Siêu ủy ban quản lý 1,5 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước: Phải có "củ cà rốt” và “cây gậy"
Giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 doanh nghiệp chuyển giao về "siêu uỷ ban" trên 820.000 tỷ đồng. |
“Siêu ủy ban” sẽ hoạt động vào tháng 10
Tại một cuộc họp diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Uỷ ban quản lý vốn nhà nước (Tổ công tác 66) đề nghị các bộ, ngành liên quan vận dụng tối đa các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho Uỷ ban sớm hoạt động vào tháng 10/2018.
Về vấn đề này, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, từ khi thành lập Uỷ ban tới nay, các cán bộ lãnh đạo và biệt phái đã dự thảo 44 quy chế hoạt động nội bộ và liên ngành. Một số quy chế đang xin ý kiến các bộ, ngành nhưng cơ bản đã xong và sẵn sàng vận hành hoạt động của Uỷ ban khi dự thảo Nghị định có hiệu lực.
Với khối lượng công việc lớn như vậy, ông Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành cử thêm cán bộ biệt phái để tiếp nhận 19 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) về Uỷ ban trong thời gian tới và có thể ra mắt Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm nhất vào đầu tháng 10.
Liên quan tới dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dự thảo Nghị định đã quy định rõ nguyên tắc Uỷ ban chỉ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, không thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp do các Bộ quản lý ngành thực hiện.
Trong mối quan hệ với doanh nghiệp, “siêu Uỷ ban” chỉ thực hiện các quyền, trách nhiệm theo đúng quy định, không thực hiện những vấn đề thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp trong lĩnh vực điều hành, quản trị kinh doanh.
Về chế độ tiền lương, phụ cấp của lãnh đạo Uỷ ban, lãnh đạo các đơn vị thuộc Uỷ ban, dự thảo Nghị định quy định: “Các chức danh lãnh đạo Uỷ ban, lãnh đạo các đơn vị thuộc Uỷ ban được hưởng chế độ tương đương các chức danh lãnh đạo cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc cơ quan ngang Bộ” để tạo động lực cho bộ máy thực thi công việc (trong khi Uỷ ban được quy định là cơ quan trực thuộc Chính phủ).
"Cây gậy" và "củ cà rốt"
Nói về sự ra đời của "siêu uỷ ban", TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết ông nhìn thấy tâm lý chần chừ, phân vân của những người đang trong trạng thái chuyển đổi từ các Bộ chuyên ngành về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
"Dù về lý thuyết, sự chuyển giao nguyên trạng sẽ ít mang lại xáo trộn, nhưng tâm lý chờ đợi, không muốn thực hiện khi chưa biết chắc sẽ về đâu trong các DNNN là có", ông Cung nói.
Giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 doanh nghiệp chuyển giao về "siêu uỷ ban" làm đại diện chủ sở hữu là trên 820.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp gần 1,5 triệu tỷ đồng. Điều này tương đương Uỷ ban nắm giữ gần 50% giá trị vốn nhà nước và tài sản của khu vực DNNN.
Vị chuyên gia cho rằng, để vận hành được hệ thống quản lý, giám sát thì phải có đổi mới thật sự. Bởi nếu chỉ áp dụng quy tắc cứng nhắc như với công chức, coi cơ quan đại diện chủ sở hữu như là một cơ quan quản lý nhà nước thì có thể sẽ không đạt mục tiêu quản lý hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.
“Thẩm quyền của ủy ban này phải mạnh hơn, vừa phải có "củ cà rốt" và cả "cây gậy" mạnh thì mới thực hiện được. Nếu không tạo những điều kiện, công cụ, quyền lực, nhân lực và động lực thì sẽ có những hạn chế và sẽ không đạt được kỳ vọng”, ông Cung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, báo cáo của CIEM chỉ ra rằng, hiện tại vẫn chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ và cập nhật về vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và danh mục đầy đủ các doanh nghiệp có vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước trên bình diện quốc gia cũng như trong phạm vi quản lý của từng cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Điều này dẫn tới tình trạng cơ quan đại diện chủ sở hữu không có đủ thông tin để giám sát, cảnh báo rủi ro và điều chỉnh chính sách kịp thời. Như vậy, hậu quả có thể bắt gặp là vốn nhà nước không đựợc tận dụng, thậm chí bị bỏ qua, gây lãng phí, đặc biệt tại doanh nghiệp đa sở hữu.
Để quản lý tốt và phát triển số tài sản này, không đi vào những vết xe đổ thất thoát tiền của Nhà nước như từng diễn ra trong quá khứ, CIEM đề xuất "Siêu uỷ ban" cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng kinh tế số để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu.
"Ngoài ra, Uỷ ban còn cần xây dựng đội ngũ chuyên gia phân tích, đánh giá có chuyên môn và năng lực phù hợp để có thể đưa ra các quyết định kịp thời, hợp lý, trước hết là các phân tích cảnh báo, ngăn ngừa các nguy cơ gây thất thoát, mất vốn nhà nước, các dự án kém hiệu quả", ông nói thêm.
Theo Dân trí
Cổ phần hóa PV Power, BSR và PVOIL thu về thặng dư cho Nhà nước khoảng 7.450 tỷ đồng |
Chủ tịch Vinachem thừa nhận kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn vốn Nhà nước |
-
Xem xét lại phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Những mục tiêu quan trọng tại dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
-
5 tháng đầu năm, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn 316 triệu USD
-
DNNN phải gửi báo cáo tài chính năm 2022 trước ngày 15/5/2023
-
Vốn nhà nước tại “Big 4” ngân hàng quốc doanh được bảo toàn
-
Bộ Công Thương phát động Cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương
-
Giá vàng hôm nay (31/10): Đồng loạt tăng
-
Cần hiểu đúng và đủ về áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Giá vàng hôm nay (30/10): Tiếp đà tăng mạnh
-
Những ‘lo ngại’ thiếu định lượng sẽ làm hiểu sai tác động thuế GTGT phân bón 5% với nông dân