Rốt cuộc cả đời người là sống vì điều gì?
Xưa có một câu chuyện như thế này:
Ở một làng chài bên bờ biển có hai người đàn ông làm nghề đánh cá. Một người rất chăm chỉ, khôn khéo và lanh lợi, người còn lại thì dường như không tập trung vào công việc. Hàng ngày, người chăm chỉ đều đi đánh cá từ sáng sớm và đến tối muộn mới trở về nhà, quanh năm không có ngày nghỉ ngơi. Còn người “lười biếng” kia chỉ đánh đủ số cá để bán lấy tiền mua gạo trong ngày. Sau đó anh ta nằm dài trên bờ biển nghỉ ngơi hoặc trở về vui chơi bên gia đình.
Một ngày, người đánh cá “lười biếng” hỏi người đánh cá chăm chỉ kia rằng:
“Vì sao mà ngày nào anh cũng bận rộn từ sáng đến đêm như vậy?”
“Tôi muốn đánh được nhiều cá, bán lấy tiền để tích góp mua thuyền”
“Vậy mua thuyền xong thì anh sẽ làm gì?”
Người chăm chỉ nhìn xa xa ra biển rồi trả lời:
“Tôi sẽ đánh nhiều cá hơn, kiếm được nhiều tiền để mua chiếc thuyền lớn hơn nữa”
“Có thuyền lớn hơn rồi thì anh sẽ làm gì tiếp?”
“Tôi sẽ mua thuyền lớn hơn nữa! Sau đó tôi sẽ nghỉ ngơi không đi đánh bắt cá nữa, mỗi ngày nằm dài trên bãi biển phơi nắng, nghỉ ngơi, nghe tiếng sóng biển!” – Người chăm chỉ vừa nghĩ về tương lai tươi sáng vừa tự đắc trả lời.
Người “lười biếng” nói: “Anh xem! Tôi hiện tại mỗi ngày chẳng phải vẫn nằm phơi nắng và nghe tiếng sóng biển đó sao!”
Người chăm chỉ nghe xong, trầm ngâm suy nghĩ mà không nói thêm lời nào…
Nếu chỉ nghe qua, rất nhiều người sẽ nghĩ rằng câu chuyện thật là tiêu cực. Nhưng kỳ thực, trong đó lại bao hàm một đạo lý khiến mọi người phải suy nghĩ sâu xa. Mục đích của đời người là gì? Con người rốt cuộc muốn sống như thế nào? Cả đời người ta vì điều gì mà truy cầu?
Người chăm chỉ đánh cá, bận rộn cả đời cuối cùng cũng là mong muốn được nằm trên bờ cát hưởng thụ ánh nắng mặt trời và nghe tiếng sóng biển. Người chỉ đánh đủ số cá cần dùng, trong cuộc sống hàng ngày đã có được điều mà người cần mẫn kia mong muốn. Người cần cù kia, phải chăng đang sống một cuộc sống có chút mù quáng? Có phải hay không một chút thật đáng thương?
Trong cuộc sống, quả thực có rất nhiều thời điểm chúng ta đang sống trong mù quáng. Vì để chiếm giữ được thanh danh, lợi ích, tình yêu, vật chất, thậm chí là một hơi thở mà lại không hề nghiêm túc nghĩ rằng, những thứ ấy rốt cuộc có tác dụng gì đối với thân thể và tâm linh của chúng ta?
Cuộc sống hiện đại ngày nay, vật chất vô cùng phong phú, xa hoa và trụy lạc, điều gì cũng có. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều người vẫn đang chìm đắm trong xa hoa trụy lạc, lệ thuộc vào vật chất mà không nhận ra. Không ít người vì xe cộ, nhà cửa, sắc đẹp, tình dục, tiền bạc, quyền thế… mà đã trở thành nô lệ từ bao giờ.
Người xưa giảng rằng: vật chất, của cải… chỉ là vật ngoài thân, khi sinh không mang theo đến, khi chết chẳng mang theo đi. Trong khi đó, con người chết đi còn phải trải qua lục đạo luân hồi, vậy mà cứ mải mê tranh giành những thứ vật ngoại thân đó đến mức làm nô lệ thì có đáng không? Trên đường phố rộn ràng, đông đúc kia, thử hỏi có bao nhiêu người không phải là nô lệ cho vật chất? Có bao nhiêu người có thể bảo tồn cảm giác lý tính để sinh sống?
Đạo gia giảng phải chú trọng “phản bổn quy chân”, quay trở về với bản tính tiên thiên của con người. Họ cho rằng “phản bổn quy chân” mới là mục đích cuối cùng của sinh mệnh, mới là chốn trở về bình an. Trong sâu thẳm chúng ta, chắc hẳn ai cũng muốn bản thân và xã hội trở về với chân thật, thiện lương. Vậy phải làm thế nào mới có thể thực hiện điều ấy?
Nếu như có thể không vì “vật ngoài thân” mà ủ rũ, không vì “vật ngoài thân” mà trở thành nô lệ thì tuy rằng thân thể bạn đang sống tại cõi hồng trần, nhưng tâm lại đang ở cõi bồng lai tiên cảnh. Đạo lý này quả thực sâu sắc lắm thay!
Mai Trà
ĐKN
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí