Tăng lương - chuyện trong nhà tôi
Tăng lương, mong đừng tăng giá! |
Chính quyền Biden chi 450 triệu đô la cho nhiên liệu sinh học |
Cách tính lương, phụ cấp áp dụng từ 1/7 |
Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2023 |
Chị gái tôi gọi điện thoại cho tôi vừa mới a lô xong đã cười như “địa chủ được mùa”: “Cuối tuần cậu bận gì không? Sang nhà chị ăn khao, ăn liên hoan, cậu thích ăn gì chị chiều?".
Rồi chị phấn khởi khoe: "Từ 1/7/2023 chị được tăng lương, lại được nhận 18 tháng truy lĩnh trợ cấp mỗi tháng 3 triệu, tổng số là hơn 50 triệu. Tài khoản tinh tinh rồi đây, thu xếp mà sang nhé!”
Các giáo viên kỳ vọng lương tăng để nhà giáo có thể sống được bằng lương, phù hợp với công sức bỏ ra. Ảnh: Quang Vinh/Đại đoàn kết |
Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, từ ông nội tới bố mẹ đều theo nghề dạy học. Nhà có 7 anh chị em thì 4 người theo nghề giáo viên, nên có lúc gia đình tụ họp mà câu chuyện y như buổi sinh hoạt chuyên môn của các giáo viên.
Sinh ra trong gia đình như thế, dù là con út rất được ưu tiên chiều chuộng, tôi cũng vẫn từng có thời chứng kiến cảnh khó khăn, thiếu thốn: Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ (khoai) đi làm, trưa ăn (khoai) lang trừ bữa.
Thời đất nước mới qua chiến tranh, lại bị cấm vận nghiệt ngã, cơ chế chính sách kinh tế chưa đúng làm cuộc sống hết sức vất vả như câu ví: Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo…
Các thầy cô ngoài giờ lên lớp phải xoay xở đủ nghề để kiếm sống: “Thầy giáo lĩnh lương ba đồng / Làm sao sống nổi mà không đi thồ? / Nhiều thầy phải đạp xích lô / Làm sao xây dựng cơ đồ học sinh?
Các cặp đôi xây dựng vợ chồng ngày ấy còn hay theo công thức: Chồng bộ đội, vợ giáo viên; Chồng công an, vợ giáo viên; Chồng đi tàu, vợ cô giáo mầm non… Do ngoại hình xinh xắn, môi trường làm việc an toàn khi chồng đi xa, nên nhà tôi có 4 anh rể đều bộ đội và công an.
Cả đại gia đình sống dựa vào lương, nên nhạy cảm với chuyện tăng lương lắm. Các chị tôi khi lập gia đình riêng, có thu nhập từ hai vợ chồng đều không hiểu mẹ tôi xoay xở kiểu gì với hai đồng lương của hai giáo viên mà nuôi nổi đàn con lóc nhóc.
Anh rể là bộ đội còn hay nói đùa: “9 năm bắn phá không bằng bù giá vào lương”. Cả nhà chỉ còn giữ được sự lạc quan tếu táo dù sự thật là có lúc đói đến mờ cả mắt.
Cho cả đến bây giờ, kinh tế Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ, thì người hưởng lương từ ngân sách như cán bộ, công chức, viên chức, bộ đội, công an, giáo viên… chưa ai có thể sống dư dả, sung túc với đồng lương hiện tại, vẫn phải chắt bóp, ăn dè, tiêu xẻn để có số dư ra.
Việc tăng lương cơ sở cho người hưởng lương từ ngân sách từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng nhân với hệ số từ ngày 1/7/2023 thực sự là việc đáng mừng. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người nghỉ hưu trước năm 1995 cũng tăng 12.5% và tăng 20.8% chi các chính sách an sinh xã hội sẽ giúp người lĩnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hưu trí… yên tâm sống ổn với đồng lương của mình.
Điều vui nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu hiện nay không tăng bất thường kiểu “giá tung tăng chạy trước, lương lả lướt theo sau”. Giá lương thực gạo, mỳ, rau củ quả phục vụ cuộc sống sinh hoạt không tăng giá, trái lại do thời tiết thuận lợi, giá cả hoa quả như vải, xoài, dưa hấu, thanh long, mít, dứa… rất rẻ và bày bán ê hề.
Có hai mặt hàng giá cũng hạ rất thấp, nhưng lương dù tăng cũng chưa giúp ngay được cho người lao động là giá bất động sản và giá xe ô tô đã qua sử dụng xuống thấp. Nếu ai có tiền tích luỹ thì có lẽ đây là thời điểm thích hợp để sở hữu một căn nhà và chiếc xe bốn bánh cho phù hợp phương châm 1.2.3.4 (một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh).
Như chị tôi hơn 20 năm giảng dạy đang ăn lương hệ số 4.58 với mức cơ sở 1.49 triệu lương chỉ (4,58*1,49)= 6.82 triệu /tháng nay tăng lên (1,8 *4,58)=8,24 triệu/ tháng, cộng thêm các loại phụ cấp, trợ cấp thì cuộc sống chắc chắn cũng sẽ dễ chịu hơn.
Suy cho cùng việc tăng lương cũng chỉ đủ bù cho hệ số trượt giá do lạm pháp, nhằm hỗ trợ người hưởng lương có đủ sức mua hàng hoá phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, còn người thu nhập cao sự thay đổi này không thay đổi nhiều. Nên điều người lao động cần đó là nhà nước cần kiểm soát, điều khiển kinh tế ở cấp vĩ mô, ngăn không để lạm phát, trượt giá, tăng giá các sản phẩm thì việc số tiền lương vừa được tăng mới cải thiện được đời sống người lao động một cách hiệu quả.
Đương nhiên là theo quy tắc đóng sao hưởng vậy. Khi tính lương hưu, người lao động được bù hệ số trượt giá, mức lương nhận hàng tháng dựa trên cơ sở đóng quỹ trong thời gian làm việc, nhưng không khỏi có chút ngậm ngùi khi như anh tôi lương đại tá về hưu chỉ phần tăng lần này cao gần bằng tổng lương của ông chú làm công nhân nhà máy sắt tráng men, hàng tháng nhận lương hưu gần 3 triệu. Những người như chú mỗi ngày tăng thêm được chừng 10 ngàn đồng, sống, sinh hoạt ở thành phố số tiền này liệu có giúp ích được nhiều cho người hưởng lương, khi nỗi lo tăng giá có khi còn quá tăng lương vẫn đang lởn vởn tiến đến gần.
Đi làm việc tăng lương ai cũng vui, nhưng tăng lương cũng cần tăng năng suất, thái độ làm việc, chứng minh giá trị năng lực bản thân cũng được tăng lên cho tương xứng với tiền lương. Chứ tăng lương mà vẫn tiêu cực ca thán, chỉ rình ăn bớt thời gian thì đến bao giờ xã hội mới phát triển.
“Hãy cống hiến để được ghi nhận, đãi ngộ hơn là tự định giá rồi chê bai công việc, tiền lương” - Bố tôi từng nói với tôi như vậy.
Theo DĐDN