Sự ra đời của một “nghịch tử”!
Nếu tập hợp toàn bộ hồ sơ để Tòa nhà 8B Lê Trực hiện hữu như hiện nay thì có thể nhận xét rằng, không có nhiều dự án đầy đủ các văn bản pháp lý như thế. Và cũng rất có thể sự liệt kê dưới đây khiến bạn đọc nhàm chán, nhưng chính những văn bản có tính pháp lý này đã khiến các cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội lúng túng suốt 4 - 5 năm trời, không xử lý được.
Công ty CP May Lê Trực vốn là một xưởng may của Công ty May Chiến Thắng, một DNNN trăm phần trăm, được cổ phần hóa. Tại Quyết định số 68/1999/QĐ-BCN ngày 20/10/1999 của Bộ Công nghiệp, công ty ra đời và làm ăn rất vất vả.
Thực hiện chủ trương của thành phố về việc chuyển các cơ sở sản xuất ra ngoại thành, đồng thời tái cấu trúc cơ cấu kinh doanh, May Lê Trực đã lập phương án cải tổ, và được UBND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại nhà số 8B Lê Trực theo Văn bản số 4335/UBND-NNĐC ngày 9/8/2007. Kể từ ngày này, lô đất được trở thành đất sử dụng hỗn hợp, làm Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê. Tổng diện tích khu đất là 5.683,5m2, nhưng khi xây dựng dự án và theo yêu cầu mở đường của thành phố, May Lê Trực đã đồng ý hiến 1.941,82m2 đất mà không nhận tiền đền bù.
Kể từ khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, mặc dù biết rằng khu đất nằm ngoài chỉ giới khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình nhưng May Lê Trực đã rất cẩn trọng, bởi biết đây là khu vực nhạy cảm, đặc biệt là độ cao công trình. Ngày 18/12/2007, Công ty có văn bản xin ý kiến Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) và nhận được Văn bản số 82/TM-Tg1 ký ngày 16/1/2008 chấp nhận “độ cao tĩnh không tối đa của công trình nêu trên là 70m trên cốt đất 7,0m”.
Một năm sau, ngày 05/12/2008, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã ký Quyết định số 2452/QĐ-UBND về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường tỷ lệ 1/500 tại lô đất này. Theo đó, chiều cao công trình không vượt quá 70m và số tầng không quá 20 tầng.
Với người dân bình thường có thể không hiểu kỹ càng nhưng với những người trong nghề sẽ hiểu rằng, Quyết định số 2452/QĐ-UBND này của UBND TP. Hà Nội là văn bản quy phạm pháp luật, mọi quy định của văn bản này sẽ “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”, trừ khi có những văn bản ở cấp cao hơn bãi bỏ.
Ngày 9/1/2009, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội có văn bản về việc Cấp số liệu kỹ thuật tại dự án số 8B Lê Trực.
Ngày 16/3/2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 499/QHKT-P3 về việc Chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc dự án tại số 8B phố Lê Trực. Theo đó, tổng diện tích khu đất 5.683,5m2 (trong đó, 1.941,82m2 đất để mở đường của thành phố; 3.741,68m2 là đất dự án). Tại văn bản này xác định: “Khối cao tầng có khối đế 5 tầng, khối tháp 17 tầng (tính cả chiều cao khối đế) và 2 tầng kỹ thuật, 3 tầng hầm”. Tổng chiều cao công trình là 69,1m (tính từ độ cao sàn tầng 1 đến đỉnh mái).
Ngày 25/3/2009, Công an TP. Hà Nội ra Văn bản số 127/CVDA/PC23(TH) về việc Thẩm duyệt về PCCC công trình.
Ngày 1/4/2009, Công ty điện lực thành phố ký Văn bản thỏa thuận số 2491/ĐLHN-P04 về việc cấp điện cho dự án.
Ngày 2/4/2009, Công ty THHH Nhà nước MTV thoát nước thành phố ký Văn bản thỏa thuận số 318/TNHN về việc thoát nước cho dự án.
Ngày 3/4/2009, Công ty THHH Nhà nước MTV nước sạch thành phố ký Văn bản thỏa thuận số 527/NSHN-KT về việc cấp nước cho dự án.
Bên cạnh đó là các bản Thuyết minh dự án đầu tư xây dựng, Thuyết minh thiết kế cơ sở, Bản vẽ thiết kế cơ sở dự án do Công ty tư vấn Đại học Xây dựng (CCU) thực hiện.
Còn nữa là Báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình dự án do Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) thực hiện.
Chưa hết, ngày 7/4/2009, Sở Xây dựng Hà Nội ra Văn bản số 2154/SXD-TĐ thông báo Kết quả thẩm định thiết kế cở sở. Theo đó, Sở đã xác định tất cả các văn bản nêu trên là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó là một số khuyến nghị có tính kỹ thuật nhằm lưu ý và yêu cầu chủ đầu tư cần thực hiện trong quá trình triển khai dự án (ảnh văn bản 3).
Ngỡ là với một hàng rào pháp lý dày đặc ấy, dự án Tòa nhà 8B Lê Trực sẽ “xuôi chèo mát mái”, nhưng không phải, mọi rủi ro của nó vẫn đang ở phía trước.
Khi Tòa nhà 8B Lê Trực đang xây dựng dở dang thì ngày 24/3/2014, Sở Xây dựng Hà Nội phát hành Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD cho dự án mà không có một dòng căn cứ nào.
Sau gần 5 năm lưu hành, qua sóng gió khiếu kiện của cả người dân và doanh nghiệp lên các cấp có thẩm quyền, thậm chí tại nhiều phiên chất vấn của Quốc hội, thì có thể nhận xét, đây là một “nghịch tử” trong toàn bộ các văn bản hồ sơ pháp lý của dự án 8B Lê Trực bởi lẽ, nó vô hiệu các văn bản cấp cao sinh ra nó; nó đơn phương hủy hoại những văn bản đồng cấp với nó; nó phủ định tất cả những kết luận của quá khứ nơi sinh ra nó; nó làm đảo lộn thông tin khiến mọi sự việc rối bời suốt hơn 5 năm qua, khiến nhiều cấp chính quyền đều bất lực, khiến người dân và doanh nghiệp lao đao, khốn khổ.
Có lẽ không ít bạn đọc sẽ ngỡ ngàng về nhận xét trên đây nhưng theo dõi sự việc trong những năm này và với những chứng cứ có trong tay, chúng tôi hoàn toàn có thể chứng minh được điều đó.
Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường tỷ lệ 1/500 tại lô đất này đã thỏa mãn yêu cầu trên nên Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD kia đã không có môi trường pháp lý để tồn tại.
Trong Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD quy định, Tòa nhà 8B Lê Trực phải điều chỉnh công trình này xuống 18 tầng, chiều cao công trình 53m (!?). Vấn đề cần quan tâm ở đây là, tại sao một văn bản có tính hành chính lại có thể phủ nhận một văn bản có tính quy phạm pháp luật? Một ông Giám đốc Sở lại phủ quyết quyết định của Chủ tịch thành phố?
Chưa hết, nó còn bất chấp một văn bản quy phạm pháp luật khác nữa cao cấp hơn nó, đó là các tiêu chuẩn trong Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành TCXDVN 323:2004 "Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế".
Tại tiêu chuẩn 6.2.4.12 quy định: Chiều cao thông thủy các phòng ở không được nhỏ hơn 3m và không được lớn hơn 3,6m. Chú thích: Chiều cao thông thủy là chiều cao từ mặt sàn đến mặt dưới của trần.
Về GPXD này, công trình được cấp phép chiều cao là 53m và 18 tầng nổi, có 4 tầng hầm. Chiều cao bình quân của các tầng là 2,94m (53m: 18 tầng = 2,94m). Trừ đi chiều dày bê tông dầm sàn, trần 0,6m, chiều cao thông thủy của một tầng chỉ còn khoảng 2,36m(!?).
Cho dù là văn bản cấp trên, cả cấp hành chính lẫn cấp chuyên ngành, đều bị một văn bản cấp dưới vô hiệu, quả thật không ai nghĩ đó lại là sự thật!
Như phần trên đã nói, ngày 16/3/2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 499/QHKT-P3 về việc Chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc dự án tại số 8B phố Lê Trực. Tại văn bản này xác định: “Khối cao tầng có khối đế 5 tầng, khối tháp 17 tầng (tính cả chiều cao khối đế) và 2 tầng kỹ thuật, 3 tầng hầm”. Tổng chiều cao công trình là 69,1m (tính từ độ cao sàn tầng 1 đến đỉnh mái).
Vậy với quyền hạn nào, căn cứ nào mà Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD của Sở Xây dựng Hà Nội lại có thể phủ quyết những thông số trong Văn bản số 499/QHKT-P3 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc?
Như phần trên đã nêu, ngày 7/4/2009, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra Văn bản số 2154/SXD-TĐ thông báo Kết quả thẩm định thiết kế cở sở. Theo đó, Sở đã xác định tất cả các văn bản nêu trên là phù hợp với các quy định hiện hành, trong phần những lưu ý, yêu cầu đối với chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế có đoạn viết: “Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở, Chủ đầu tư cần gửi hồ sơ về Sở Xây dựng để xác nhận và lưu trữ trước khi phê duyệt dự án đầu tư. Các bước thiết kế tiếp theo do chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt (sau khi dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) nhưng không được trái với thiết kế cơ sở đã được thẩm định”.
Vậy lý gì mà 5 năm sau, ngày 24/3/2014, Sở Xây dựng Hà Nội lại phát hành Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD cho dự án với các thông số hoàn toàn “trái với thiết kế cơ sở đã được thẩm định” mà mình đã nghiêm cấm trước đó?
Cho đến nay, nhiều cấp chính quyền cũng như người dân vẫn cho rằng Dự án 8B Lê Trực đã bất chấp Giấy phép xây dựng, đã xây vượt 2 tầng và vượt cao thêm 16,1 mét. Nhưng thực chất, Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD đã cấp thiếu cho dự án 2 tầng và 16,1m về chiều cao. Sự đảo lộn này đã khiến việc xử lý sai phạm của tòa nhà trở nên rối rắm và lâm vào cảnh bế tắc suốt hơn 5năm qua, hành hạ người dân và doanh nghiệp “lên bờ xuống ruộng” mà không có ai đứng ra có câu trả lời thỏa đáng.
Đúng như nhận xét của TS. Phạm Gia Yên, khi đó đương chức Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng: “Do việc báo cáo của các cấp dưới chưa đúng sự thật đã dẫn đến quyết định của cấp trên chưa chuẩn xác về mặt pháp luật. Vì vậy, việc xử lý này đã kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại kinh tế của đất nước và nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Sự thiệt hại này có thể cấu thành tội phạm để khởi tố thành vụ án hình sự”.
ĐBQH Phạm Văn Hoà: “Nếu doanh nghiệp đặt vấn đề là cấp giấy phép sai, thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc làm rõ để đảm bảo xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân ra sao, để trả lời cho công luận:
Thứ nhất, đối với công trình miễn phép ở đây thì Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt là 20 tầng với chiều cao công trình là 70m, nhưng GPXD lại cấp chỉ có 18 tầng với chiều cao công trình là 53m. Như vậy, phải xem xét huy bỏ GPXD để doanh nghiệp có căn cứ đúng để thực hiện, tránh nhầm lẫn đúng sai;
Thứ hai, đối với công trình phải cấp phép xây dựng mà cấp phép sai với Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt thì phải điều chỉnh lại giấy phép cho phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện đúng”
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Vụ việc 8B Lê Trực là câu chuyện giữa chính quyền và doanh nghiệp nhưng ở đây người mua nhà lại là nạn nhân, họ đang phải đứng ra chịu trách nhiệm.
Vấn đề này tôi đã có kiến nghị chuyển đơn tới Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Tôi cho rằng cần xem xét lại việc cắt ngọn dự án 8B Lê Trực. Người ta nói rằng sai phạm nên phải cắt ngọn, tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ tôi thấy rằng, nguyên nhân là do nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có 1 quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất này trong đó cho phép xây dựng không quá 69m.
Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc Phòng cũng có văn bản yêu cầu xây dựng không quá 70m. Mặt khác, dự án này đã có quy hoạch 1/500, trong giai đoạn này theo quy định của pháp luật thì thuộc diện không phải cấp phép. Vậy vì sao Sở Xây dựng lại cấp phép xây dựng 53m cho 18 tầng, đó là điểm tôi vẫn băn khoăn và đề nghị làm rõ vấn đề này”.
Theo //reatimes.vn
reatimes.vn
-
Hà Nội cắt xong tầng 18 nhà 8B Lê Trực, cho giữ lại phần giật cấp sai phép
-
Phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực: Người mua nhà tầng 17, 18 nói gì?
-
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội xử lý dứt điểm dự án 8B Lê Trực
-
Hiến kế xử lý Tòa nhà 8B Lê Trực!
-
Nhiều cựu chiến binh không đồng tình việc mời bộ đội tháo dỡ nhà 8B Lê Trực
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam