Phạt doanh nghiệp chậm trả lương: Hợp lý, hợp tình!
Năng lượng Mới số 405
Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động nêu rõ: “Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gởi kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương”.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM
Với quy định trên, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nhận định: “Thời gian vừa qua, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn việc nợ lương của người lao động vẫn còn xảy ra ở một số doanh nghiệp, đặc biệt là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trước đây, chúng ta cũng đã quy định thời hạn phải trả lương cho người lao động nhưng khi doanh nghiệp vi phạm thì phần lớn chỉ khắc phục theo thỏa thuận chứ không có biện pháp chế tài cụ thể. Vì vậy mới xảy ra trường hợp doanh nghiệp nợ 2-3 tháng lương mà người lao động không được hưởng quyền lợi gì. Trong khi đó, người lao động cũng không dám bỏ đi khi chưa lấy được tiền mà ở lại thì rất khó khăn. Điều này rất thiệt thòi cho người lao động”.
Theo ông Hưng, khi việc chậm trả lương ở doanh nghiệp được đưa vào luật thì sẽ rõ ràng hơn trong xử lý bởi có các biện pháp chế tài cụ thể. Điều này cũng sẽ làm cho người sử dụng lao động cẩn trọng hơn trong chuẩn bị, thu xếp để trả lương đúng hạn cho người lao động, đặc biệt là tổ chức công đoàn có cơ sở để đòi hỏi khi mà doanh nghiệp nợ lương.
Ông Hưng cho biết, đa số doanh nghiệp trong hiệp hội ủng hộ quy định này, bởi doanh nghiệp phải chăm lo cho người lao động tốt thì người lao động mới phấn khởi làm việc và doanh nghiệp mới thu được lợi nhuận cao. Những doanh nghiệp cứ để cho người lao động phàn nàn chuyện lương, thưởng thì hiệu quả hoạt động sẽ giảm đi.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM cho rằng: Quy định phạt chậm trả lương cho người lao động thoạt nghe thì có vẻ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng rõ ràng đây là điều hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bởi tính đến nay, đồng lương của công nhân nước ta cũng chỉ ở mức đủ sống chứ chưa phải là dư dả hay ưu đãi gì. Do đó, nếu quá 15 ngày họ không được nhận lương thì quả là khó khăn. Hiệp hội luôn động viên các doanh nghiệp trả lương đúng ngày, đúng giờ. Theo thông lệ quốc tế, các nước cũng thực hiện như vậy.
“Phạt chậm trả lương là bình thường, hợp lý thôi. Vì người lao động rất cần lương và trả lương cho người lao động là trách nhiệm của doanh nghiệp. Từ lâu trong quy chế, nội quy của tất cả các doanh nghiệp đều có quy định điều này. Khi doanh nghiệp chậm trả lương thì có nghĩa đã vi phạm thỏa ước lao động tập thể và phải chịu phạt là đúng. Riêng đối với các doanh nghiệp ở khu công nghệ cao như doanh nghiệp chúng tôi thì thực hiện tốt việc trả lương cũng là một biện pháp để giữ chân và cạnh tranh lao động. Do đó, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quy định này”, bà Nguyễn Bích Liên, Phó tổng giám đốc Điều hành Công ty CP Công nghệ bán dẫn toàn cầu Việt Nam (GES) bày tỏ.
Một vụ công nhân đình công do doanh nghiệp nợ lương
Tuy nhiên, cũng còn một số doanh nghiệp có ý kiến, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động cũng là việc không mong muốn, nếu phạt nữa sẽ càng gây khó khăn thêm cho họ. Và khi doanh nghiệp khó khăn thì người lao động là người đồng hành cũng nên có sự chia sẻ. Với ý kiến này, luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng: “Chia sẻ gì thì chia sẻ nhưng cũng phải dựa trên thỏa ước lao động tập thể, theo quy định của pháp luật Nhà nước. Người lao động có thể thông cảm cho doanh nghiệp nhưng không thể vượt qua các quy định này. Sự chia sẻ của người lao động với doanh nghiệp cũng được thể hiện trong thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận ban đầu giữa người lao động và doanh nghiệp và ở việc họ lao động tốt, hoàn thành nhiệm vụ của mình chứ không phải chia sẻ là họ phải thông cảm với chuyện doanh nghiệp chậm trả lương. Khi người lao động “đói” thì doanh nghiệp có chia sẻ với họ không?! Mức phạt đưa ra cũng không phải là quá cao, Nhà nước đã cân nhắc khi đưa ra mức này”.
Chúng ta đã từng chứng kiến không ít vụ việc khi doanh nghiệp khó khăn thì chủ doanh nghiệp bỏ trốn, kèm theo số tiền nợ lương công nhân nhiều tháng liền, đẩy hàng ngàn người lao động vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong nhiều trường hợp vì thiếu am hiểu pháp luật, ngại “đụng chạm” người lao động đã nhẫn nhịn cho qua nên bị mất quyền lợi. Việc người lao động dễ dàng “chịu thua” bỏ qua khi doanh nghiệp nợ lương cũng vô tình khiến cho doanh nghiệp càng chây ỳ hơn.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng khuyến cáo, khi bị nợ lương người lao động không nên bỏ qua mà cần khiếu kiện để đảm bảo quyền lợi của mình. Trong đó, người lao động có thể khiếu nại đến cơ quan quản lý lao động địa phương hoặc khởi kiện ra tòa án để được bảo vệ.
Đa số người lao động rất phấn khởi trước chế tài đối với các doanh nghiệp chậm trả lương và mong muốn điều này sẽ được thực hiện nghiêm túc và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên siêu thị điện máy Chợ Lớn bày tỏ, là người ở tỉnh đến TP HCM làm công ăn lương. Đồng lương cũng chỉ vừa đủ chi phí cho cuộc sống. Tất cả các chi tiêu: tiền ăn uống, thuê nhà, điện, nước... đều trông vào khoản này. Do đó, nếu bị nợ lương thì ngay lập tức người lao động sẽ rất khó khăn. Được trả lương là quyền lợi chính đáng của người lao động cần được pháp luật bảo vệ.
Anh Lê Quốc Việt, công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo kể rằng, khi mới ra trường, có thời gian anh làm thuê cho một công ty xây dựng, họ thỏa thuận trả lương cho anh 4 triệu đồng/tháng nhưng đến hạn trả lương họ không trả mà năm lần bảy lượt hứa hẹn. Anh kiên trì ở lại để đòi lương nhưng không có kết quả vì chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn, anh phải ra đi mà không nhận được đồng thù lao nào. Do đó, anh mong rằng quy định phạt doanh nghiệp chậm trả lương sẽ được thực hiện nghiêm túc để người lao động không bị thiệt thòi.
Nợ lương, chậm trả lương cho người lao động hiện vẫn còn tồn tại ở một số doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính của nhiều vụ đình công của công nhân. Trong đó, có không ít doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, chây ỳ chuyện trả lương, thiếu sự quan tâm, chăm lo cho đời sống của người lao động, cố tình “quỵt” lương công nhân. Với những quy định mới của Bộ Luật Lao động, hy vọng quyền lợi của người lao động sẽ được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn.
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4