Phó thủ tướng lắng nghe phản biện về kỳ thi THPT quốc gia
Một thí sinh phúc khảo từ 0,6 lên 7,2 điểm Toán do tô mờ đáp án trắc nghiệm |
Xác định sai phạm của cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La |
Hơn 300 bài thi THPT Quốc gia ở Hà Giang được nâng điểm |
Ngày 30/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc trao đổi với 26 chuyên gia để góp ý một số vấn đề giáo dục, trọng tâm là kỳ thi THPT quốc gia. Sau những bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, dư luận bức xúc và hoài nghi về độ chính xác, sự cần thiết của kỳ thi "2 trong 1" này.
"Cuộc họp đáng lý chỉ diễn ra buổi sáng, nhưng vì quá nhiều ý kiến nên đã kéo dài đến hết buổi chiều", đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nói và cho biết nhiều đại biểu bức xúc nói dài đến 15-20 phút.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ lắng nghe. Tuy nhiên ông không nêu quan điểm nào về sự việc vừa qua.
Xác định rõ mục đích kỳ thi để tránh hiểu nhầm
Đánh giá kỳ thi THPT quốc gia phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bà An nhận thấy kỳ thi đã đạt được mục tiêu giảm áp lực, tốn kém cho xã hội khi phụ huynh, học sinh không phải vất vả di chuyển về thủ đô ở trọ nhiều ngày để tham gia các cuộc thi. Những vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông trong mùa thi cũng được giải quyết.
Mục tiêu "đánh giá đúng năng lực học sinh làm căn cứ để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng", đại biểu Quốc hội này cho rằng nếu địa phương làm nghiêm túc thì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay sẽ đảm bảo được. Tuy nhiên, sự gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La khiến việc đánh giá một số học sinh không đúng thực chất.
"Cái sai ở đây nằm ở khâu kỹ thuật còn chủ trương đổi mới thi cử là đúng và cần thiết. Sai về mặt kỹ thuật thì có thể sửa nhưng không thể vì cái sai đó mà chùn bước đổi mới. Kỳ thi THPT quốc gia cần được tiếp tục tổ chức và cải thiện trong những năm tới cho tới khi có phương án tối ưu hơn", bà An nói.
TS Lương Hoài Nam cho rằng một trong những nguyên nhân chính của sự cố gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, là nhận thức lệch nhau về mục đích của kỳ thi quốc gia. Trong khi Bộ Giáo dục xác định mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT thì phụ huynh, học sinh lại coi đây là thi đại học và học sinh phải cạnh tran để vào được trường tốt.
Do nhận thức như thế, một số người trong ngành đã gian lận nâng điểm thi cho hàng trăm học sinh để có cơ hội vào trường tốt. Về bản chất là nhằm tước đoạt cơ hội đại học của các học sinh xứng đáng hơn. "Nếu người dân hiểu mục đích kỳ thi là để xét tốt nghiệp thì đâu phải chạy, gian dối sửa điểm, đến mức phải khởi tố hình sự như thế", ông Nam chia sẻ lại phát biểu của mình trong cuộc họp.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình rằng nên xác định rõ kỳ thi THPT quốc gia là để xét tốt nghiệp THPT. Trong 1-2 năm tới, kỳ thi vẫn tiến hành nhưng phải có giải pháp như: làm phách bài trắc nghiệm, lắp camera trong phòng thi, nơi chấm thi... đảm bảo tính chính xác.
Sau những trao đổi, cuộc họp với Phó thủ tướng đi đến nhận thức chung về bản chất kỳ thi THPT quốc gia và các giải pháp hoàn thiện cho kỳ thi trong thời gian tới, lộ trình cải cách thi, tuyển sinh những năm tiếp theo.
Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục tiến hành trong hai năm 2019, 2020, bản chất là xét tốt nghiệp THPT. Đề thi sẽ được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu này. Đề của năm 2018 vừa qua được đánh giá là quá khó, chưa phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp khi có hơn một nửa số học sinh cả nước sẽ bị trượt nếu chỉ dựa vào điểm thi.
Về công tác chấm thi, các đại biểu trong cuộc họp đồng thuận "không thể giao cho địa phương". Bộ Giáo dục có thể chịu trách nhiệm về việc này, hoặc chấm tập trung, theo cụm hoặc Bộ giao cho trường đại học nào đó phối hợp thực hiện.
Bộ đồng thời sẽ có những cải tiến về quy trình, kỹ thuật trong khâu tổ chức, phần mềm... để kết quả thi được chính xác, tránh gian lận.
Từ năm 2021 sẽ thay đổi căn bản việc thi, tuyển sinh đại học
"Về cơ bản cuộc họp thống nhất là từ năm 2021 việc thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ thay đổi căn bản, theo hướng tiệm cận cách làm ở các nền giáo dục tiên tiến. Bộ Giáo dục sẽ sớm công bố phương án và lộ trình cải cách chi tiết", TS Lương Hoài Nam nói.
Ông cho biết, các đại biểu đều đồng thuận rằng sự thay đổi toàn diện việc thi, tuyển sinh không thể làm ngay trong năm sau vì cần quá trình chuẩn bị để khi thực hiện đạt chất lượng tốt. Tương lai, Việt Nam sẽ có những trung tâm khảo thí độc lập theo mô hình SAT, ACT của Mỹ để giúp trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.
Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2018 tại điểm thi THPT Kim Liên (Hà Nội). |
Từ nay đến khi có các trung tâm, việc tuyển sinh vẫn là quyền và trách nhiệm của mỗi trường đại học, Luật Giáo dục đại học đã quy định rõ như vậy. Các trường đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc có những cuộc sát hạch khác, thi riêng hoặc theo cụm, để tuyển được sinh viên phù hợp.
Về việc trong tương lai có bỏ thi tốt nghiệp THPT và giao cho trường xét, cấp chứng nhận hoàn thành chương giáo dục phổ thông hay không, tỷ trọng giữa điểm thi và kết quả học bạ như thế nào để xét tốt nghiệp, cuộc họp chưa có điều kiện bàn sâu và chưa thống nhất ý kiến.
"Về lâu dài, chúng ta cần xem xét việc có cần thiết tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa không khi tới đây chương trình mới sẽ dạy, học thực hành nhiều. Tuy nhiên, nếu giao các trường xét và cấp bằng tốt nghiệp, ta cũng cần suy xét việc bằng đó có được quốc tế công nhận không", GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ năm 2015 với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Sau hai năm đầu thi theo cụm, do các trường đại học chủ trì, từ năm 2017, kỳ thi được giao cho các Sở Giáo dục chủ trì, trường đại học chỉ giữ vai trò phối hợp.
Ngày 25-27/6/2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi điểm trung bình các môn của thí sinh hai tỉnh thuộc diện thấp nhất cả nước. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm khá giỏi.
Bộ Giáo dục sau đó thành lập 3 tổ công tới 3 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 lên 29,95. Ông Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng và Phó phòng Khảo thí của Sở Giáo dục Hà Giang đã bị bắt vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Tại Sơn La, tổ công tác phát hiện 5 cán bộ Sở Giáo dục sửa điểm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa xác định có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm được sửa, cách thức sửa thế nào. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án.
Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù 8 bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm.
VnExpress
-
Khởi tố thêm tội đưa và nhận hối lộ trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình
-
Gian lận thi cử Hà Giang: Một mình nữ Phó giám đốc Sở GD&ĐT chối tội
-
Gian lận thi cử Hà Giang: "Lên kế hoạch" nâng điểm trước hơn 1 tháng
-
Gian lận thi cử Hà Giang: 107 thí sinh được nâng điểm không... vì tiền (!?)
-
Tiếp tục điều tra việc đưa nhận tiền trong các vụ án gian lận thi cử
-
Bão Kong-rey diễn biến khó lường, dự báo sẽ đổ bộ Biển Đông
-
Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
-
Các tỉnh miền Trung căng mình ứng phó bão số 6
-
Quảng Nam: Chủ động sơ tán người dân trước diễn biến của bão số 6
-
Tuyệt đối không chủ quan, sẵn sàng công tác ứng phó với bão Trami
- Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
- Tử vi ngày 27/10/2024: Tuổi Sửu nhận được tín nhiệm, tuổi Tuất khẳng định vị thế
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan