Quỹ bảo lãnh tín dụng đang gây lãng phí nguồn vốn
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết 6 tháng đầu năm, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng 6,03% (năm 2018 tăng 15,57%, chiếm 18,2%). Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều DNNVV gặp khó khăn khi đi vay vốn ngân hàng do năng lực tài chính của DN còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo.
(Ảnh minh họa) |
Để hỗ trợ cho các DNNVV, NHNN đưa ra thông điệp tăng cho vay tín chấp. Hưởng ứng thông điệp này, một số ngân hàng liên tục tung ra các gói vay tín chấp cho DN, nhưng đa số đều cấp hạn mức vay tín chấp ở mức 1-2 tỷ đồng với nhiều điều kiện ràng buộc kèm theo.
Trước tình hình trên, QBLTD cho các DNNVV ra đời. Tuy nhiên, qua đánh giá, QBLTD chưa phát huy được chức năng, gây lãng phí nguồn vốn, trong khi DN đang thiếu nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo các chuyên gia, đúng ra QBLTD mới là chìa khóa mở ra cho vay tín chấp, là cầu nối hỗ trợ cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân thông qua sự bảo lãnh của Quỹ. Tuy nhiên, hoạt động của các quỹ này cho đến nay rất mờ nhạt. Đáng nói hơn, DN tìm đến các quỹ này rất khó đáp ứng nổi các điều kiện để được bảo lãnh.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tính đến nay, cả nước mới chỉ có gần 30 QBLTD được thành lập và đi vào hoạt động, với tổng vốn điều lệ thực có khoảng trên 1.400 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách.
Tính đến cuối năm 2017, các quỹ mới chỉ bảo lãnh được trên 4.100 tỷ đồng vốn vay trong tổng số 1,3 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng của khối DNNVV. Tỷ lệ bảo lãnh chỉ tương đương 3,2% tổng dư nợ tín dụng, nhưng đến nay, các QBLTD đã phải trả nợ thay cho DN với tỷ lệ lên đến 8,6% trong số nợ được bảo lãnh.
Theo quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP, vốn điều lệ tối thiểu của quỹ là 100 tỷ đồng do Nhà nước cấp. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động, hầu hết vốn điều lệ của các quỹ chưa đảm bảo được mức quy định, thậm chí có quỹ chỉ có 15 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp, trong khi theo quy định thì giới hạn tối đa bảo lãnh vay vốn cho một DN là 15% vốn điều lệ thực có của quỹ, nhưng phần lớn nhu cầu vay vốn của DN cao hơn mức quỹ bảo lãnh.
Các chuyên gia cho rằng một nguyên nhân khiến QBLTD chưa phát huy được hiệu quả do chưa có sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Khi QBLTD được thành lập ở các địa phương, UBND tỉnh là cơ quan chức năng phải yêu cầu tăng cường vai trò của các tổ chức đại diện cho DN, từ đó giúp DN dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của QBLTD, điều đầu tiên là cần phải hoàn thiện thể chế nhằm đảm bảo tạo được cơ chế huy động đủ vốn cho quỹ hoạt động. Thứ hai, cần có chính sách ưu đãi để thu hút vốn điều lệ cho quỹ.
“Để có được nguồn vốn ổn định, bền vững cho các quỹ này hoạt động, cần có 3 nguồn gồm: một phần vốn nhà nước, các DN lớn phải đóng góp, ngân hàng có thể góp nếu muốn tham gia. Ngoài ra, kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế”, ông Kiêm chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm cuối năm 2018, cả nước có 700.647 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó các DNNVV chiếm đến 97%.
Các chuyên gia cho rằng số lượng các DNNVV hiện nay khá lớn, nhu cầu về vốn rất cao, trong khi Việt Nam mới chỉ có một mô hình QBLTD là quá ít, không thể đáp ứng thỏa mãn nhu cầu vốn của DNNVV. Vì vậy, nên có chính sách để hình thành QBLTD dưới hình thức do các hiệp hội, DN thành lập, để thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng.
M.Đ
Doanh nghiệp lo lắng nếu ngân hàng bị hạn chế nới room tín dụng |
Ngân hàng không mấy mặn mà với tín dụng xanh |
Thanh toán khống thẻ tín dụng sẽ bị xử phạt hành chính |