Tăng trưởng GDP 2019 có thể vượt kế hoạch Quốc hội thông qua
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố Báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô quý I/2019 và cả năm 2018. Nhóm nghiên cứu của VEPR dự báo tăng trưởng năm 2019 đạt 6,9%. Trong đó, quý I tăng trưởng 6,61%, lạm phát 3,25%; quý II tăng trưởng 6,72%, lạm phát 3,72%; quý III tăng trưởng 7,01%, lạm phát 3,10; quý IV tăng trưởng 7,12%, lạm phát 4,28%.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI |
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 dựa trên nền tảng đã có từ các năm trước, chu kỳ kinh tế vẫn đang tiếp tục hồi phục cũng như những nỗ lực từ khu vực doanh nghiệp và sự cải cách của Chính phủ cũng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất, đặc biệt là sự dịch chuyển của các nhà đầu tư và thương mại. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ đạt được sự tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng khu vực xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế Trung Quốc đi xuống và xu hướng phòng vệ thương mại.
TS. Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó, đại diện VEPR khuyến nghị, Việt Nam cần từng bước xây dựng “đệm” tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Một khi vấn đề thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh chưa được giải quyết, những thành tích về tăng trưởng hay lạm phát đang phải dựa vào một nền tảng bấp bênh.
Nghiên cứu của VEPR cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I năm nay là 14.761 doanh nghiệp, cao hơn 20,8% so với năm trước và cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp trong quý I. Trong đó, 33,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2019 tốt hơn so với quý IV/2018 và 40,5% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Đồng thời, 54,6% doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh doanh quý II tốt hơn quý I, trong khi chỉ có 10,6% dự báo khó khăn hơn.
"Đặc biệt, trong quý I vừa qua việc rà soát lại con số thống kê những doanh nghiệp giải thể khiến con số này tăng đột biến, nhưng thực tế không lớn như thế bởi lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ giải thể vốn đã nhiều rồi", ông Phạm Thế Anh nói.
Quý I năm 2019: GDP tăng trưởng 6,7% |
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tránh thống kê "kinh tế ngầm" đổi lấy % GDP hay nới trần nợ công |
Kinh tế tăng trưởng 7,08%, cao nhất 10 năm |
Lê Minh