Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Phương pháp mới chữa ung thư gan

09:07 | 08/10/2013

6,350 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với sự trợ giúp của các chuyên gia đến từ Singapore và Hồng Kông đã thực hiện thành công phương pháp tắc mạch xạ trị cho 2 bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan của Việt Nam.

Những bệnh nhân đầu tiên

Trường hợp đầu tiên là bà Đỗ Thị T. (58 tuổi, ở Sông Lô, Vĩnh Phúc). Bà T. phát hiện bị ung thư biểu mô tế bào gan vào ngày 22/8/2013. Bệnh nhân có một khối u ở gan phải kích thước 5,8 x 4,6cm. Vốn là một phụ nữ làm ruộng, có chồng là bộ đội, bà T. không có tiền sử đái tháo đường hay mỡ máu. Điều đặc biệt là cách đây 1 năm, bà T. có chị gái bị ung thư đại tràng phải điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong thời gian đó, bà T. đã làm tất cả các xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe tổng thể và kết quả đều tốt.

Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang bơm chất đồng vị phóng xạ vào gan bệnh nhân T.

 

Trường hợp thứ hai là một trung tá quân đội - ông Phạm Văn H. (79 tuổi, ở Gia Hòa, Gia Lộc, Hải Dương). Ông H có 36 năm cống hiến cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đã nhiều lần vào sinh ra tử. Ông H cho biết, năm 1965, ở nơi rừng thiêng nước độc, ông bị sốt rét ác tính, sau đó ông bị áp-xe gan. Sau đợt bệnh đó đến nay, ông luôn luôn giữ gìn trong mọi sinh hoạt, không bao giờ uống bia, không hút thuốc lá, kiêng ăn mỡ hoàn toàn.

Từ tháng 7/2013, ông H. bắt đầu thấy đau ở hạ sườn phải, đau sâu về phía sau, đau liên miên, râm ran, nhất là về đêm, ông chán ăn, thịt không muốn nhai, bã không muốn nuốt. Khi thực hiện các xét nghiệm phát hiện ông H có một khối u kích thước 3,7x2,9cm, có hiện tượng teo gan trái.

Kỹ thuật tắc mạch xạ trị

Ung thư gan là một trong những bệnh ung thư phổ biến bậc nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Cho đến nay, phẫu thuật vẫn được coi là phương pháp điều trị tốt nhất. Tuy vậy, chỉ có 20% bệnh nhân Việt Nam được điều trị kịp thời, còn phần lớn bệnh nhân đều phát hiện ở giai đoạn muộn. Khi đó chức năng gan đã suy giảm do xơ gan kèm theo hoặc bệnh ung thư gan tiến triển xâm nhập hệ tĩnh mạch cửa hoặc di căn ngoài gan.

Từ năm 2002, hóa tắc mạch qua đường động mạch đã được chấp nhận rộng rãi như là một phương pháp điều trị tạm thời cơ bản cho các trường hợp ung thư gan không còn chỉ định phẫu thuật. Mặc dù vậy, chỉ có 20 - 40% số bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển có huyết khối tĩnh mạch cửa sống thêm 1 năm sau khi được chẩn đoán và điều trị. Thời gian sống thêm trung bình của nhóm bệnh nhân này từ 3 - 6 tháng và tử vong thường do ung thư tiến triển hoặc suy gan hoặc các biến chứng của xơ gan. Thực tế trên đã đặt ra một phương pháp điều trị hữu ích mới nhằm cải thiện thời gian sống thêm ở nhóm bệnh nhân ung thư gan giai đoạn trung gian.

Tắc mạch xạ trị là một phương pháp can thiệp qua đường động mạch sử dụng đồng vị phóng xạ (radioisotope) đưa trực tiếp vào khối u qua đường động mạch nhằm tập trung tại chỗ liều chiếu xạ, đồng thời hạn chế tổn thương nhu mô gan lành. Phương pháp này còn được gọi là xạ trị chiếu trong chọn lọc (selective internal radiation). Đồng vị phóng xạ thường được sử dụng nhất là Ytrium-90.

Ytrium-90 được gắn vào các hạt vi cầu để đưa qua đường động mạch đến giường mao mạch khối u gan. Khối u gan bị tiêu hủy thông qua độc tính của tia xạ. Việc đưa các đồng vị phóng xạ trong xạ trị tắc mạch không những tiêu hủy khối u mạnh bằng cách phát tia beta chiếu trong tại chỗ khối u mà còn tấn công vào các viền mô gan lành xung quanh nơi tế bào ung thư xâm lấn ra cũng như tiêu hủy huyết khối do ung thư xâm lấn. Đây là tính ưu việt của phương pháp TMXT so với các phương pháp thông thường.

TS. Nguyễn Tiến Thịnh - Phó chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trưởng kíp can thiệp cho biết, để thực hiện can thiệp này đòi hỏi có sự phối kết hợp của 4 chuyên khoa chính: y học hạt nhân, can thiệp tim mạch, nội tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh. Ngoài ra, còn có sự kết hợp của các bác sĩ chuyên ngành ung thư, ngoại khoa... Ytrium-90 là chất phóng xạ nên Viện 108 đã phải nhập từ Singapore và phải được cấp phép của Cục An toàn phóng xạ, Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam. Để thực hiện được kỹ thuật này, Bệnh viện đã 2 lần cử cán bộ sang học hỏi và thực tập cũng như các chuyên gia nước ngoài đã nhiều lần đến Việt Nam để chuyển giao công nghệ trước khi chính thức thực hiện.

Theo lãnh đạo Viện 108 thì chi phí cho một ca tắc mạch xạ trị tại Việt Nam là 300 triệu đồng, tuy nhiên vẫn rẻ hơn so với chi phí tương tự ở Singapore là 600 triệu đồng. Hai ca đầu tiên này bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn mọi chi phí điều trị.

Tùng Dương