Quyết định của Nga ảnh hưởng gì đến kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc?
Các nhà ngoại giao và nhà phân tích an ninh khu vực đã nói đến khả năng thuyết phục Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán Nga - Mỹ về việc gia hạn hiệp ước START trước khi hiệp ước này hết hạn vào năm 2026. Mục đích của các cuộc đàm phán này nhằm xoa dịu những lo ngại về việc Trung Quốc ngày càng đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa quân đội.
Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là tâm điểm của những mối lo ngại này, do sự mở rộng cả về quy mô lẫn mức độ tinh vi của nó. Đó là một sự bành trướng mà gần đây Lầu Năm Góc nhận thấy Trung Quốc đang ngày càng mở rộng hơn.
“So với những buổi đàm phán giữa Nga và Hoa Kỳ trước đây, Trung Quốc là một “hộp đen”, một cái hộp mỗi năm càng to hơn”, một nhà ngoại giao an ninh khu vực châu Á cho biết vào hôm thứ Tư vừa qua.
“Việc Tổng thống Putin đình chỉ hiệp ước hạt nhân có thể khiến chúng ta lùi xa hơn trong việc thuyết phục Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán minh bạch. Có rất nhiều điều chúng ta cần phải biết về các chính sách và mục tiêu của nước này”.
Trong bài phát biểu vào lễ tưởng niệm một năm ngày Nga mở cuộc chiến tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga đang đình chỉ hiệp ước hạt nhân được ký năm 2010. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga được phép triển khai ở con số 1.550 đầu đạn. Đồng thời cho phép mỗi bên thực hiện các cuộc thanh tra lẫn nhau.
Các nhà phân tích an ninh cho biết động thái này có thể gây nguy hiểm cho những tính toán chi li vốn dùng để răn đe Nga và Mỹ, do cả hai nước này đều là cường quốc hạt nhân lớn nhất bấy lâu nay. Động thái này cũng châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Theo Tong Zhao, chuyên gia hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (trụ sở ở Hoa Kỳ), cho biết ông tin rằng quyết định của Tổng thống Putin đã ngăn cản triển vọng hợp tác hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc. “Thậm chí điều đó chỉ khiến Trung Quốc ít quan tâm đến việc tiếp tục hợp tác an ninh hạt nhân với Hoa Kỳ. Giờ đây, ngay cả việc hợp tác kiểm soát vũ khí này cũng đang bị hủy hoại nghiêm trọng”, ông Zhao nói với hãng thông tấn Reuters.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5B |
Là một cường quốc hạt nhân từ đầu những năm 1960, trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn duy trì một số lượng nhỏ đầu đạn hạt nhân và tên lửa để bảo vệ an ninh quốc gia này, đồng thời cam kết “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân.
Cam kết này vẫn còn hiệu lực, nhưng Trung Quốc vẫn mở rộng kho vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng trong những năm gần đây như một phần của quá trình hiện đại hóa quân sự. Quá trình này còn lớn hơn so với Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hiện có khả năng phóng tên lửa tầm xa được trang bị hạt nhân từ tàu ngầm, máy bay và một loạt các hầm chứa đang phát triển bên trong quốc gia này. Đây là “bộ ba hạt nhân” mà một số chuyên gia lo ngại nó có thể được dùng để dồn ép đối phương trong cuộc chiến ở Đài Loan.
Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về Trung Quốc được công bố vào tháng 11 năm ngoái, họ lưu ý rằng tốc độ bành trướng của Bắc Kinh đã tăng vào năm 2021 và hiện có hơn 400 đầu đạn hạt nhân ở nước này.
Lầu Năm Góc cho biết đến năm 2035, khi giới lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền muốn hiện đại hóa quân đội hoàn toàn, quân đội của họ có thể sẽ có 1.500 đầu đạn hạt nhân và một loạt tên lửa tiên tiến.
Lầu Năm Góc cũng cảnh báo về tình huống “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân có thể xảy ra khi quá trình bành trướng vẫn chưa ngừng. Vấn đề này tiếp nối vấn đề kia do các tùy viên quân sự và chuyên gia an ninh khu vực đặt ra.
Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng “cũng có thể Bắc Kinh đang xem xét việc sử dụng năng lượng hạt nhân để khôi phục răn đe trong trường hợp Trung Quốc gặp thất bại quân sự, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của CHND Trung Hoa”.
Một tháng trước đó, theo Đánh giá tình hình hạt nhân của Washington, Bắc Kinh đã miễn cưỡng tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân chiến lược, nhưng vẫn cần các cuộc đàm phán song phương và đa phương.
Báo cáo cho biết, “quy mô và tốc độ mở rộng chương trình hạt nhân của CHND Trung Hoa, cùng với sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của nước này, tất cả các yếu tố trên đặt ra câu hỏi về mục tiêu, chiến lược và học thuyết hạt nhân cũng như nhận thức về sự ổn định chiến lược của nước này”.
Một số chuyên gia tin rằng Bắc Kinh từ lâu đã cảnh giác với việc bị ràng buộc bởi các cuộc đàm phán ba bên với Nga và Mỹ. Nguyên nhân là do Trung Quốc thua xa khả năng của Hoa Kỳ.
Cố vấn chiến lược Singapore, ông Alexander Neill cho biết ông tin rằng có thể Trung Quốc đang ngày càng ủng hộ lập trường của Nga. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong việc buộc Bắc Kinh tuân theo học thuyết hạt nhân, bao gồm cam kết “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân.
Ông Neill, một thành viên liên kết của nhóm chuyên gia tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii, bày tỏ: “Trung Quốc luôn ủng hộ việc kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga, đồng thời nước này từ lâu đã muốn duy trì hình ảnh của một bên liên quan có trách nhiệm. Nhưng ngày càng có nhiều vấn đề được đặt ra trong tương lai”.
Ông còn nói thêm: “Mục tiêu của Hoa Kỳ và các nước đồng minh là đạt được sự rõ ràng trong chính sách “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân, cũng như vấn đề về Đài Loan”.
Ông Zhao của Quỹ Carnegie cho biết, thông báo của Tổng thống Putin có thể làm tăng nguy cơ thúc đẩy các cường quốc hạt nhân khác mở rộng kho vũ khí của họ và phá vỡ các cam kết lâu dài về việc không tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới.
“Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một sự tiến triển vô cùng tiêu cực về trật tự... hạt nhân quốc tế”.
Mỹ: Triều Tiên sở hữu kho vũ khí hóa học lớn thứ ba thế giới |
Mỹ lo ngại kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của Trung Quốc |
Kho vũ khí hạt nhân của Nga lớn cỡ nào và do ai kiểm soát? |
Nh.Thạch
AFP
-
Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga