Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Quốc gia đang phát triển có nhiều cơ hội trong CMCN 4.0
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với các vị đồng chủ tịch WEF ASEAN 2018. |
Chia sẻ tại buổi họp báo với các vị đồng Chủ toạ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra đầu giờ sáng nay (12/9), các đồng chủ toạ đã có cơ hội chia sẻ những ưu tiên mà họ cảm nhận được trong khu vực ASEAN.
Đại diện Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết, WEF ASEAN năm nay đề cập tới chủ đề vô cùng thú vị là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và khởi nghiệp.
"Đây là cơ hội để chúng ta chia sẻ về những câu chuyện, trường hợp, đặc biệt là ý tưởng mới, sáng kiến mới đối với khu vực ASEAN", ông Hùng nói.
Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: "Tôi tới tham dự sự kiện này với một số sáng kiến là làm cho ASEAN phẳng, tức là không có sự chênh lệch và khoảng cách, tất cả mọi người đều có thể cảm nhận ASEAN là ngôi nhà của mình"
Sáng kiến thứ 2 được ông Hùng nhắc đến là những cách thức để các trường Đại học đào tạo về công nghệ truyền thông của ASEAN theo được CMCN 4.0.
"Cuối cùng là vấn đề an ninh mạng, an ninh thông tin cho ASEAN. Cuộc sống phụ thuộc nhiều vào Internet, sự thịnh vượng cũng phụ thuộc vào Internet nhưng Internet chưa thật an toàn. Do đó, điều quan trọng trong tương lai chính là an ninh mạng. Đây đang là sáng kiến mở để chúng ta tiếp tục thảo luận", ông Hùng nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo, Quyền Bộ trưởng khẳng định, khi cuộc cách mạng mới này diễn ra, tương lai không phụ thuộc nhiều vào quá khứ mà nó giống như bước ngoặc.
"Tương lai không phải là cái nối tiếp của quá khứ. Tức là các quốc gia đang phát triển họ không có quá nhiều hạ tầng của quá khứ, nhưng điều đó giúp họ có ít gánh nặng trên vai hơn và di chuyển nhanh hơn", ông nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng cho biết thêm rằng, CMCN 4.0 không quá nặng về công nghệ mà nặng về chính sách. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển không phải là quốc gia có khuôn khổ pháp lý thực sự mạnh mẽ, điều đó cho thấy họ có thể linh hoạt hơn để đón nhận mô hình kinh doanh mới, chính sách mới. Hay nói cách khác, các quốc gia đang phát triển có nhiều cơ hội hơn.
Tại buổi họp báo, bà Anne Birgitte - Giám đốc Điều hành Plan International cho hay, nữ doanh nhân trẻ trong ASEAN đang đóng vai trò ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, họ còn gặp nhiều vấn đề khó khăn như việc tiếp cận tài chính. Phụ nữ cũng ít tiếp cận hơn với Internet, diện thoại di động, khó tham gia vào lĩnh vực công nghệ.
"Nữ doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ mới chỉ chiếm 10% mà thôi và chúng ta đang cố gắng thúc đẩy. 1/3 lãnh đạo trong ASEAN là nữ cho thấy còn rất nhiều vấn đề cần khoả lấp. Những phụ nữ trẻ vẫn chưa nhận được chế độ thoả đáng, cần cơ chế mới để thúc đẩy lãnh đạo nữ trong ASEAN", bà nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung - Wha khẳng định luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc và ASEAN ở tầm mới để mang lại sự thịnh vượng cho người dân.
"Do chủ đề là CMCN 4.0, Hàn Quốc lại là một trong số quốc gia đi đầu trên thế giới có kinh nghiệm nhiều năm giải quyết thách thức chuyển đổi khoa học công nghệ để mang lại sự thịnh vượng và đảm bảo động cơ phát triển mang tính bền vững", bà Kang nói.
Nói về tầm quan trọng của ASEAN, đồng chủ tịch tiếp theo là Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, khi hội nhập, nhất thể hoá, 200 triệu dân số của ASEAN tạo thành một khối lớn và đủ mạnh để chống đỡ được bất kì cú sốc nào trong tương lai.
"Cú sốc càng lớn hơn thì càng phải kết nói chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt với những thị trường mới nổi. Mỗi một quốc gia phải có đối sách để bảo vệ mình trước các cú sốc nhưng nếu đơn lẻ thì sẽ không chống được các cú sốc", bà nói thêm.
Theo VnExpress.net
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường