PV Power sẽ là "ngôi sao" trên thị trường chứng khoán Việt
Nhà máy điện Cà Mau 1. |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cũng là định hướng phát triển được Đảng, Chính phủ đặt ra đối với ngành điện là “phải đi trước một bước”. Đi trước để tạo nền tảng, tiền đề cho các ngành, lĩnh vực khác hay nói đúng hơn là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho quá trình tăng trưởng, phát triển của “cơ thể” nền kinh tế.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), ngành điện phải bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm. Đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000MW, nghĩa là trong thời gian tới cần đưa thêm khoảng 14.000MW vào lưới điện quốc gia (theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết 2017, tổng công suất nguồn của toàn hệ thống điện của Việt Nam là 45.700MW).
Như vậy, nhu cầu tiêu thụ điện cũng như gia tăng sản lượng cung ứng vì thế sẽ luôn “nóng”, luôn cấp bách đối với ngành điện. Là doanh nghiệp có hoạt động chính là sản xuất điện năng, PV Power sẽ có rất nhiều cơ hội để tăng trưởng, phát triển cả về quy mô cũng như doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Xét về cơ cấu nguồn, theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Cụ thể, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000MW chiếm 49,3% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300MW chiếm 53,2% điện sản xuất. Trong khi đó, nhiệt điện khí có công suất 8.940MW vào năm 2020, đạt 15.054MW vào 2025 và đến 2030 đạt 19.037MW, chiếm 15% tổng công suất nguồn điện cả nước.
Một số kết quả sản xuất kinh doanh nổi bật của PV Power trong năm 2017: - Sản lượng điện sản xuất đạt 20,529 tỉ kWh, bằng 98% kế hoạch năm); - Doanh thu toàn tổng công ty đạt 30.987 tỉ đồng, bằng 106% kế hoạch năm; - Lợi nhuận trước thuế đạt 2.503 tỉ đồng, bằng 183% kế hoạch năm; - Nộp ngân sách Nhà nước đạt 1.374 tỉ đồng, bằng 124% kế hoạch năm. |
Đi trước một bước trong việc đảm bảo cung ứng điện cũng như xu thế phát triển của ngành điện, những năm qua, PV Power đã lấy trọng tâm phát triển là các nhà máy điện khí. Tính đến nay, PV Power đã đầu tư và đưa vào vận hành các dự án điện khí là Cà Mau 1 & 2, Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 với tổng công suất lên đến 2.700MW. Các nhà máy điện này được đặt tại Nam Bộ, địa bàn có nhu cầu điện rất lớn và thường xuyên trong tình trạng thiếu điện, nhờ đó đã phần nào đảm bảo nguồn điện cho khu vực. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu quả hoạt động lâu dài của PV Power thời gian tới.
Với quan điểm phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh cao, gắn liền với chiến lược phát triển chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PV Power lấy công nghiệp điện khí là hướng phát triển chủ đạo với lợi thế ngành để sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khí để đảm bảo cho sự phát triển ổn định, lâu dài của doanh nghiệp, tổng công ty đã ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với EVN và thỏa thuận cung cấp nhiên liệu lâu dài với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, đáng tin cậy trong lĩnh vực năng lượng và điện.
Bên cạnh đó, với việc là đơn vị thành viên có vốn góp chi phối của PVN, hoạt động sản xuất kinh doanh điện của PV Power sẽ được thừa hưởng các điều kiện thuận lợi từ PVN về cơ sở vật chất, nhân lực; đồng thời có nhiều lợi thế để phát triển điện khí do PVN là Nhà sản xuất khí duy nhất trên thị trường.
Không chỉ nắm giữ lợi thế được hoạt động trong môi trường kinh doanh mà cung luôn chạy theo cầu - một trong những yếu tố “trong mơ” đối với bất kỳ nhà đầu tư nào khi sản phẩm của doanh nghiệp không phải lo đầu ra, PV Power còn sở hữu một đội ngũ cán bộ, công nhân viên có trình độ tay nghề cao, đã làm chủ được công nghệ hiện đại từ những đất nước có nền khoa học tiên tiến và phát triển nhất. Nhờ đó, những năm qua, công tác vận hành các nhà máy điện thực hiện tốt, công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa bảo dưỡng định kỳ đạt chất lượng cao và vượt tiến độ đề ra; việc quản lý, vận hành các nhà máy điện của PV Power nhờ đó luôn duy trì vận hành tin cậy, đáp ứng nhu cầu phụ tải và huy động của EVN/A0, đảm bảo an toàn tuyệt đối và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Với những lợi thế như trên, PV Power hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt khi trong nhiều năm qua, cổ phiếu ngành điện luôn có sự ổn định, tăng trưởng ở mức cao trên thị trường chứng khoán, hứa hẹn sẽ là ngôi sao sáng trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới. Và theo giới chuyên gia, sự lớn mạnh của PV Power trong hơn 10 năm qua, từ một “tân binh” non trẻ đã vươn lên trở thành nhà sản xuất điện lớn thứ 2 của nền kinh tế với sản lượng hằng năm trên 20 tỉ kWh, đứng thứ 2 cả nước chỉ sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam; về quy mô, từ vốn điều lệ ban đầu là 7.600 tỉ đồng và 5 đơn vị thành viên, đến nay, vốn điều lệ của PV Power đã tăng lên 21.774 tỉ đồng và 26 đơn vị thành viên; doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp ổn định, tăng trưởng qua các năm… chính là sự đảm bảo cho nhận định đó.
Theo phương án cổ phần hóa vốn, điều lệ của PV Power là 23.418.716.000.000 đồng. Trong đó, PVN sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ, tương đương 1,2 tỉ cổ phần đến hết năm 2025. Số lượng cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 2.757.400 cổ phần, chiếm 0,118% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai là 468.374.320 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 676.385.364 cổ phần, chiếm 28,882% vốn điều lệ. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. |
Thanh Ngọc
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11