc GTel Mobile cho hay. Đến nay, GTel Mobile vẫn chưa sử dụng một đồng vốn nào của Nhà nước, mà đã có tài sản giá trị lớn và đóng góp vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.
Theo Đầu tư
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần