PCI 2022: Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ sáu liên tiếp
Năm nay, khảo sát PCI đã nhận được phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp (trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), với tỷ lệ phản hồi đạt 20,47%. Điều này cho thấy Khảo sát PCI tiếp tục là kênh chuyển tải hiệu quả ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại các địa phương.
Báo cáo năm nay được công bố trong dịp lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập VCCI (1963-2023) và kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ (2013-2023) |
Theo báo cáo PCI, Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ sáu liên tiếp với điểm số 72,95 trên thang điểm 100. Đứng vị trí thứ hai là tỉnh Bắc Giang với số điểm 72,80, tăng 8,06 điểm và cải thiện 29 bậc so với PCI 2021. Thành phố Hải Phòng giữ vị trí thứ ba với điểm số 70,76 điểm. Các vị trí thứ tư và thứ năm lần lượt thuộc về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (70,26 điểm) và tỉnh Đồng Tháp (69,68 điểm). Các vị trí còn lại trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất theo điểm số PCI là Thừa Thiên-Huế (69,36 điểm), Bắc Ninh (69,08 điểm), Vĩnh Phúc (68,91 điểm), Đà Nẵng (68,52 điểm) và Long An (68,45 điểm).
Kết quả Khảo sát PCI 2022 cho thấy quy mô doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp tư nhân đều ở mức thấp kể từ đại dịch COVID-19. Trong khảo sát PCI 2022, một doanh nghiệp trung bình có quy mô vốn khoảng 15,6 tỷ đồng và 21 lao động; trong khi năm 2019, quy mô vốn và lao động của một doanh nghiệp trung bình là 22,3 tỷ đồng và 23 lao động.
Trong năm 2022, chỉ 5,1% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư và 4,9% doanh nghiệp tăng quy mô lao động, giảm đáng kể so với mức tương ứng của năm 2019 (với tỷ lệ lần lượt là 8,3% và 11,5%). Về hiệu quả kinh doanh, năm 2022 chỉ 42,6% doanh nghiệp tư nhân cho biết họ có lãi, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019; tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%. Cả hai con số tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi hoặc báo lỗ của 3 năm gần đây là những chỉ báo cho thấy các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã trải qua một quãng thời gian chật vật trong hoạt động kinh doanh.
Tiếp cận tín dụng đã trở thành khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Cụ thể, tại thời điểm năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4%. Đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn 35,4% trong năm 2021. Đến năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 17,8%. Tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, song các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022. Biểu đồ dưới của Hình 1.2 cho thấy với nhóm các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận tín dụng chỉ là 11,3%, thấp hơn đáng kể so với các nhóm còn lại. Với nhóm có quy mô vốn từ trên 3 tỷ đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ này là 20,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng ở nhóm doanh nghiệp quy mô vốn 10-20 tỷ đồng là 28,3%. Ở các nhóm còn lại, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận vốn cũng chỉ xung quanh mức 25-35%.
Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch
Tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,56% trong năm 2021 lên 55,77% năm 2022. Trong khi năm 2021 chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi ở mức thấp kỷ lục (38,72%) thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng đáng kể (lên mức 42,77%). Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã điều chỉnh hoạt động để ổn định doanh thu và chi phí. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,88% năm 2022.
Mặc dù vậy, các con số tích cực trên nhiều khả năng là do sự cải thiện đáng kể chất lượng quản lý các nguồn lực của doanh nghiệp hơn là do sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh tế. Có những tín hiệu cho thấy triển vọng kinh tế chỉ ở mức tương đối. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động khó lường, các doanh nghiệp FDI đang tỏ ra thận trọng về kế hoạch mở rộng quy mô.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI)
Năm 2022, VCCI chính thức triển khai điều tra Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) như một hợp phần về môi trường được tích hợp trong điều tra PCI 2022. Chỉ số PGI được công bố thường niên và sẽ trải qua một lộ trình thử nghiệm, hoàn thiện và phát triển, với mong muốn đây sẽ là một công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ chỉ số PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy và nguy cơ ngày càng gia tăng về khí hậu và môi trường. Để đảm bảo an toàn, sức khỏe và phúc lợi của nhân dân trong dài hạn, việc xây dựng một lộ trình phát triển bền vững với mục tiêu kép vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ môi trường là rất quan trọng.
Nhận thức được những vấn đề này, Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững hơn. Định hướng này được thể hiện qua cam kết phát thải khí carbon thấp của Việt Nam với việc phê chuẩn Thỏa thuận chung Paris và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tháng 11/2022, Việt Nam đã đưa ra mức NDC sửa đổi lần thứ hai. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần huy động hơn 27 tỷ USD vốn đầu tư để đạt được các mục tiêu NDC của mình.
Chính phủ Việt Nam cũng đã khởi động nhiều chính sách khác nhau để thu hút đầu tư xanh, trong đó bao gồm việc hợp tác với các đối tác phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát hành trái phiếu xanh.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Chính quyền các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, lấy sự ổn định và thuận lợi của môi trường kinh doanh bù đắp cho những bất ổn của thị trường thế giới.
Minh Đức
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Tránh gây "sốc" cho thị trường
-
VCCI đề xuất bỏ giá trần, cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?