Sử dụng hiệu quả năng lượng tại các nhà máy chế biến dầu khí
Tham dự kỳ họp có đại diện Vụ Năng lượng, Vụ Công nghiệp Văn phòng Chính Phủ. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đồng chí Đinh Văn Sơn - Thành viên HĐTV Tập đoàn, đồng chí Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc, Trưởng Tiểu ban Hóa - Chế biến Dầu khí Tập đoàn; cùng các chuyên gia, nhà khoa học lão thành trong ngành Dầu khí cùng 44 thành viên của tiểu ban.
GS. TSKH Hồ Sĩ Thoảng phát biểu tại kỳ họp |
Hiện nay, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu, khí thải ngày càng cao và sự thay đổi thị trường các sản phẩm lọc hóa dầu khiến các nhà máy lọc hóa dầu (NMLHD) phải điều chỉnh, nâng cấp để phù hợp với tiêu chí hiệu quả hơn, sạch hơn. Trong đó, thị trường nhiên liệu cho các phương tiện giao thông sẽ ngày càng sụt giảm do sự cạnh tranh bởi sự phát triển của xe điện, các loại nhiên liệu sạch...
Trong bối cảnh đó, xu hướng nâng cao hiệu quả hoạt động và sử dụng năng lượng có hiệu quả là yêu cầu thiết yếu để các NMLHD có thể tồn tại và cạnh tranh. Theo kinh nghiệm của các tổ chức, cơ quan trên thế giới, các hoạt động tối ưu tiết giảm năng lượng có thể nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng các NMLHD lên tới 10-20%. Các hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm năng lượng gồm có: Tìm kiếm nguồn năng lượng giá rẻ; tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị cao và tối ưu, tiết kiệm năng lượng.
Trong đó, việc tối ưu hóa hệ thống tiết giảm năng lượng tại các NMLHD cần thực hiện như: Thu hồi năng lượng thừa, tối ưu hệ thống hơi, tối ưu quá trình/thiết bị trao đổi nhiệt…
Đồng chí Đinh Văn Sơn - Thành viên HĐTV Tập đoàn phát biểu tại kỳ họp |
Tại các NMLHD và nhà máy sản xuất phân bón của PVN, công tác tối ưu hóa được thực hiện liên tục bằng hằng trăm giải pháp, hàng chục công trình nghiên cứu ứng dụng, thu lợi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Đơn cử như NMLHD Dung Quất, từ năm 2013 đến nay, chỉ số EII (tỷ lệ giữa tiêu thụ năng lượng thực tế và năng lượng tiêu chuẩn của NMLD) liên tục được cải thiện qua từng năm. Nếu trong hai năm 2013-2014 chỉ số EII rơi vào khoảng 118%, đến năm 2018 chỉ còn 103,6%. Tương tự là hai Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy Đạm Phú Mỹ từ năm 2014-2018 cũng lần lượt giảm tiêu thụ năng lượng là 3 và 1,8%. Theo ước tính của các nhà khoa học, chỉ cần giảm 1% năng lượng tiêu thụ của mỗi nhà máy sẽ đem lại hàng triệu USD lợi nhuận.
Tại kỳ họp này, Tiểu ban Hóa - Chế biến Dầu khí đã được giới thiệu 5 tham luận rất hấp dẫn, công phu gồm: Hiện trạng sử dụng năng lượng tại các nhà máy chế biến dầu khí của PVN; Xu hướng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực Chế biến dầu khí và Kế hoạch phát triển của PVN; Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho Nhà máy Đạm Cà Mau; Kinh nghiệm tối ưu hóa năng lượng trong quá trình sản xuất tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại NMLHD Dung Quất.
Đồng chí Lê Xuân Huyên tổng kết nhiệm kỳ 2017-2019 của Tiểu ban Hóa - Chế biến Dầu khí |
Các nhà khoa học, cán bộ các đơn vị trong lĩnh vực Chế biến dầu khí đã có nhiều câu hỏi, tranh luận về các khía cạnh kỹ thuật, phát hiện nhiều đề tài, ứng dụng mới có thể thực hiện tại đơn vị của mình. Đặc biệt là kinh nghiệm xử lý sự cố, vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ của diễn giả Nguyễn Duy Hiếu được rất nhiều chuyên gia vận hành các nhà máy thảo luận, tham khảo. Các nhà khoa học, lãnh đạo lão thành của Tập đoàn như GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, đồng chí Hoàng Xuân Hùng - nguyên Phó Chủ tịch HĐTV PVN đã phát biểu gợi mở rất nhiều vấn đề có tính chiến lược trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ngành Dầu khí.
Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Đinh Văn Sơn đánh giá rất cao các công trình nghiên cứu của tập thể, cá nhân các đơn vị trong nhiều năm qua. Đồng chí Đinh Văn Sơn bày tỏ tâm đắc với những đúc kết tại kỳ họp trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật dầu khí, nhấn mạnh các nhân tố đó là “sự đam mê, tính khoa học ứng dụng và và sự ủng hộ của lãnh đạo”. Đồng chí Đinh Văn Sơn cũng khẳng định xu hướng năng lượng sạch là xu hướng bắt buộc của thế giới, chính vì vậy các đơn vị, nhà máy của Tập đoàn phải luôn tập trung, dồn nguồn lực để liên tục nâng cao hiệu quả quản trị năng lượng, điều này không chỉ đem lại lợi nhuận cho các đơn vị mà còn là sự sống còn của doanh nghiệp, Tập đoàn.
Các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia trong lĩnh vực Hóa - Chế biến Dầu khí chụp ảnh lưu niệm |
Kỳ họp thứ VI cũng là kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ 3 năm của Tiểu ban Hóa - Chế biến Dầu khí, các thành viên trong Tiểu ban đã cùng thảo luận chương trình nghiên cứu dài hạn của Tập đoàn giai đoạn 2020-2025 trong lĩnh vực Hóa - Chế biến Dầu khí và Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2017-2019.
Thay mặt các thành viên trong Tiểu ban, đồng chí Lê Xuân Huyên đã tổng kết hoạt động của Tiểu ban qua 6 kỳ họp, nội dung phong phú, các công trình nghiên cứu có tính thiết thực, hiệu quả đối với từng đơn vị. Đồng chí Lê Xuân Huyên khẳng định: Các kỳ họp đã trở thành diễn đàn thường xuyên với hàm lượng khoa học cao, là nơi để các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia trong ngành có thể trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin về lĩnh vực Hóa - Chế biến Dầu khí. Các kỳ họp đã có tính lan tỏa, không chỉ trong những cán bộ có chuyên môn sâu mà còn được lãnh đạo các đơn vị hưởng ứng, đồng hành.
Thành Công
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên