Quan bức dân phản!
Nhìn lại diễn biến vụ cưỡng chế thu hồi đất đầm tôm ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng TP Hải Phòng, dễ dàng thấy các sai phạm của UBND huyện này đã kích động hành vi sai trái của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Về vụ Tiên Lãng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đánh giá: "Tôi đang theo dõi sát vụ việc này nên có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện. Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại”.
Các chuyên gia luật pháp đã hơn một lần khẳng định rằng, quyết định thu hồi đất ở Tiên Lãng có sai phạm cả về chủ tương lẫn biện pháp. Quyết định thu hồi một nơi, lực lượng cưỡng chế lại ra quân hành sự trên một mảnh đất khác, hoàn toàn không nằm trong khu vực bị thu hồi và đập phá nhà dân trên diện tích ấy. Không chỉ phá hoại, một khi người tham gia cưỡng chế đã vơ vét đồ đạc, xã đội phó cuỗm cả cái ổn áp, nếu người nhà ông Vươn đuổi theo vị xã đội phó và giật lại cái ổn áp, thì liệu có bị buộc cho tội chống người thi hành công vụ hay không? Có thể thấy rằng, chính những sai trái của địa phương đã dồn ông Vươn vào chân tường khiến ông này làm liều như vậy.
Thứ nhất, việc thu hồi là vô mục đích. Lãnh đạo xã, huyện và thành phố Hải Phòng phát ngôn trái ngược, bất nhất về mục đích thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn. Đoàn kiểm tra giám sát của Măt trận Tổ quốc Việt Nam về Hải Phòng làm việc vẫn không thể nắm được chính xác mục địc thu hồi trước thời hạn khu đầm tôm này.
Để lấp liếm, người ta đã khẳng định diện tích đầm bị cưỡng chế của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là bãi bồi, không phải đất nông nghiệp là trái với Nghị định 64/CP ban hành tháng 7/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 quy định đất nuôi trồng thủy sản là đất nông nghiệp và có thời hạn 20 năm.
Theo luật định, đất được giao mà thu hồi trước thời hạn thì người sử dụng đất được bồi thường đối với đất và tài sản trên đất trên cơ sở tính giá trị còn lại. Nếu thu hồi đất này đúng thời hạn thì không được bồi thường về đất nhưng được hỗ trợ với công trình trên đất như nhà trông coi nơi nuôi trồng thủy sản, cống dẫn nước, bờ bao…
Thế nhưng UBND huyện Tiên Lãng đã không thực hiện các quy định để bồi thường, không những thế, ông Vươn vừa không được bồi thường mà còn bị mất toàn bộ thủy sản trên khu đất được giao, bị phá nhà, mất đồ đạc tài sản.
Chúng ta không chấp nhận kiểu chống đối của ông Vươn, nhưng để người dân như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cấp chính quyền huyện Tiên Lãng.
{lang: 'vi'}Bảo Dân