Phân tích khả năng Mỹ cắt đứt huyết mạch dầu mỏ của Iran
Hình minh họa |
Ngay sau khi Tehran phát động cuộc tấn công vào cuối tuần - để đáp trả việc Israel bị nghi ngờ tấn công lãnh sự quán Iran ở Damascus vào ngày 1/4 - các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện cáo buộc Tổng thống Joe Biden đã không thực thi các biện pháp hiện có và cho biết họ sẽ xem xét một loạt dự luật trong tuần này để tăng cường các biện pháp trừng phạt về Iran.
Phát biểu với Fox News hôm Chủ nhật, Hạ nghị sĩ Steve Scalise, đảng viên Đảng Cộng hòa ở Hạ viện, nói rằng Chính quyền đã tạo điều kiện giúp Iran bán dầu dễ dàng hơn.
Áp lực chính trị nhằm trừng phạt Iran dẫn đến một vấn đề hóc búa cho Chính quyền: làm thế nào để ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy trong tương lai mà không làm leo thang căng thẳng khu vực, tăng giá dầu hoặc gây phản cảm với Trung Quốc, nước mua dầu lớn nhất của Iran.
Washington đã tuyên bố trong nhiều tháng rằng một trong những mục tiêu chính của họ là giữ cho cuộc xung đột ở Gaza giữa nhóm Hamas của người Palestine và Israel không leo thang thành chiến tranh khu vực, với mong muốn giữ Tehran nằm ngoài cuộc chiến.
Vào cuối ngày thứ Hai tuần này, Hạ viện đã thông qua dự luật gọi là Đạo luật trừng phạt năng lượng Iran-Trung Quốc, sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Iran bằng cách yêu cầu báo cáo hằng năm để xác định liệu các tổ chức tài chính Trung Quốc có tham gia giao dịch dầu mỏ của Iran hay không. Dự luật này sẽ cấm các tổ chức tài chính của Mỹ liên kết với bất kỳ thực thể Trung Quốc nào tham gia vào các giao dịch đó.
Dự luật phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn tại Thượng viện, nơi được kiểm soát bởi các đảng viên Đảng Dân chủ của ông Biden, những người đang cảnh giác với việc đẩy giá dầu lên cao.
Một số nhà phân tích khu vực cho biết họ không nghĩ Tổng thống Biden sẽ thực hiện hành động đáng kể nào nhằm tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt hiện có của Mỹ, với mục đích bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran, huyết mạch của nền kinh tế nước này.
“Ngay cả khi những dự luật này được thông qua, thật khó để thấy Chính quyền Biden tăng tốc, cố gắng bắt tay vào hành động hoặc thực thi các lệnh trừng phạt hiện có hoặc các lệnh trừng phạt mới nhằm cố gắng cắt giảm hoặc hạn chế xuất khẩu dầu của Iran theo bất kỳ hình thức nào”, ScottModell, cựu sĩ quan CIA, hiện là CEO của Rapidan Energy Group, cho biết.
Thực thi các lệnh trừng phạt
Cựu Tổng thống Donald Trump đã khôi phục các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu Iran vào năm 2018, sau khi rút khỏi thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Tehran. Chính quyền Biden đã tìm cách trấn áp hành vi lách luật bằng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty ở Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và nhiều nơi khác.
Bất chấp những nỗ lực đó, Rapidan ước tính xuất khẩu dầu của Iran đã đạt 1,6 triệu đến 1,8 triệu thùng mỗi ngày, không bao gồm khí ngưng tụ, một loại dầu rất nhẹ. Modell cho biết con số này gần bằng 2 triệu thùng/ngày mà Iran đã xuất khẩu trước khi bị trừng phạt.
Tác động có thể xảy ra đối với giá xăng là một trong những lý do khiến Chính quyền Biden không có động thái mạnh mẽ nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của Iran.
Kimberly Donovan, chuyên gia về các lệnh trừng phạt và phòng chống tham nhũng tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết các lệnh trừng phạt liên quan đến dầu mỏ đã không được thực thi nghiêm ngặt trong vài năm qua.
Bà nói: “Tôi không hy vọng Chính quyền sẽ thắt chặt thực thi các lệnh trừng phạt để đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran nhằm vào Israel vào cuối tuần qua, vì lo ngại điều đó có thể khiến giá dầu leo thang”. “Giá dầu và giá xăng tại trạm bơm trở nên quan trọng trong năm bầu cử”.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết Chính quyền Biden chưa dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Iran và tiếp tục gia tăng áp lực đối với Cộng hòa Hồi giáo.
Người phát ngôn cho biết: “Các lệnh trừng phạt đối với Iran hiện vẫn được áp dụng và chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi chúng”.
Yếu tố Trung Quốc
Việc thực thi mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt cũng có thể khiến mối quan hệ Mỹ-Trung gặp bất ổn, mối quan hệ mà các quan chức Trung Quốc và Mỹ đã cố gắng hàn gắn sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu giám sát bị nghi ngờ của Trung Quốc bay qua lãnh thổ Mỹ vào năm ngoái.
Hầu như tất cả dầu của Iran vào Trung Quốc đều được gắn mác có nguồn gốc từ Malaysia, hoặc các nước Trung Đông khác và được vận chuyển bởi một "hạm đội đen" gồm các tàu chở dầu thường tắt bộ tiếp sóng khi tải hàng tại các cảng của Iran, để tránh bị phát hiện.
Chuyên gia theo dõi tàu chở dầu Vortexa Analytics ước tính Trung Quốc đã mua kỷ lục 55,6 triệu tấn hay 1,11 triệu thùng dầu thô Iran mỗi ngày vào năm ngoái. Con số này tương đương khoảng 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran và 10% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng Washington có thể thực hiện một số hành động nhằm cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran, một phần nhằm xoa dịu phản ứng của Israel đối với các cuộc tấn công từ Iran, điều có thể khiến xung đột leo thang.
Nhưng họ cho rằng điều này sẽ không mang lại hành động kịch tính như trừng phạt một tổ chức tài chính lớn của Trung Quốc, mà thay vào đó có thể liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào Trung Quốc hoặc các thực thể khác tham gia vào hoạt động thương mại này.
Một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết: “Nếu bạn thực sự muốn theo đuổi hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, bạn sẽ phải có hành động chống lại Trung Quốc”.
Jon Alterman, nhà phân tích Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết có một vài giới hạn đối với những gì Washington có thể làm, để áp đặt các biện pháp trừng phạt và những kẻ buôn lậu cũng rất giỏi trong việc tìm ra sơ hở.
“Tôi kỳ vọng sẽ thấy một hành động theo hướng áp đặt hậu quả kinh tế đối với Iran, nhưng tôi không mong đợi Nhà Trắng – hoặc bất kỳ Nhà Trắng nào trong tương lai – có thể cắt hoàn toàn nguồn dầu mỏ của Iran", ông nhận định.
Anh Thư
AFP