Quần chúng lựa chọn, giới thiệu cán bộ
Tuy nhiên, hàng loạt thiếu sót, yếu kém trong công tác cán bộ đã bộc lộ.
Đảng ta đã chỉ ra những khuyết điểm yếu kém trong công tác này, tập trung chủ yếu ở những vấn đề sau đây: chưa thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy luân chuyển, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục...
Gần đây, dư luận xã hội lại “nóng” lên về hàng loạt hiện tượng liên quan đến công tác cán bộ ở một số sở, ngành, huyện, thị ở Hải Dương, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Có điều lạ là các trường hợp bổ nhiệm người nhà, người thân, bổ nhiệm “thần tốc” đều được giải thích là “đúng quy trình”, không chỉ rõ người chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm sai. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra, nhưng vẫn chưa có giải pháp nào được thực hiện một cách đồng bộ, căn cơ, mà thường là “cháy” đâu chữa đấy.
Vậy làm thế nào để hạn chế, tiến tới chấm dứt những hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ - cái “gốc” của mọi công việc?
Theo chúng tôi, có một vấn đề rất cơ bản, quan trọng nhưng chưa được quan tâm, phát huy tốt, đó là dựa vào dân để xây dựng Đảng. Bởi vì, như Bác Hồ nói, “Nước ta là nước dân chủ”, cho nên “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra”, “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”.
Khi nói dân chủ trong công tác cán bộ bao gồm cả hai mặt, dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Nhưng lâu nay, trong công tác cán bộ, chúng ta mới thực hiện dân chủ đại diện nhiều hơn là dân chủ trực tiếp. Hiện nay, người dân đã có nhiều tổ chức đại diện cho mình, nhưng nhiều khi sự đại diện này chỉ mang tính hình thức, khi cán bộ mắc khuyết điểm, tham nhũng thì các cơ quan dân cử thường đùn đẩy trách nhiệm. Còn dân chủ trực tiếp trong công tác cán bộ hiện nay mới chỉ thực hiện được chủ yếu ở cấp cơ sở, ở thôn, làng, ấp, bản. Một số nơi đã thí điểm để người dân bầu trực tiếp một số chức danh lãnh đạo cấp xã, nhưng hình thức này chưa phổ biến, nhân rộng. Xét dưới góc độ nào đó, những cán bộ thôn, làng, ấp, bản do dân trực tiếp bầu ít tiêu cực hơn nhiều. Do đó, nếu để người dân trực tiếp lựa chọn cán bộ, phản biện, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ thì nhất định họ sẽ tìm ra được những người tiêu biểu.
Vấn đề mấu chốt cần cụ thể hóa và tháo gỡ hiện nay là “người chủ”, tức nhân dân. Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp, người dân không biết về “đày tớ”, “công bộc”, tức là cán bộ của mình thế nào. Vấn đề nhân sự trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, người dân chưa được biết, được bàn, được giám sát, kiểm tra, mặc dù trong nhiều quy định đã ghi rất rõ ràng. Nếu việc đề bạt, sắp xếp, luân chuyển cán bộ lãnh đạo cứ làm “bí mật” như ở nhiều nơi mà không hỏi ý kiến của các cơ quan, tổ chức đại diện cho người dân hoặc không có sự tham vấn, phản biện hoặc nhiều khi chỉ làm một cách hình thức, áp đặt, thì người ta vẫn “chọn” người nhà, chọn cánh hẩu, người thật sự có đức, có tài không có chỗ chen chân.
Một vấn đề khác, do cách quản lý cán bộ hiện nay còn nhiều lỗ hổng, quan liêu, cho nên nhiều khi tổ chức, cấp ủy đảng không nắm rõ cán bộ của mình bằng quần chúng. Cán bộ ai tốt, ai xấu, ai có “bồ nhí”, có con riêng ngoài giá thú... người dân đều biết cả. Nếu tổ chức, cơ quan, người đứng đầu cấp ủy gần dân, nghe dân và thanh tra, kiểm tra thì sẽ nắm được hết khuyết điểm của cán bộ. Vì vậy cần thật sự dựa vào dân để làm công tác cán bộ. Trước khi các tổ chức đảng, cơ quan, chính quyền Nhà nước tuyển dụng, cất nhắc, bổ nhiệm, thì bằng cách này hay cách khác công khai để quần chúng, nhân dân, trong phạm vi có thể, biết và tham vấn, giám sát.
Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, với tư cách là người làm chủ đất nước thì quần chúng, nhân dân tham gia vào công tác cán bộ ở những khâu nào? Thực tiễn đã chứng minh, khâu nào trong công tác cán bộ mà có sự tham gia trực tiếp của quần chúng thì chắc chắn sẽ có hiệu quả, kể từ việc giới thiệu đến tuyển chọn, đánh giá, sắp xếp, kỷ luật v.v… Do vậy, một trong những khâu cực kỳ quan trọng trong công tác này là làm trong sạch bộ máy tổ chức và đội ngũ những người làm công tác tổ chức - cán bộ.
Có thể nói rằng, tất cả thành tích cũng như yếu kém trong công tác cán bộ những năm qua đều thuộc trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu. Còn việc đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ không đúng người, không đúng việc, hiệu quả kém thuộc về cấp ủy đảng và những người làm công tác tham mưu về cán bộ. Bởi trong nhiều trường hợp chọn “con ông, cháu cha”, chọn “người nhà”, bí thư cấp ủy đã quyết thì ai dám làm ngược lại, thậm chí không ít người còn muốn đưa người thân, người nhà của bí thư cấp ủy “đặt” vào “ghế” lãnh đạo để mưu cầu lợi ích nhóm và cá nhân. Do vậy, cả về phương diện lý luận cũng như trong thực tế, dân đã là chủ thì hãy để dân thật sự làm chủ trong công tác cán bộ. Và trước hết, cần dân chủ ngay trong tổ chức và trong đội ngũ những người làm công tác tổ chức - cán bộ.
Vũ Lân
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam