Sự trở lại của gia tộc Kennedy sau chuỗi bi kịch
Sự trở lại của gia tộc Kennedy sau chuỗi bị kịch |
Kennedy là gia tộc nổi tiếng ở Mỹ với sự giàu có và quyền lực chính trị. Sau khi rời quê hương Ireland vào những năm 1840, gia tộc Kennedy - bắt đầu với Patrick Joseph Kennedy (1858-1929) - xây dựng tương lai của họ và tham gia vào đảng Dân chủ ở Boston, Mỹ.
Với hai thế hệ sau, cái tên Kennedy mở rộng phạm vi chính trị đến cả tầm quốc gia và thế giới. Ông Joseph P. Kennedy Sr, con trai của Patrick Joseph Kennedy, từng đảm nhiệm chức Đại sứ Mỹ tại Anh trước Thế chiến II. Ông kết hôn với bà Rose Fitgerald, con gái của Thị trưởng thành phố Boston. Họ có 9 người con, trong đó có cố Tổng thống John F Kennedy (JFK).
Dòng họ Kennedy đã tạo ra một tổng thống, một bộ trưởng tư pháp, 4 thành viên của Hạ viện và Thượng viện, cùng một số quan chức khác trong chính phủ.
Nhiều người vẫn thường so sánh gia tộc Kennedy với các gia tộc danh giá khác như gia tộc Bush, Adams, xem họ là những gia tộc quyền thế nhất trong nền chính trị Mỹ.
Tuy nhiên, điều mà các thành viên trong dòng họ Kennedy không lường trước được đó là những bi kịch.
Chuỗi bi kịch
Chuỗi bi kịch bắt đầu từ 80 năm trước với cái chết ở tuổi 29 của phi công hải quân Mỹ Joseph P. Kennedy Jr, con trai cả nhà Kennedy, khi chiếc máy bay do ông điều khiển nổ tung trong lúc làm nhiệm vụ ném bom bí mật tại vùng Normandy (Pháp) trong Thế chiến II.
Bốn năm sau, vào ngày 13/8/1948, bà Kathleen Cavendish, người con thứ tư của nhà Kennedy, thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay tại Pháp khi mới 28 tuổi.
Người nổi tiếng nhất trong dòng họ Kennedy là tổng thống thứ 35 của nước Mỹ John F Kennedy (JFK). Ông bị ám sát vào trưa 22/11/1963 tại thành phố Dallas khi đang ngồi trên ô tô mui trần cùng Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kenedy.
Tổng thống John F Kennedy (JFK) bị ám sát khi đang ngồi trên xe mui trần cùng Đệ nhất phu nhân vào 22/11/1963 tại thành phố Dallas (Ảnh: AP). |
Hơn hai giờ sau khi Tổng thống JFK bị ám sát, Phó Tổng thống Lyndon Johnson đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 36 của nước Mỹ. Ông tuyên thệ trên chuyên cơ Không lực Một (Air Force One) tại sân bay Dallas Love Field khi máy bay chuẩn bị đưa thi hài Tổng thống JFK về Washington. Buổi tuyên thệ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ nghi thức này diễn ra trên Không lực Một.
JFK qua đời ở tuổi 46 tuổi khi mới giữ chức tổng thống 2 năm 10 tháng. Khi qua đời, ông để lại người vợ trẻ 34 tuổi, cùng một cô con gái 6 tuổi và một cậu con trai 3 tuổi. Vụ ám sát xảy ra chỉ vài tháng sau khi con trai hai ngày tuổi của ông qua đời vì chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Chưa đầy 5 năm sau cái chết của JFK, em trai ông là thượng nghị sĩ Robert F Kennedy (RFK), 42 tuổi, bị bắn tại một khách sạn ở Los Angeles vào ngày 5/6/1968 sau khi giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống sơ bộ ở California. Ông qua đời một ngày sau đó vì vết thương quá nặng.
RFK là một chính trị gia trẻ, thông minh, đầy nhiệt huyết và rất kiên định. Nhiều người thậm chí coi ông là nhân vật duy nhất trong chính trường Mỹ có khả năng đoàn kết mọi tầng lớp xã hội. Ông được các cộng đồng thiểu số Mỹ, bao gồm cả người nhập cư, người da màu đặc biệt yêu quý vì sự tận tâm và nỗ lực thúc đẩy các đạo luật bảo vệ dân quyền.
Sau khi thắng trong các vòng bỏ phiếu sơ bộ ở bang California, RFK dự kiến sẽ chính thức được đề cử là ứng viên của đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng cùng đối thủ Richard Nixon thuộc đảng Cộng hòa. Những người ủng hộ đều hy vọng, ông sẽ là người kế tục xứng đáng truyền thống dòng họ Kennedy và có thể hoàn thành những giấc mơ còn dang dở của anh trai nếu đắc cử chức tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, vụ ám sát đã dập tắt những hy vọng này.
Sau những biến cố liên tục của gia đình, ông Ted Kennedy, con trai út của nhà Kennedy, trở thành người gánh vác trách nhiệm tiếp nối truyền thống của gia đình, viết tiếp giấc mơ tổng thống của hai người anh quá cố. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông gần như tiêu tan sau khi vướng lùm xùm liên quan đến một vụ lái xe gây chết người. Năm 1971, ông ta thậm chí không đắc cử để trở thành lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân chủ trong Thượng viện. Mãi đến năm 1980 ông mới ra tranh cử tổng thống nhưng không giành được đề cử của đảng Dân chủ.
Một bi kịch nữa của dòng họ Kennedy là Rosemary Kennedy, em gái của JFK. Từ nhỏ, Rosemary đã bộc lộ các dấu hiệu bất thường về trí tuệ.
Sau này, do lo sợ vấn đề của Rosemary cản trở sự nghiệp chính trị của dòng họ, nhà Kennedy quyết định phẫu thuật mở thùy não cho cô. Thời điểm đó, phẫu thuật mở thùy não được cho như phương pháp chữa trị hàng loạt các vấn đề tinh thần.
Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật thất bại, khiến khả năng nhận thức của cô gái 23 tuổi Rosemary chỉ còn như đứa trẻ hai tuổi. Cô trở thành người sống phụ thuộc, cần được chăm sóc 24/7, chỉ nói được vài từ và chân tay không thể cử động linh hoạt. Rosemary sống tiếp phần đời còn lại một cách bí mật trong bệnh viện tâm thần. Nhà Kennedy tìm cách che giấu cô để tránh bị các đối thủ chính trị phát hiện.
Bi kịch chưa dừng lại ở 9 người con của nhà Kennedy, mà tiếp tục đeo bám đến thế hệ sau. Năm 1984, David Kennedy, con trai của ông RFK, chết trong phòng khách sạn ở Florida do sốc thuốc. Năm 1997, một người con trai khác của ông thiệt mạng trong một tai nạn trượt tuyết ở tuổi 39. Năm 1999, John F Kennedy Jr (38 tuổi), con trai cố Tổng thống JFK, và vợ tử nạn khi chiếc máy bay hạng nhẹ do ông điều khiển lao xuống Đại Tây Dương.
Thượng nghị sĩ Ted Kennedy, em trai của JFK, từng đặt ra câu hỏi: "Liệu thực sự có lời nguyền đeo bám các thành viên gia đình Kennedy hay không".
Edward Klein, tác giả một cuốn sách viết về gia tộc Kennedy, cũng đưa ra nhận định, gần như mỗi khi một thành viên gia tộc Kennedy sắp đạt được mục đích hay tham vọng của mình thì họ sẽ phải trả giá rất đắt.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không có yếu tố siêu nhiên trong những vụ này và việc một đại gia đình trải qua nhiều bi kịch không phải quá hy hữu. Theo chuyên gia tâm lý Melody Masi, bi kịch tương tự có thể cũng xảy ra với nhiều gia đình khác nhưng ít người biết đến vì họ không nổi tiếng như gia tộc Kennedy.
Hai vụ ám sát bí ẩn
Bi kịch khiến nhiều người quan tâm nhất là hai vụ ám sát anh em nhà Kennedy. Đến nay, 60 năm kể từ khi vị Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ bị ám sát, bí ẩn vẫn bao trùm dù hàng trăm nghìn tài liệu đã được giải mật.
Liên quan đến vụ ám sát JFK, cựu lính thủy đánh bộ Lee Harvey Oswald bị buộc tội dùng súng bắn tỉa để đoạt mạng người đứng đầu chính phủ từ cửa sổ tầng 6 trong một tòa nhà gần đó. Tuy nhiên, người Mỹ không tin rằng, một mình Oswald có thể hạ sát Tổng thống.
Hai ngày sau đó trên đường chuyển trại giam, Oswald bị một chủ quán bar tên Jack Ruby bắn chết. Jack Ruby tiếp tục bị kết án tử hình nhưng đã chết ở trong tù. Vụ án tiếp tục rơi vào ngõ cụt với những bí ẩn đến nay chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Các nhà điều tra đã đặt ra hàng chục giả thuyết về kẻ thực sự đứng đằng sau âm mưu sát hại JFK. Nhiều người tin rằng, cái chết của JFK liên quan tới quyết định của ông trong sự kiện Vịnh con Heo. Năm 1961, chính quyền Kennedy đã đồng ý giúp đỡ những người Cuba sống lưu vong trong việc hạ bệ chính quyền Cuba, nhưng đến phút cuối, ông lại rút lực lượng yểm trợ về và từ chối giúp đỡ. Ngoài ra, việc đẩy mạnh cải cách, thanh trừng các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ ám sát.
Thậm chí, nhiều người đưa ra giả thuyết vụ ám sát JFK là do một hoặc một vài cơ quan của chính phủ Mỹ như Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hay Cục dự trữ Liên bang (FED) gây ra. Động cơ có thể xuất phát từ những thay đổi của Tổng thống nhằm hạn chế quyền lực của các cơ quan này.
Bí ẩn nối tiếp bí ẩn, trong khi nhiều người đặt ra câu hỏi liệu thủ phạm ám sát JFK thực sự là ai thì không ít người thắc mắc điều gì đã xảy ra với bộ não của ông khi nó đột nhiên biến mất khỏi Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. Mặc dù thi thể của ông được an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, nhưng bộ não của ông đã mất tích từ năm 1966.
Những người theo thuyết âm mưu cho rằng bộ não của JFK nắm giữ sự thật về cái chết của ông. Về mặt chính thức, khám nghiệm tử thi cho thấy Tổng thống bị bắn 2 phát từ phía trên và phía sau. Điều này phù hợp với kết luận Lee Harvey Oswald đã bắn chết Tổng thống từ tầng 6 của Kho lưu ký Sách Texas. Tuy nhiên, theo một thuyết âm mưu, bộ não của JFK chỉ ra điều ngược lại rằng Tổng thống đã bị bắn từ phía trước, củng cố cho giả thuyết có một sát thủ khác ngoài Lee.
Đó có thể là lý do bộ não bị đánh cắp, song cũng có ý kiến cho rằng, người đánh cắp không ai khác ngoài RFK, người em trai xấu số của JFK. Theo James Swanson, tác giả một cuốn sách viết về vụ ám sát JFK, ông RFK muốn mang bộ não đi để "che giấu bằng chứng về mức độ thực sự tình trạng bệnh tật của Tổng thống Kennedy, hoặc có lẽ để che giấu bằng chứng về số lượng thuốc mà Tổng thống đang dùng".
Tổng thống Kennedy có rất nhiều vấn đề về sức khỏe mà ông giấu công chúng. Ông cũng đã dùng nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống lo âu, chất kích thích, thuốc ngủ và hormone vì tình trạng suy giảm chức năng tuyến thượng thận nguy hiểm của mình.
Theo Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ, đến nay, khoảng 98% tài liệu liên quan đến vụ ám sát chấn động năm 1963 đã được giải mật, trong đó chỉ 3% hồ sơ được chỉnh sửa toàn bộ hoặc một phần, nhưng người ta vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời cho những bí ẩn đó.
Em trai Tổng thống JFK, ông Robert F Kennedy, bị ám sát năm 1968 trong một sự kiện ăn mừng chiến thắng bầu cử tổng thống sơ bộ ở Los Angeles, California năm 1968 (Ảnh: Politico). |
Vụ ám sát em trai RFK cũng chứa đựng nhiều bí ẩn. Thủ phạm sát hại ông được xác định là Sirhan Sirhan, 24 tuổi, một người Palestine. Khi giới chức trách khám xét nhà anh ta, họ tìm thấy một cuốn nhật ký với dòng chữ "RFK phải chết" được viết đi, viết lại nhiều lần.
Quá trình điều tra kết thúc khá chóng vánh với kết luận Sirhan là thủ phạm duy nhất của vụ án. Về động cơ gây án, theo báo New York Times, hung thủ sau này tiết lộ, hắn tin RFK có liên quan đến việc đàn áp người Palestine.
Tại tòa án, Sirhan đã thú nhận mọi tội lỗi. Hắn bị tuyên án tử hình vào ngày 3/3/1969, nhưng do bang California đã bãi bỏ án tử hình vào năm 1972, nên Sirhan trải qua phần còn lại trong nhà tù.
Mặc dù vậy, một số thông tin được tiết lộ sau này đã cho thấy nhiều điểm nghi vấn về vụ ám sát. Ví dụ, vào thời điểm đó có tới 10 phát đạn được bắn đi, trong khi khẩu súng của Sirhan chỉ có một băng đạn 8 viên. Ngoài ra, theo khám nghiệm tử thi, vết thương trên trán RFK bắt nguồn từ một viên đạn được bắn ra ở cự lý rất gần, có vẻ như dí sát vào đầu ông. Trong khi đó, các nhân chứng tại hiện trường cho hay, lúc gây án, Sirhan đứng cách thượng nghị sĩ Kenedy ít nhất 1m.
Trở lại chính trường
Gần 60 năm sau khi ông RFK bị ám sát trong lúc vận động tranh cử tổng thống, con trai ông, Robert F Kennedy Jr, thông báo sẽ chạy đua vào Nhà Trắng, đánh dấu sự trở lại chính trường của gia tộc Kennedy. Điều này cũng đồng nghĩa ông là thành viên thứ 4 của gia tộc Kennedy tham gia cuộc đua này. Ông sẽ cạnh tranh với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden để giành đề cử ứng viên của đảng Dân chủ.
Ông Robert F Kennedy Jr chính thức phát động chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 trong một sự kiện hôm 19/4 ở bang Massachusetts. Chiến dịch của ông tập trung vào các mục tiêu xây dựng chính phủ trong sạch, quyền tự do dân sự, hòa bình và phục hồi kinh tế.
Ông Robert F Kennedy Jr tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ 2024 (Ảnh: AP). |
Trong một bài đăng trên Twitter hồi tháng 2, ông từng viết: "Nếu tôi tranh cử, ưu tiên hàng đầu sẽ là chấm dứt sự kết hợp tham nhũng giữa chính phủ và doanh nghiệp đã hủy hoại nền kinh tế của chúng ta, làm đảo lộn tầng lớp trung lưu, làm ô nhiễm cảnh quan và nguồn nước, đầu độc con cái chúng ta và cướp đi các giá trị và quyền tự do của chúng ta".
Ông cam kết sẽ "làm cho càng nhiều người Mỹ càng tốt, giúp họ quên rằng họ là thành viên đảng Cộng hòa hay Dân chủ, mà chỉ nhớ là người Mỹ". Ông Kennedy cũng chỉ trích việc kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến, cho rằng hành động này "không chỉ đi ngược lại các giá trị cơ bản nhất của chúng ta, mà còn phản tác dụng ở chỗ nó châm ngòi cho sự phân cực, xa lánh và giận dữ".
Về lĩnh vực kinh tế, ông có quan điểm cứng rắn về vấn đề nợ công, lạm phát, chỉ trích việc chính phủ vay nợ để cấp ngân sách cho các cuộc chiến, các gói cứu trợ và phong tỏa trong đại dịch.
Ông Robert F Kennedy Jr sinh năm 1954. Cha ông bị ám sát khi ông mới 14 tuổi. Ông theo học ngành luật môi trường, từng có thời gian học tại Đại học Harvard và trường Kinh tế London. Là người đồng sáng lập một công ty luật về môi trường, ông Kennedy đã giành được nhiều lời khen ngợi khi vận động cho các vấn đề như nước sạch, phản đối sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ông từng được tạp chí Times vinh danh là một trong những "người hùng của hành tinh".
Tuy nhiên, quan điểm chống vaccine của ông lại gây ra phản ứng gay gắt kể cả từ chính những thành viên trong gia đình ông. Họ cho rằng quan điểm của ông là "sai lầm thảm hại" và gây ra "hậu quả chết người".
Ông Kennedy từ lâu đã tham gia vào phong trào chống vaccine, những nỗ lực này càng rõ rệt trong thời gian đại dịch Covid-19. Ông đã có lúc sử dụng di sản của gia đình mình trong công việc chống vaccine của mình, bao gồm cả việc đôi khi sử dụng hình ảnh của cố Tổng thống JFK.
Các chuyên gia cho biết tổ chức của ông Kennedy đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật, nhắm vào các nhóm dễ mất lòng tin vào vaccine, bao gồm cả các bà mẹ và người Mỹ da màu.
Sky News nhận định, chiến dịch tranh cử của ông Robert F Kennedy Jr khó đi được xa. Trong khi đó, trang tin Vanity dẫn một thuyết âm mưu cho rằng, chiến dịch của này chủ yếu nhằm gây thêm thách thức cho ông Biden ở vòng bầu cử sơ bộ.
Theo Dân trí
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ